Hạnh phúc của giáo viên là học trò chăm học
Thầy Nguyễn Thừa Kiên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, năm học này toàn trường có 249 học sinh, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Cuộc sống gia đình các em quanh năm khó khăn, thiếu thốn bởi chủ yếu làm nương rẫy. Mấy năm trở lại đây người dân bắt đầu tìm hiểu, bắt tay vào trồng sâm, cây dược liệu.
Vị hiệu trưởng cho hay, do cuộc sống khó khăn, người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên ít quan tâm đến việc học của con em mình. Do đó, cán bộ, giáo viên nhà trường chú trọng, sẻ chia nhiều hơn với học sinh để kịp thời nắm bắt, giúp đỡ các em trong việc học cũng như cuộc sống.
Đặc biệt, năm học 2021-2022 trường có 3 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ và 7 em mồ côi cha, mẹ. Do đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến những em này về việc học cũng như chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng, giáo viên của trường đa số từ nơi khác đến địa phương dạy con chữ cho học sinh. Trong đó, có một số giáo viên ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào giảng dạy. Những giáo viên ở trong tỉnh thì 1 tuần về nhà lần, còn thầy cô giáo ở xa có khi vài tháng, nửa năm hoặc 1 năm mới có dịp thăm gia đình. Đặc biệt vào mùa mưa việc đi lại, vận động học sinh ra lớp rất khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường luôn động viên cán bộ, giáo viên cố gắng để mang con chữ đến gần hơn với trò nghèo. Bên cạnh đó, giáo viên cũng lạc quan, hy sinh vì tương lai của học sinh.
“Đối với những thành phố lớn thì giáo viên sáng tạo để học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Còn những vùng cao, khó khăn như Mường Hoong, trước khi dạy con chữ giáo viên phải tìm cách để kéo học sinh đến trường. Chính vì vậy, niềm vui và hạnh phúc của giáo viên nơi đây chỉ là học sinh đến trường đầy đủ. Bên cạnh đó các em nghe lời thầy cô để cố gắng học con chữ, với hy vọng sau này sẽ bớt đói nghèo”, thầy Kiên chia sẻ.
Mong học trò đủ ăn, đủ mặc
Tương tự, hạnh phúc của thầy Lê Văn Linh cũng là học sinh đến lớp đủ đầy. Bởi theo thầy các em “ngại” đến trường nên giáo viên thường xuyên phải vào tận làng để tuyên truyền, vận động. Đặc biệt những ngày mưa, số lượng học sinh vắng khá đông. Những ngày này, giáo viên vào tận nhà để chở các em ra lớp. Dần dần, học sinh thấu hiểu tình cảm của giáo viên nên cũng ra lớp đủ đầy hơn.
Hơn 5 năm gắn bó với Trường Tiểu học xã Mường Hoong, cô Võ Thị Quỳnh Nga thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà học sinh nơi đây phải gánh chịu. Chính vì vậy, mỗi ngày lên lớp cô luôn lạc quan, tươi cười để truyền năng lượng tích cực đến với học sinh.
Cô Nga kể: Học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên các em ngại giao tiếp và tự ti. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ và động viên các em cố gắng trong học tập cũng như cuộc sống. Những ngày mùa đông, gió rít từng cơn, học sinh co ro trong chiếc áo mỏng tanh ngồi học. Thương trò, giáo viên lại góp tiền và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ áo ấm, giày dép cho các em.