Cuộc biểu tình hôm 12/10 (giờ địa phương), những người biểu tình kêu gọi chính phủ ở Berlin ngừng vận chuyển vũ khí tới Israel và Ukraine, thay vào đó hãy sử dụng số tiền đó cho các nhu cầu xã hội trong nước.
Những người biểu tình mang theo cờ và biểu ngữ của Palestine và Lebanon có dòng chữ: "Không dành 100 tỷ cho vũ khí và chiến tranh", "Dừng cuộc diệt chủng ở Gaza" và "Giải phóng Palestine".
Một số tấm biển đề cập đến cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, với một tấm biển ghi: "Không chuyển tên lửa Taurus đến Ukraine".
Trong nhiều tháng, Kiev gây sức ép với Thủ tướng Đức Olaf Scholz để có được tên lửa Taurus tầm xa. Nhưng cho đến nay, ông Scholz vẫn chưa muốn làm như vậy và nói rằng điều đó gây ra "nguy cơ leo thang lớn".
Các cuộc tấn công liên tục của Israel vào Gaza và Lebanon là "không thể chấp nhận được", Claudia Weber, giám đốc điều hành của ver.di Munich, nói với đám đông. "Hamas, Hezbollah và Israel cuối cùng phải ngừng bắn, tất cả các bên tham chiến phải ngay lập tức ngừng bắn vào dân thường".
Năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Đức sang Israel tăng gấp 10 lần so với năm 2022, đạt 326,5 triệu euro (363,5 triệu USD). Tuy nhiên, chúng đã giảm mạnh vào năm 2024, chỉ còn 14,5 triệu euro từ tháng 1 đến cuối tháng 8, theo dữ liệu từ Bộ Kinh tế Đức.
Chính phủ Berlin đã phân bổ 28 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine. Đầu tuần này, Thủ tướng Scholz hứa sẽ viện trợ thêm 1,4 tỷ euro khi ông gặp nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky.
"Đức là nước ủng hộ quân sự mạnh mẽ nhất của Ukraine tại châu Âu. Điều này sẽ vẫn như vậy. Tôi có thể đảm bảo điều đó", Thủ tướng Đức nói với Tổng thống Zelensky.
Moscow cảnh báo việc Mỹ và các quốc gia EU chuyển giao vũ khí cho Kiev sẽ không ngăn cản Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình trong cuộc xung đột, mà chỉ kéo dài cuộc giao tranh và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với NATO.
Theo các quan chức Nga, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine có nghĩa là các quốc gia phương Tây đã trở thành các bên tham gia trên thực tế vào cuộc xung đột.