Giãn tĩnh mạch chi dưới

GD&TĐ - Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới tạo ra cảm giác khó chịu trong sự lì lợm, dai dẳng và nhất là gây mất thẩm mỹ ở phái đẹp.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Có một bệnh lý thuộc về chân tạo ra cảm giác khó chịu trong sự lì lợm dai dẳng và nhất là gây mất thẩm mỹ ở phái đẹp. Đó là bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới.

Do đứng, ngồi lâu

Bệnh giãn tĩnh mạch là bệnh khá phổ biến, diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo từng cá thể. Bệnh xảy ra là do sự hư hỏng các “van” (valve) tĩnh mạch khiến cho dòng máu lưu thông không được bình thường, gây ra hiện tượng trào ngược trong lòng tĩnh mạch do tác dụng của trọng lực và hiệu ứng lưu chuyển máu về tim. Do dòng trào ngược, máu không di chuyển về tim kịp thời nên gây ra hiện tượng ứ trệ máu tại các tĩnh mạch ngoại vi. Từ đó, xuất hiện các biểu hiện của bệnh.

Các tĩnh mạch bị giãn từ từ, nên cấu trúc và hình dạng của các tĩnh mạch cũng dần dần biến đổi theo và lộ diện rõ nhất tại các tĩnh mạch nông ở chi dưới. Người bệnh và những người xung quanh có thể quan sát thấy các đoạn tĩnh mạch phình to, dài ra và gập góc tạo cảm giác “bò” ngoằn ngèo như những con giun.

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao, càng dễ mắc bệnh và mức độ bệnh cũng nặng nề hơn. Độ tuổi thường gặp là từ 50 trở lên. Tuổi tác có lẽ là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

- Giới tính: Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh giãn tĩnh mạch của phái đẹp cao hơn phái mày râu gấp 2 - 3 lần. Điều này được các nhà nghiên cứu cắt nghĩa do phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ. Quá trình mang thai lâu ngày đã gây ra sự chèn ép lưu thông máu của hai chi dưới. Một số bà mẹ được chẩn đoán giãn tĩnh mạch thai kỳ. Sau sinh con có thể hồi phục trở lại gần như bình thường.

- Do nghề nghiệp: Tỉ lệ mắc bệnh cao ở những người đứng, ngồi lâu mà không có sự vận động thay đổi tư thể để máu dễ đàng lưu thông mà không bị ứ trệ. Thợ may và các nhân viên văn phòng “ngồi đồng” là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới.

- Yếu tố di truyền: Bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới mang yếu tố gia đình, nghĩa là có tính di truyền khi trong nhà có nhiều người cùng mắc bệnh này. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bằng chứng của gien di truyền.

- Mang thai: Những người phụ nữ mang thai và nhất là sinh đẻ nhiều có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch cao gấp 2 lần những người phụ nữ không sinh đẻ lần nào.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác đang được bàn cãi và tiếp tục nghiên cứu như bệnh giãn tĩnh mạch ở những người béo phì, người thường xuyên bị táo bón hoặc sử dụng các loại thuốc có tính chất nội tiết tố để ngừa thai (liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu ở chi dưới).

Cảm giác kiến bò

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Các biểu hiện thường gặp bao gồm: Nặng, tê, mỏi, đau, phù chân về chiều và có hiện tượng vọp bẻ, chuột rút. Nhiều trường hợp xuất hiện dị cảm ở chân với cảm giác kiến bò hoặc nóng rát...

Những trường hợp giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch nặng làm phù chân kéo dài, màu sắc da dần biến đổi và da bị xơ cứng bì. Rồi loét mặt trong mắt cá chân dai dẳng, khó lành.

Bệnh giãn tĩnh mạch có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng sau:

- Huyết khối tĩnh mạch: Do máu ứ đọng nên kết dính tạo thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch gây ra thuyên tắc tĩnh mạch sâu hoặc cục máu đông được đẩy vào lưu thông trong các mạch máu lên phổi gây ra bệnh cảnh thuyêt tắt mạch ở phổi và dẫn đến tử vong.

- Xuất huyết: Do các tĩnh mạch nông “chạy” gần bề mặt của da phình to bị vỡ vì lực ma sát hay va chạm gây chảy máu và mất máu.

- Xơ cứng bì: Da bị thay đổi màu sắc, dần cứng lại gây cảm giác đau đớn, ban đầu thì sưng tấy, nhưng về sau “teo” dần, rõ rệt ở vùng trên mắt cá chân. Xơ cứng bì là bệnh lý của da và mô liên kết. Nếu không được điều trị và chăm sóc tốt để xảy ra vết loét sẽ rất khó lành.

Một kỹ thuật hỗ trợ đắc lực cho chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới và mức độ nặng nhẹ của bệnh là phương pháp siêu âm doppler màu mạch máu chi dưới. Qua đó đánh giá được tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn tĩnh mạch, tình trạng rối loạn huyết động và đặc biệt là phát hiện cục máu đông trong lòng mạch.

Hướng điều trị và phòng bệnh

Bệnh giãn tĩnh mạch chi diễn biến âm thầm, không gây chết người nhưng lại làm giảm chất lượng cuộc sống. Các biến chứng do giãn tĩnh mạch chi dưới cũng để lại hậu quả đáng kể và nhiều khi khó lường cho bệnh nhân và thầy thuốc. Do đó, tốt nhất người bệnh cần được chẩn đoán xác định sớm và điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, loét chân không lành, gây chảy máu…

Đơn giản nhất là sử dụng vớ áp lực cho các trường hợp bệnh nhẹ. Chích xơ tạo bọt (hiện ít làm do nguy cơ biến chứng tắc mạch), đốt laser hiện được ưa chuộng nhất vì độ an toàn và mức độ thẩm mỹ cao.

Phương pháp mới và hiện đại nhất hiện nay để điều trị suy giãn tĩnh mạch sâu là bơm keo tĩnh mạch. Qua một ống sonde nhỏ luồn vào tĩnh mạch keo VenaSeal được bơm vào để “đóng cửa” đoạn tĩnh mạch bị thương tổn. Khi đó máu sẽ được chuyển hướng sang các tĩnh mạch còn hoạt động bình thường khác ở vùng lân cận.

Phòng bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới bằng cách thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt và công việc như không ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ, tăng cường đi bộ giúp cho máu ở chân được lưu thông tốt hơn, tránh thừa cân, béo phì, đi giày dép bằng, hạn chế giày cao gót, không mặc các loại quần bó chặt vì gây cản trở máu lưu thông, dùng gối kê chân cao hơn mức tim khoảng 10 cm khi ngủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.