Cổ phiếu Bầu Đức đảo chiều tăng mạnh
Phiên cuối tuần, ngày 31/3, hai chỉ số giảm điểm nhẹ trong phiên cuối tuần với thanh khoản tương đương với những phiên giao dịch trước. Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm.
Cụ thể, VnIndex giảm 1,55 điểm (0,21%) xuống 722,31 điểm; Hnx-Index giảm 0,29 điểm (0,31%) xuống 90,83 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường có sự gia tăng về cuối phiên với 258 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 4.320 tỷ đồng. Trong đó, TTF có thỏa thuận khá đáng chú ý với hơn 21 triệu cổ phiếu tại giá sàn, tương ứng tổng giá trị 148 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị mua ròng trên sàn HOSE là 154 tỷ đồng với VNM, VHC, CII là những cổ phiếu được mua ròng tích cực nhất. Ở chiều ngược lại, PVD là cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất với giá trị bán ròng lên tới gần 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu nông nghiệp, bộ đôi HAG, HNG của Bầu Đức cũng có phiên giao dịch ấn tượng khi cả 2 đồng loạt đảo chiều tăng điểm về cuối phiên giao dịch, tương ứng 2,7% và 1,0%. Phần lớn cổ phiếu tại nhóm phân bón và đường đều giảm: BHS (-2,4%), LSS (-1,1%), BFC (-1,4%), DCM (-0,5%).
Nợ “ngập đầu”, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn liên tục tăng trần
Công ty nhà Cường đô la nhận tin vui
Cũng nhận tin vui cuối tuần, đó là Cường đô la, tính tới phiên hôm giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã tăng trần 7 phiên liên tục, đưa giá cổ phiếu từ hơn 4.000 đồng lên gần 7.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu QCG tăng trần lên 6.880 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu khớp lệnh thành công lên tới 482.600 đơn vị.
Cổ phiếu QCG bắt đầu tăng trần từ phiên giao dịch ngày 22/3 và duy trì đà tăng trần liên tiếp cho tới ngày 30/3. Trong các phiên tăng trần này, phiên ngày 23/3 là phiên có tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch thành công lớn nhất, lên tới 1.485.530 đơn vị.
Việc cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai tăng trần nhiều phiên liên tiếp trong khi công ty đang phải gánh những khoản nợ rất lớn khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ.
Cuối năm 2016, tồn kho của Quốc Cường Gia Lai còn gần 6 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả 4.160 tỷ đồng trong đó nợ thuê tài chính đang xoay quanh mức 1.770 tỷ đồng. Nợ nần lớn chưa có cửa sáng để trả, hàng năm, công ty vẫn phải trả mấy chục tỷ đồng tiền lãi vay. Riêng năm 2016, chi phí lãi vay công ty phải trả lên đến 63 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2016, công ty có 1.692,4 tỷ đồng các khoản vay ngắn hạn, tăng gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2015.
Khải Silk mua Maybach, bổ sung bộ sưu tập xe siêu sang tiền tỷ
Doanh nhân Hoàng Khải bên chiếc xe mới nhất, Mercedes Maybach 2017.
Một doanh nhân khác gây chú ý tuần qua, đó là doanh nhân Hoàng Khải khi bổ sung vào bộ sưu tập của mình chiếc Mercedes Maybach đời 2017.
Đây là chiếc xe màu đen duy nhất mà doanh nhân Hoàng Khải từng sở hữu. Dù không tiết lộ cụ thể dòng xe cũng như giá, nhưng rất có thể, doanh nhân này đã sở hữu chiếc S400 đời 2017 có giá khởi điểm khoảng 7 tỷ đồng.
Tương tự như chiếc Mercedes S500 đời 2016, chiếc xe này cũng được gắn tên The Khai.
Theo tiết lộ của ông chủ Khải Silk, chiếc xe mang tên một trong hai tòa tháp dự kiến hoàn thành trong năm nay của tập đoàn này. Chiếc xe khác, mang tên The Prince, có thể được bổ sung vào bộ sưu tập trong vòng 2 năm tới.
Dòng Mercedes Maybach S400 sử dụng động cơ V6, dung tích 3.0 lít, tăng áp kép, công suất 333 mã lực và mô-men xoắn cực đại 480 Nm, với chiều dài tổng thể thân xe 5.453 mm, chiều dài cơ sở 3.365 mm. Chiếc xe có nội thất màu kem, chất liệu gỗ kết hợp da.
Dù không có tên trong các hội nhóm chơi xe siêu sang, nhưng doanh nhân Hoàng Khải là một trong những người sở hữu bộ sưu tập xe nổi tiếng nhất Việt Nam.
Ông từng là người Việt đầu tiên sở hữu chiếc xe huyền thoại Rolls-Royce Phantom với mức giá 1 triệu USD (khoảng 16 tỷ đồng) năm 2007.
Tính đến năm 2016, bộ sưu tập xe của ông đã có đầy đủ những dòng xe nổi tiếng nhất thế giới như Range Rover, Jaguar, Audi Q7, BMW series 7 và Mercedes S500 với giá bán từ 3,5 đến 6 tỷ đồng. Phần lớn xe của Khải Silk đều có màu đỏ hoặc trắng.
Tài sản giảm 3.000 tỷ đồng nhưng ông chủ Hòa Phát vẫn rất vui?
Một thông tin đáng chú ý khác, theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, ngày 30/3 là ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày mai 31/3, Hòa Phát sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện chi trả cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu với tỷ lệ chi trả 50% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới).
Như vậy, với hơn 842,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Hòa Phát sẽ phát hành khoảng 421,38 triệu cổ phiếu mới chia cho cổ đông.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch gần nhất, ngày 29/3, HPG đóng cửa ở mức 43.400 đồng/CP. Tuy nhiên, tính theo giá điều chỉnh hiện tại thì cổ phiếu HPG đang ở mức giá 29.900 đồng/CP.
Ở mức giá này thì giá trị tài sản của ông Trần Đình Long hiện giảm 2.861 tỷ đồng so với phiên giao dịch trước, chỉ còn 6.338 tỷ đồng, giữ vị trí thứ 5 trong danh sách top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Dẫu vậy, ông Trần Đình Long có lẽ vẫn đang rất vui vì được nhận thêm 50% cổ tức bằng cổ phiếu. Được biết, năm 2016, Hòa Phát báo lãi hợp nhất sau thuế 6.606 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm đạt 9.486 tỷ đồng. Năm 2017, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.000 tỷ đồng, EPS đạt 3.953 đồng/cổ phiếu.