(GD&TĐ)- Có hàng triệu lời tri ân được viết từ trái tim của hơn 40 ngàn học trò ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài bày tỏ lòng kính trọng, lòng biết ơn vô hạn với công lao dạy giỗ bằng trời-biển, của các thầy giáo, cô giáo trước đây của mình.
|
Tình thầy-trò. Chị Nguyễn Thị Việt Nga và thầy dạy Địa lý khi xưa của mình Nguyễn Hoàng Đạo. Ảnh, gdtd.vn |
Với ước mong 365 ngày mỗi năm luôn là ngày 20-11 và bằng tấm lòng tri ân sâu sắc nhất, cuộc thi "Nét bút tri ân" được tổ chức lần thứ nhất (năm 2009) đã gặt hái được kết quả vô cùng ấn tượng, thể hiện sức mạnh lan tỏa mãnh liệt, khi bắc nhịp cầu tri ân giúp hàng chục ngàn người Việt trong và ngoài nước có điều kiện bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo.
Tuy không cháy bỏng như những cung bậc tình cảm yêu thương khác, nhưng những dòng "Nét bút tri ân" đã được các cô, cậu học trò thủa nào viết nên từ đáy lòng mình. Giờ đây họ, những học trò xưa, đã trưởng thành; họ đứng trên một tâm thế khác (học trò) để nói lên tình cảm từ đáy lòng mình đối với những người thầy đáng kính trong quá khứ, những người đã dành cho mình lòng thương yêu vô bờ bến, những người đã cống hiến trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người.
Chị Nguyễn Thị Việt Nga, người đã có nhiều
bài viết cho cuộc thi chia sẻ: trong cuộc đời của mỗi con người thì ai cũng có một người thầy đáng kính và đáng nhớ, "Nét bút tri ân" là nhân tố đẹp đẽ để khơi dậy lòng tôn sư trọng đạo của mỗi con người. Trong cuộc đời của Việt Nga đã có rất nhiều thầy cô giáo đã từng dạy dỗ chị, thầy Nguyễn Hoàng Đạo là một trong số đó - "Thầy để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc".
|
Một đoạn trích từ bài: "Xin thầy tha lỗi" của Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh, gdtd.vn |
Chị Nga cho rằng: để phấn đấu thành một GS.TS, NGND, NGƯT đã khó nhưng để trở thành một nhà giáo chân chính, một thầy giáo mà lớp lớp học trò kính trọng, lấy đó là một hình mẫu cho mình noi theo là một điều khó khăn hơn. Thầy Nguyễn Hoàng Đạo đã làm được điều đó. Thầy có một tình yêu bao la đối với học trò và có một thái độ nghiêm túc đối với sự nghiệp.
Chị Nga kể: Thầy Đạo dạy môn Địa ở trường. Khi còn học ở trường cũ, một lần khi lên lớp, thấy thầy mệt mỏi, bon con gái chúng hỏi: "thưa thầy, thầy ốm phải không ạ". Thầy Đạo nói, thầy không ốm, vì nhiều tối nay, thầy thức khuya để tìm ra cách vẽ bản đồ đất nước đẹp nhất và dễ nhất cho các em. Nghe thế, chúng tôi càng thấy quý mên người thầy của mình hơn. "Sau này, khi gặp lại nhau, các bạn trong lớp chúng tôi thường kể về người thầy đáng kính của mình".
Thầy Nguyễn Hoàng Đạo, rất xúc động khi đọc bài viết của học trò Nga về mình trong cuộc thi "Nét bút tri ân". Thầy cho biết, khi đọc bài học trò cũ (chị Nga) viết về mình thì có một cảm xúc khó tả dâng trào. Thầy đạo nói: chuyện thì không có gì cả, hồi ấy, khi Việt Nga học lớp 12 Văn (trường PT năng khiếu Hải Dương), thầy Đạo có trồng trong trường một bồn Hoa Trạng nguyên với một mơ ước cháy bỏng được thầy gửi gắm vào sắc đỏ của Hoa: đem đến sự may mắn cho các học trò của mình. Thầy chia sẻ, mình không nghĩ rằng việc làm nhỏ đó của mình lại được học trò khắc sâu trong lòng đến thế. Đến bây giờ, thầy rất xúc động vì những dòng tri ân của học trò Nga, của các học trò cũ của mình...
|
Thầy giáo Văn Như Cương chia sẻ tại Lễ phát động cuộc thi "Nét bút tri ân" 2010. Ảnh, gdtd.vn |
Nhận xét về những trang viết "Nét bút tri ân", thầy giáo Văn Như Cương nhận định, đây là cuộc thi bổ ích, có tính định hướng, tính giáo dục; thể hiện qua những kết quả tốt đẹp trong lần tổ chức đầu tiên; và cho rằng: hiện nay, cần tổ chức nhiều hơn nữa để các em viết ra những tâm tư tình cảm của mình đối với thầy, cô. Đồng thời ông cũng chỉ ra hạn chế hiện nay là hiện tượng học sinh đánh nhau và phê phán báo chí đã đưa tin quá nhiều, quá chi tiết dẫn đến phản tác dụng của hiệu quả báo chí.
