Hạnh phúc công bằng

Hạnh phúc công bằng

(GD&TĐ) - Niềm vui khai giảng công bằng cho mọi trẻ em, dù đó là những trẻ khiếm thị, khiếm thính… hay đang được nuôi dạy trong các trung tâm trẻ mồ côi…

Âm thanh của màu sắc

Năm học mới này, sẽ có một sự kiện đặc biệt diễn ra với các học trò trường khiếm thính Hy Vọng (25, Nguyễn Văn Lạc, Bình Thạnh, TP.HCM). Lần đầu tiên, giáo án điện tử sẽ được thử nghiệm tại 2 phòng học. Chuyện xài giáo án điện tử với các trường phổ thông, xem ra, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng với các trẻ khiếm thính, và với cả các thầy cô giáo ở đây nữa, điều đó là cả một bước đột phá dài.

Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thân khoe: “Giáo án chúng tôi tự làm đấy. Với các trẻ khiếm thính, màu sắc thực sự là những âm thành sống động”. Dĩ nhiên, các bài học được minh họa bằng hình ảnh, chiếu trên màn hình, sẽ giúp học trò dễ hình dung hơn những khái niệm mà thông thường, các cô thầy phải vất vả để giúp các em tưởng tượng.

Chúng tôi ghé ngang qua lớp học vẽ của cô giáo Ngô Thị Thanh Vân trong giờ học. Cô giáo Vân vốn là học trò trường Hy Vọng. Lúc ra trường, cô ở lại phụ các thầy cô, vừa dạy, vừa học. Nhẫn nại theo đuổi việc học ở Đại học Mỹ Thuật TP.HCM suốt 7 năm dài, tốt nghiệp, cô Vân lại quay về trường dạy vẽ cho các em. Ở lớp của cô, âm thanh không bộc lộ thành lời của lũ trẻ chính là màu sắc. Và có tấm gương nào tuyệt vời hơn, nghẹn ngào hơn chính tấm gương của cô giáo lũ trẻ ?

Một giờ học tại trường Hy Vọng (số 25, Nguyễn Văn Lạc, Bình Thạnh, TP.HCM)
Một giờ học tại trường Hy Vọng (số 25, Nguyễn Văn Lạc, Bình Thạnh, TP.HCM)

Năm học mới, Quốc Nam, học sinh của trường, lại như mọi năm, thấp thỏm về cơ hội được học tiếp của mình. Cha và em của Nam đều mắc bệnh tâm thần, bản thân em không thể tự lo được cho mình. Năm nào cũng vậy, trường Hy Vọng phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tài trợ cho em. Có vậy, Quốc Nam mới được tiếp tục đến trường. Ở đó, các cô thầy lo cho Quốc Nam mọi thứ, từ giày dép, tiền học… cho đến việc “lôi” em đi… hớt tóc.

Những trường hợp như Nam ở trường Hy Vọng nhiều lắm. Em Nguyễn Thị Bích Hồng, học ở đây từ mẫu giáo, năm nay đã 16 tuổi. Cha mẹ Hồng bị câm điếc, gia đình khó khăn. Nhưng Hồng học rất cố gắng, cô bé còn là thành viên đội múa. Hồ Minh Nhựt, mẹ bị ung thư, cha bỏ gia đình đi từ khi Nhựt còn bé, đến lúc quay về đã liệt cả nửa người. Nhựt bị suy dinh dưỡng từ nhỏ, có chứng động kinh… Mỗi ngày đến trường, các thầy cô còn kiêm nhiệm luôn cả vai trò điều dưỡng, cho em uống thuốc, kiểm tra sức khoẻ…

Những học trò như Quốc Nam, Bích Hồng, Minh Nhựt…, năm học này, lại tiếp tục được đến trường. Những bạn bè quen sẽ lại gặp nhau. Mà thực ra, cứ khen các em biết vượt khó, hóa ra là những câu nói sáo rỗng. Ở trường Hy Vọng, bọn trẻ cứ tiến lên phía trước, mà không cần phải tự so sánh mình với bất kỳ ai.

Trường trẻ khiếm thính Hy Vọng (Bình Thạnh) được ra đời từ những bậc cha phụ huynh có cùng cảnh ngộ. Năm rồi, trường còn được nhận cờ Thi đua xuất sắc của ngành giáo dục TP.HCM.

