Hàng trăm cục huyết khối chặn tĩnh mạch đùi người phụ nữ

GD&TĐ -  Chân trái bà Liên, 62 tuổi ở An Giang được bác sĩ phát hiện tĩnh mạch chậu trái của bà bị chèn ép hình thành hàng trăm cục máu đông.

Hàng trăm cục huyết khối chặn tĩnh mạch đùi người phụ nữ

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, kết quả chụp CT tĩnh mạch ghi nhận bà Liên mắc hội chứng May-Thurner.

Bác sĩ Lê Văn Tuyến, Trung tâm Can thiệp Mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, đây là tình trạng ảnh hưởng đến lưu lượng máu, khi động mạch chậu bên phải đưa máu đến chân phải đè lên tĩnh mạch chậu trái đưa máu về tim. Tĩnh mạch chậu trái bị chèn ép và máu khó chảy tự do.

Trường hợp của bệnh nhân bị tắc nghẽn tại vị trí gốc của tĩnh mạch chậu, chặn gần hết dòng máu qua tĩnh mạch chậu, hình thành hàng trăm cục huyết khối gây sưng phù chân trái. Nếu cục máu đông vỡ, di chuyển đến phổi sẽ gây thuyên tắc phổi, đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Tuyến đánh giá trường hợp của người bệnh nguy cấp, cần tái thông tĩnh mạch chậu bị tắc nghẽn, đưa chân trái về trạng thái bình thường.

Bác sĩ đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới để ngăn huyết khối trôi lên làm tắc động mạch phổi gây ngưng tim, đột tử, tiếp theo là hút huyết khối.

Cuối cùng, bác sĩ luồn dụng cụ qua tĩnh mạch khoeo với vết chọc kim rất nhỏ, chỉ 2-3 mm rồi đưa bóng vào nong rộng lòng tĩnh mạch, đặt stent đường kính 14 mm tại vị trí tắc nghẽn.

Đùi và chân trái bệnh nhân sưng phù, căng bóng (hình trái) và sau khi can thiệp khơi thông đoạn tĩnh mạch tắc nghẽn (hình phải). Ảnh: BVCC
Đùi và chân trái bệnh nhân sưng phù, căng bóng (hình trái) và sau khi can thiệp khơi thông đoạn tĩnh mạch tắc nghẽn (hình phải). Ảnh: BVCC

Quá trình can thiệp có sự trợ giúp của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS) giúp bác sĩ quan sát kỹ cấu trúc mạch máu để thao tác chuẩn xác.

Sau ba giờ, kích thước đùi trái của bà Liên thu nhỏ gần như cũ. Bà đi lại như bình thường, xuất viện sau một ngày, cần tái khám sau một tuần. Khi huyết khối tan hết, người bệnh được lấy lưới lọc tĩnh mạch chủ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết chèn ép tĩnh mạch chậu là hiện tượng phổ biến, xảy ra ở 1 trên 5 người.

Hội chứng May-Thurner phổ biến ở phụ nữ 20-50 tuổi, đặc biệt đã sinh con. Tuy nhiên nhiều trường hợp không được chẩn đoán chính xác về hội chứng này do không có triệu chứng rõ ràng, trừ khi bệnh nhân phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis - DVT).

Bác sĩ Tuyến cho biết không có cách nào giúp ngăn ngừa hội chứng May-Thurner. Cách cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ đông máu là tránh đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài, uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, kiểm soát bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại vi…, mang vớ tĩnh mạch.

Người có dấu hiệu như cảm giác nặng nề, vết loét hở, da đổi màu ở chân, sưng tĩnh mạch, đau nhói hoặc đau ở chân, sưng, cảm giác nặng nề ở chân... cần đi khám sớm để được can thiệp tái thông tĩnh mạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.