Thầy chia sẻ: thời chúng tôi đi học, học trò đối với thầy rất mực kính trọng thầy, tôn trọng, "phục" thầy, nhưng cũng rất "sợ" thầy; thầy mắng không được cãi, thầy đánh không được khóc, đi ra đường, nhìn thấy thầy từ đằng xa phải đứng nghiêm từ trước chào thầy, chào cô.
Thầy Cương cho biết đạo thầy trò lúc bấy giờ: thầy giáo rất tận tâm, rất thương yêu học trò, coi học trò như con; học trò đối với thầy phải "kính nhi viễn tri", phải kính trọng những người thầy dạy của mình nhưng không được phép gần gũi.
Nói về đạo thầy trò ngày hôm nay, thầy Cương cho biết: cảm thấy rất vui mừng vì quan hệ giữa thầy và trò rất gần gũi, học trò tôn trọng thầy và người thầy cũng tôn trọng học trò. Thầy nói: ngay như những lúc tôi đến trường (thầy Cương là Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh), những em học sinh lớp 6, 7 ùa ra, hỏi chuyện thầy rất tự nhiên, gần gũi. Thầy cho rằng quan hệ thầy trò như thế là bình đẳng...
|
Tuyển tập "Nét bút tri ân". Ảnh, gdtd.vn |
Với mong muốn lưu giữ và giới thiệu đến đông đảo độc giả gần xa những tấm lòng đẹp, những tình cảm thân thương, chân thành của những thế hệ học trò Việt Nam đến "những người đưa đò thầm lặng", Ban tổ chức cuộc thi cũng đã quyết định thực hiện tuyển tập Nét bút tri ân.
Tuyển tập gồm 140 bài viết xuất sắc nhất, mỗi bài viết là một trải lòng của học trò đối với thầy cô; trong đó chứa đựng những cái tình sâu sắc: tình thầy trò.
Trong mỗi bài viết, hình ảnh của người thầy, cô xưa kia được học trò ví như cha, mẹ mình. Tình cảm của thầy cô giành cho học trò được ví như trời như biển. Nhớ về thầy, có học trò dành riêng một góc trong nỗi nhớ. Cảm nhận về tình cảm của người thầy, có học trò ví thầy như mùa xuân, phủ lên người mình một thứ tình cảm ấm áp... Một đôi mắt mênh mông, một dáng người lom khom...
"Mỗi nét bút là một lời tri ân và hơn thế nữa, con xin tạ lỗi với mẹ, tạ lỗi với ước mơ khi thi không đậu vào đại học sư phạm. Để rồi ước mơ lại cháy bùng trong tâm hồn con, thôi thúc con bước tiếp những chặng đường, bởi con biết mỗi chặng đường con đi đều có tinh thần của mẹ, nhiệt huyết của cuộc đời một nhà giáo, tấm lòng của một thầy thuốc soi đường, chỉ lối cho con bước tiếp ước mơ". (Lê Thị Thương) "...những ngày bé thơ tôi theo học một ông thầy khó tính, bắt buộc tôi phải đứng lên tại nơi mình ngã xuống, bắt buộc tôi phải tin tưởng với chính mình, bắt buộc tôi phải có trách nhiệm với bản thân, với những việc mình làm, … rất nhiều thứ không bằng roi vọt, không bằng câu chỉ trích mà chỉ bằng cách khơi gợi tính ham muốn trẻ con, bật dậy cái tôi trong bản thân tôi...Giờ này ông không còn bên tôi, và những thầy cô giáo khác cho tôi nhiều kiến thức mới, một cách có bài bản, có luật lệ, nhưng tôi không quên được những bài học vỡ lòng không theo quy tắc nào của ông ngoại". (Lê Phương Trúc Thùy) "Năm tháng trôi đi, xa quê hương lên Sài Gòn học tôi đã trưởng thành và bản lĩnh hơn rất nhiều. Đứa con nôi miền quê nghèo Quảng Ngãi không còn e ngại trước những sóng gió của cuộc đời, không còn sợ nhưng bon chen, xô bờ nơi phồn hoa phố thị mà đánh mất đi bản chất con người. Tôi biết có được ngày hôm nay là nhờ có mẹ - cô giáo đầu tiên của tôi... Mặt trời nhô lên xua tan bớt sương mù, mẹ tôi đang đứng chờ tôi, vẫn cái áo cũ bạc màu, mái tóc cột nhẹ sau lưng, dáng mẹ hao gầy cuối con đường sỏi đá. Tôi chạy thật nhanh để con đường bớt dài, gió lạnh thốc vào mắt vào mũi cay xè. Tôi muốn ôm chặt mẹ, dâng món quà nên tặng mẹ và nói một câu thiêng liêng nào đó nhưng tôi không thốt lên thành lời, chỉ thấy nước mắt mằn mặn đầu môi..." (Khúc Thị Vần) |
Giang Đông