Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào cổ phiếu bất động sản

GD&TĐ - Dòng tiền trở lại cổ phiếu Bất động sản (BĐS) với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng sau hơn 1 tuần giảm sàn do hiệu ứng từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

Cổ phiếu BĐS phục hồi sau chuỗi ngày “nằm sàn”.
Cổ phiếu BĐS phục hồi sau chuỗi ngày “nằm sàn”.

Dòng tiền đổ vào cổ đất

Sau 6 ngày giảm sàn liên tục, đến sáng 20/1, dòng tiền bắt đầu quay lại dòng cổ phiếu BĐS với giá trị giao dịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Dòng cổ phiếu BĐS rơi tự do từ ngày 12/1/2022 do ảnh hưởng từ vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất ở Thủ Thiêm và ông Trịnh Văn Quyết bán chui hàng chục triệu cổ phiếu. Các mã tăng nóng như CII, DIG, LDG, KBC, SZN, BCG, TCH, ITA, CEO, FLC đồng loạt giảm hết biên độ. Trong đó, CII bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 7 phiên giảm sàn.

Cụ thể, từ ngày 12/1 đến 20/1 CII có 7 phiên giảm sàn liên tục. Khối lượng cổ phiếu bị “nhốt sàn” từ  ngày 12 - 19/1 lên đến trên 22 triệu đơn vị mỗi ngày. Khối lượng giao dịch chỉ vài chục, cho đến vài trăm nghìn cổ phiếu với giá trị giao dịch dao động từ 4,4 đến trên 54 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu NBB - công ty thuộc sở hữu của CII cũng có đến 6 phiên giảm sàn, giá trị giao dịch ở mức thấp.

Tiếp đến là LDG cũng đánh dấu chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 3 phiên sàn. Khối lượng giao dịch chỉ trên dưới 100.000 đơn vị. Trong khi khối lượng đặt bán thất bại cũng lên đến con số hàng triệu.

Một cổ phiếu tăng nóng thời gian qua là CEO, cũng đánh dấu chuỗi 5 phiên giảm, trong đó có 3 phiên giảm hết biên độ của sàn HNX. Khối lượng giao dịch của CEO thấp nhất là ngày 19/1 với trên 754 triệu đơn vị. Trong khi đó lượng cổ phiếu bị “nhốt sàn” lên đến gần 10 triệu đơn vị.

Các mã khác như L14, FLC, DXG, ITA cũng có một tuần giảm giá liên tục. Trong đó, FLC là cổ phiếu giảm mạnh do hiệu ứng từ vụ tỷ phú Trịnh Văn Quyết bán chui hàng chục triệu cổ phiếu và bị UBCK Nhà nước xử phạt 1,5 tỷ đồng.

Đến ngày 20/1 dòng tiền bắt đầu quay lại dòng cổ phiếu BĐS với thanh khoản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Khối lượng được mua nhiều nhất là DIG, CII, CEO, LDG, L14... Trong đó, CII bất ngờ được giao dịch với khối lượng cao nhất trong 5 năm trở lại đây với gần 40 triệu cổ phiếu và thanh khoản đạt gần 1.400 tỷ đồng (phiên có khối lượng giao dịch lớn thứ 2 là ngày 15/12/2021 với 30 triệu cổ phiếu).

Cổ phiếu DIG cũng được thu gom với khối lượng lên đến trên 13 triệu đơn vị với giá trị thanh khoản đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Các mã CEO, LDG cũng được giao dịch với khối lượng lần lượt là 12 - 33 triệu đơn vị và giá trị thanh khoản đạt trên 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mã cổ phiếu FLC đã có thanh khoản trở lại với khối lượng giao dịch đạt trên 42 triệu đơn vị và thanh khoản đạt trên 500 tỷ đồng. Mặc dù vậy, ngày 20/1 vẫn còn trên 19 triệu cổ phiếu bị “nhốt sàn”...

Ở dòng cổ phiếu BĐS khu công nghiệp chứng kiến sự tăng đều trở lại với các mã KBC, ITA, KSB, LHG, PHR với thanh khoản lên đến hàng trăm tỷ đồng.

BĐS KCN sẽ là tâm điểm chú ý của năm 2022

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ có năm 2022 không hề dễ dàng. Cổ phiếu BĐS sẽ tăng nhưng không phải tất cả. Nhà đầu tư nên tập trung vào những công ty cơ bản, làm ăn tốt, quỹ đất nhiều và lãnh đạo uy tín. Trong đó, cần lưu tâm đến mảng BĐS khu công nghiệp, bởi đây là lĩnh vực hưởng lợi lớn từ FDI, đầu tư công...

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu BĐS còn phụ thuộc vào chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Đó là việc siết chặt tín dụng cho vay BĐS (biệt thự, nhà ở), đánh thuế BĐS và các quy định liên quan.

Ông Hà Tiến Hoàng, chuyên gia cao cấp, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định: Cổ phiếu BĐS khu công nghiệp sẽ dẫn sóng trong năm 2022. Điều này đã được phản ánh một phần qua quãng thời gian tăng trưởng giai đoạn nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, đà tăng sẽ tập trung vào những công ty hưởng lợi FDI, đầu tư công và quỹ đất sạch sẵn sàng cho thuê lớn.

Ông Hoàng phân tích: Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại TPHCM đã đạt 100%, ở Hà Nội là 91%, Bắc Ninh 98%. Do đó, những đơn vị nào sở hữu nhiều khu công nghiệp với mặt bằng sạch, sẵn sàng cho thuê thì đó là đơn vị sẽ chiếm ưu thế phát triển trong năm 2022.

Tiếp nữa là việc giải ngân đầu tư công sẽ là động lực tích cực tác động trực tiếp đến sự phát triển của BĐS khu công nghiệp. Và cuối cùng là Việt Nam có lợi thế thu hút FDI cao hơn so với các nước trong khu vực, vì tỷ lệ tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, chi phí sản xuất thấp, nhân công giá rẻ.

Ông Hoàng nhận định, các mã KBC, PHR và LHG có thể trở thành cổ phiếu tâm điểm trong mảng BĐS khu công nghiệp năm 2022.

Tổng quan, ngày 20/1 VNINDEX tiếp đà phục hồi lên mức 1.465, tăng 22,52 điểm và 1,56%. Trong đó, có 368 mã tăng điểm, 109 mã giảm và 32 mã tham chiếu. Ở rổ trụ VN30 có 5 mã giảm điểm, 5 mã tham chiếu và 20 mã tăng điểm. Nhiều chuyên gia dự báo, ngày 20/1 là phiên đáo hạn phái sinh, tuy nhiên lực mua mạnh quay trở lại đã kéo chỉ số VNI thoát đà giảm trung hạn và kỳ vọng sẽ tăng trong ngắn hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.