Nhắc đến Mihaly Csikszentmihalyi, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vị cha đẻ của thuyết “Dòng chảy”.
Thuyết này được xem như trụ cột trong tâm lý học tích cực, vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và áp dụng trong hầu hết các ngành Khoa học Xã hội, Kinh tế, thậm chí trong nghiên cứu sự tiến hóa của nhân loại và các lĩnh vực đời sống khác nhau, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, bao gồm cả tâm lý trị liệu, cải tạo tội phạm vị thành niên, giáo dục, âm nhạc....
Cuốn sách “Flow - Dòng chảy” chính là thành quả vĩ đại, ghi chép lại khối kiến thức khổng lồ xoay quanh trạng thái dòng chảy đã được Mihaly dành cả đời người để nghiên cứu.
Tác phẩm kinh điển này không những đã tạo nên tên tuổi của ông mà còn đóng góp rất to lớn trong việc giúp nhiều người trải nghiệm được cảm giác thăng hoa nhất trong cuộc sống.
Tuy thế, “Flow - Dòng chảy” không phải chỉ chứa đựng những kiến thức thiên về học thuật, cuốn sách này còn đặc biệt dành cho đối tượng phổ thông khi trình bày những kiến thức, nguyên tắc chung, cùng với các cách thức mà nhiều người đã sử dụng để biến đổi cuộc đời nhàm chán và vô nghĩa của mình trở nên tràn đầy niềm vui và sự thưởng thức.
Độc giả sẽ biết cách chọn lọc, xử lý thông tin khi chúng đi vào tâm thức, nắm giữ được những bí quyết để tối ưu sự tập trung, làm việc hiệu quả, và sống một cuộc đời trọn vẹn.
Trong suốt cuộc đời mình, hầu hết chúng ta lại phó thác niềm hạnh phúc của bản thân cho những yếu tố ngoại cảnh. Ta tin rằng sự sung túc sẽ mang đến cuộc sống mãn nguyện nên cứ thế lao vào kiếm tiền, tin rằng được mọi người quý mến thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nên cứ cố làm hài lòng người khác.
Thực ra, chất lượng của cuộc sống được định đoạt bởi nội tại của bạn, là bất kể môi trường xung quanh có đang xáo trộn và biến đổi như thế nào thì bạn vẫn luôn chủ động trong việc tiếp nhận thông tin và giữ được trạng thái cân bằng trong tâm trí.
Trong một phần tư thế kỷ dành cho nghiên cứu, Mihaly phát hiện ra hạnh phúc không phải thứ có thể mua bằng tiền bạc hay bị chi phối bởi quyền lực, “nó không phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh, mà chính xác hơn, nó phụ thuộc vào cách chúng ta diễn giải về những điều kiện ngoại cảnh đó.
Những người học được cách kiểm soát trải nghiệm nội tại của mình sẽ có khả năng quyết định được chất lượng cuộc sống”. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều có cơ hội trở nên hạnh phúc với điều kiện phải hiểu và biết được cách đưa mình vào với trạng thái dòng chảy.
Ví dụ, một vận động viên leo núi sau khi chinh phục một ngọn núi cao, hiểm trở… hay một thủy thủ tình cờ khám phá ra một vùng đất mới sau nhiều ngày lênh đênh trên biển đối mặt với bão táp, mưa sa, đều đang đạt đến trạng thái dòng chảy - “trạng thái mà trong đó con người tham gia vào một hoạt động sâu sắc đến mức dường như chẳng còn điều gì khác là quan trọng nữa”. Họ học được cách thưởng thức và tìm thấy ý nghĩa trong dòng trải nghiệm đang diễn ra.
“Những người đạt được trạng thái “dòng chảy” phát triển một cái tôi mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, vì năng lượng tinh thần của họ được tập trung thành công vào những mục tiêu chính họ đã lựa chọn để theo đuổi”, tác giả khẳng định.
Thông qua “Flow - Dòng chảy”, Mihaly Csikszentmihalyi sẽ đem đến cho bạn đọc những khái niệm lý thú về tâm lý học hiện đại như entropy tâm thần, trật tự trong ý thức, sự thưởng thức, hay trải nghiệm của mục đích tự thân.
Đặc biệt, bạn sẽ được tiếp cận với cấu trúc của một trạng thái dòng chảy, hay còn gọi là 9 thành tố tạo nên trải nghiệm tối ưu trong công việc lẫn cuộc sống, bao gồm Có mục tiêu rõ ràng, Có những phản hồi tức thì cho hành động, Có sự cân bằng giữa thách thức và kĩ năng, Hành động và nhận thức được hợp nhất, Những khía cạnh khác bị loại khỏi ý thức, Không lo sợ thất bại, Sự tự ý thức biến mất, Cảm thức về thời gian bị bóp méo, và Hoạt động trở thành hoạt động có mục đích tự thân.
Cuốn sách giống như một tấm bản đồ và Mihaly Csikszentmihalyi chính là người dẫn dắt chúng ta vào một hành trình khám phá sự vận hành của tâm trí con người, từ đó, ta sẽ hiểu những khoảnh khắc đẹp đẽ và diệu kỳ nhất trong cuộc sống chỉ có thể đến khi cả cơ thể và tâm trí của ta được kéo căn đến mức cực đại.
Ngoài ra, Mihaly cũng hướng dẫn bạn đọc phân biệt “sự tận hưởng” và “sự vui thích”. Trong khi “sự vui thích” chỉ thỏa mãn những yêu cầu hồi phục đơn thuần, thì “sự tận hưởng” lại còn có khả năng thúc đẩy bản thân sử dụng kĩ năng và sự tập trung để vượt lên những giới hạn bản năng, hoàn thành những mục tiêu, và song song đó là giành quyền kiểm soát bản thân. Như tác giả đã chia sẻ, “trải nghiệm tối ưu là thứ gì đó chúng ta chủ động làm cho nó xảy ra và mang đến cho ta một cảm giác tự chủ”.
Từ thuở sơ khai, câu hỏi về “hạnh phúc là gì?” đã được con người đặt ra và liên tục đi tìm câu trả lời. Nhưng hạnh phúc là một trải nghiệm mang tính cá nhân không ai giống ai, vì vậy những điều kiện mà Mihaly đặt ra trong “Flow - Dòng chảy” suy cho cùng chỉ là những nguyên tắc chung. Tuy nhiên, trên hành trình đi tìm lẽ sống, bạn cần những mục tiêu cụ thể để hướng đến. Lúc đó, kết quả không còn quá quan trọng, điều cốt yếu là bạn được trải nghiệm, được thử thách, và được vươn ra khỏi những giới hạn của chính mình.