Để trẻ lớp 1 thích nghi với môi trường học tập mới

GD&TĐ - Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ và cũng là vấn đề quan tâm đặc biệt của các bậc cha mẹ. Việc thiết lập các biện pháp tác động tâm lý nhằm giảm bớt các khó khăn để giúp học sinh lớp 1 thích nghi với môi trường học tập mới, tạo tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng là việc làm cần thiết trong giai đoạn chuyển từ mầm non lên tiểu học.

Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng
Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng

Động viên trẻ

Ở giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học, các em nhỏ thay đổi hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang hoạt động học tập, điều đó làm cho các cha mẹ lo lắng. Những nội quy có tính chất bắt buộc luôn là cản trở lớn nhất đối với học sinh lớp 1. Trẻ sẽ gặp các khó khăn như thực hiện quy định về giờ giấc học tập, ngồi đúng vị trí và tư thế ngồi, khó khăn khi thực hiện quy định về giao tiếp học đường, về tác phong học đường, về giữ gìn trật tự trong lớp học.

Theo TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội , trẻ em đi học là cả một sự cố gắng lớn lao. Nếu cha mẹ không quan tâm động viên đúng mức, trẻ sẽ chán nản và mong muốn bỏ học. Với những lời động viên kịp thời và đơn giản khi trẻ bước chân về nhà như: Con đã học xong rồi đấy nhỉ, vất vả nhưng rất vui đúng không con.

Cha mẹ sẽ thấy con hào hứng đi học hơn với những lời chào mừng nồng nhiệt. Khi chào mừng, cha mẹ đừng hỏi điểm của con, hãy hỏi xem hôm nay con học có gì vui vẻ không. Nếu con không trả lời được cha mẹ cũng đừng bực bội buồn phiền. Chẳng qua lũ trẻ chưa biết cách giải trình cả một ngày học dài dằng dặc với vô khổi cảm xúc và bài học. Vì thế, phải có cách hỏi chuyện con.

Không mắng con khi con có lỗi

Đặc điểm tâm lý của học sinh lớp 1 là thích hoạt động trong một môi trường thoải mái, tự nhiên, đặc biệt là sự tự do. Lần đầu đi học, không thể có chuyện con ngoan từ đầu đến cuối, chắc chắn con sẽ gây ra một số vấn đề.

Trẻ vào lớp 1 cần sự tự tin
Trẻ vào lớp 1 cần sự tự tin 

TS Vũ Thu Hương cho rằng, cha mẹ hãy nhẹ nhàng hơn với con. Cha mẹ có thể phạt con về những sai sót đó nhưng đừng mắng chửi con quá nhiều và tuyệt đối không được đánh đập con. Các cha mẹ chỉ có thể giáo dục được trẻ khi đang bình tĩnh. Nếu mất bình tĩnh, tuyệt đối không giáo dục con, hãy tìm cách giảm căng thẳng cho chính mình trước khi dạy con.

Không đề cao thành tích

Theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ nào cũng rất mong con có thành tích cao để đem khoe. Bởi vì con cái chính là hiện thân tương lai của chúng ta, là niềm kiêu hãnh, tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, những người cha mẹ yêu thương con cái thật lòng nên kìm nén nhu cầu khoe khoang đó lại để con có thể phát triển tốt và trưởng thành.

Vì thế, đừng bao giờ chê bai con khi con mang quyển vở chữ xấu về nhà hay con bị cô phê không tốt. Bởi vì không ai thánh thần đến mức vừa bước chân vào học một điều mới lạ mà có thể thành thục và giỏi ngay lập tức. Ai cũng cần có bước ban đầu.

Ở các nước châu Âu, họ có các nguyên tắc rất rõ ràng trong việc khen ngợi đánh giá như sau: Nếu là rất tốt: Mức khen sẽ là Tuyệt vời, không có gì để chê trách, bất ngờ; Nếu là tốt: Mức khen sẽ là Rất hài lòng, rất đáng ca ngợi; Nếu là mức trung bình: Mức khen sẽ là ổn, hài lòng.

Nếu là mức chưa tốt, chưa đạt: Mức khen sẽ là rất độc đáo, khác biệt tuy nhiên chưa phù hợp lắm với các tiêu chuẩn đặt ra.

Với cách đánh giá như vậy, trẻ luôn biết mình sẽ phải học hỏi thêm những gì nhưng tâm trạng trẻ lại rất tốt và cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao. Cha mẹ đừng vội vàng phủ nhận những công sức của trẻ, cách làm đó chỉ khiến trẻ nhụt chí và khó chịu mà ghét việc học tập hơn thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