Màu sắc trong lớp vẽ của cô giáo Ngô Thị Thanh Vân
Màu sắc trong lớp vẽ của cô giáo Ngô Thị Thanh Vân

Chuyện phạt ở nhà chùa

Sư Như Trí, người sáng lập và điều hành Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác (Chùa Diệu Giác, Trần Não, quận 2, TP.HCM) đã cười khi chúng tôi hỏi một câu hỏi có vẻ khuôn mẫu, mà khô cứng, rằng nhà chùa chuẩn bị cho các bé năm học mới có gì đặc biệt không? Có gì mới mẻ không? Với bà, từ hơn 20 năm nay, vẫn vậy, đến hẹn lại lên, chuyện chuẩn bị cho các con vào năm học mới chẳng có gì là đặc biệt. Bà cười cũng phải! Đi học, thì lo quần áo mới, cặp sách, bao tập vở. Xa, nhà chùa có xe lam đưa đón; gần, các bé tự đi bộ.

Đáng lo nhất, vẫn là khoản học phí. Lo lắng đấy, nhưng đến lúc đi học, nhà chùa cũng lo đầy đủ cả. Học hành, thứ bảy nào cũng vậy, những người trưởng thành từ mái nhà này, đã đi xa, đã có gia đình riêng, đều quay lại phụ đạo thêm chuyện học cho các em.

Chuyện tưởng chừng như đơn giản như họp phụ huynh, thì nhà chùa phải giải quyết làm sao ? Câu trả lời của sư Như Trí, lại một lần nữa, khiến người viết bài này cảm thấy xấu hổ. Đứa lớn học lớp lớn hơn sẽ đi họp phụ huynh cho đứa nhỏ hơn. Và các anh các chị phải chịu trách nhiệm với nhà chùa về việc học, việc cư xử của chính những đứa em nhỏ, mà chúng đang đóng vai phụ huynh. Vậy mới có chuyện, khi các em hư, bị phạt 1, thì các anh các chị phải nhận phạt 3. Dắt díu bảo ban nhau, các trẻ mồ côi phải sớm tự đứng trên đôi chân mình. Đừng tưởng nhà chùa là không nghiêm khắc.

Bé Vũ Thái Bình, nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác, năm nay sẽ được đến trường
Bé Vũ Thái Bình, nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Diệu Giác, năm nay sẽ được đến trường

Mọi thứ đã sẵn sàng

TP.HCM hiện có 2216 học sinh trong 25 trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị, khiếm thính, chậm phát triển nhận thức… (18 trường công lập và trường ngoài công lập). 7 đơn vị quận huyện chưa phát triển mô hình trường công lập dạng này là quận 4, quận 7, quận 9, quận Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Tân, Hóc Môn.

Theo cô Vân Anh (Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM), phương hướng trong năm học mới với các trường chuyên biệt này là sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác can thiệp sớm. Đặc biệt, việc xây dựng một mạng lưới chuyên môn để tăng cường mối liên kết giữa các trường sẽ được coi là nét mới đáng quan tâm trong năm học này. Mô hình hoạt động trị liệu tâm vận động, một liệu pháp hiện đại, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và hoạt động. Đẩy mạnh phần nội dung thể dục thể thao để giúp việc hội nhập sớm của trẻ cũng sẽ được chú trọng. Năm ngoái, hội thao trẻ khuyết tật toàn thành phố lần thứ 2 đã được tổ chức.

Một số cơ sở đào tạo sẽ được đầu tư hiện đại, như phòng kích thích đa giác quan ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Cơ sở vật chất các trường giáo dục chuyên biệt cũng đã và đang được đầu tư lớn. Năm học này, các cô trò Trường giáo dục đặc biệt Tương Lai (Phòng GD&ĐT quận 1, TP.HCM) sẽ được chuyển về cơ sở mới, với 7 phòng học và 1 phòng chức năng, sử dụng thang máy, với hơn 6 tỷ đồng tổng đầu tư cơ sở vật chất. Trường Hy Vọng (Bình Thạnh), hôm chúng tôi ghé thăm, cũng vừa hoàn tất công trình các phòng vệ sinh hơn 80 triệu đồng (nguồn tài trợ).

Năm học mới đã bắt đầu!

Mai Thụy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.