Hàng giảm giá xuống đường

Hàng giảm giá xuống đường
Khách mua hàng giảm giá bày bán trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM
Khách mua hàng giảm giá bày bán trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP.HCM

Cứ cuối năm ở TPHCM, hàng giảm giá đồng loạt... xuống đường. Người bán kẻ mua đông nghẹt từng tuyến phố. Phân khúc hàng giá bèo được tiêu thụ nhiều nhất.

Dạo quanh các tuyến đường như 3 Tháng 2, Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải (quận 1), Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung (quận Gò Vấp), Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lý Thường Kiệt, Âu Cơ (quận Tân Bình)… rất dễ bắt gặp hàng giảm giá đổ từng đống trên lề đường. Đèn neon của các gian hàng cùng với đèn đường thắp sáng cả dãy phố tạo nên không khí mua sắm nhộn nhịp vào dịp cuối năm.

Giá rẻ, mẫu mã phong phú

Những năm trước, hàng giảm giá bán ở vỉa hè chủ yếu là hàng bành (còn gọi là hàng sida) thì năm nay, hàng sida phải chịu lép vế hơn, lùi sâu vào những con hẻm. Tuy vậy, mỗi nơi đều có cách trưng bày, mời gọi để thu hút khách. Trong cửa hàng thì nhấp nháy những dòng chữ hàng mới về, hàng thanh lý cuối năm, còn ngoài đường chẳng cần treo bảng, người mua mặc nhiên hiểu là hàng giá bèo.

Tấp vào dãy trưng bày hàng giảm giá trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự đa dạng của các mặt hàng. Từng đống quần áo trẻ em và người lớn được chất cao trên những tấm ni-lông trải trực tiếp trên vỉa hè.

Mới 18 giờ nhưng không khí mua sắm đã nhộn nhịp. Giá bán các mặt hàng chỉ hơn nhau vài ngàn đồng nên người mua mặc sức lựa chọn. Chị Hương, một khách hàng vừa gom được túi đồ khá to, cho biết nhiều năm nay chị thường chọn thời điểm cuối năm để mua sắm quà Tết cho mọi người trong gia đình.

Giá rẻ và mẫu mã phong phú là điểm hấp dẫn nhất đối với hàng... vỉa hè. Chỉ vào sợi dây nịt có giá bán chỉ 20.000 đồng, chị Hương bảo “quá rẻ và đẹp nên tôi quyết định mua 3 chiếc để thay đổi. Vẫn biết là tiền nào của đó nhưng so với mặt hàng cùng loại có giá vài trăm ngàn đồng thì chọn phương án mua đồ rẻ là phù hợp với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay!”.

Trên đường 3 Tháng 2, nhiều mặt hàng có giá bán từ 20.000-50.000 đồng, ghi rõ là hàng công ty thanh lý cũng thu hút người mua. Cầm lên săm soi chiếc túi xách đính nhiều hạt đá rất đẹp, một cô gái trẻ hỏi những bạn đi cùng xem có hợp không trước khi quyết định mua.

Người bán bảo là hàng xuất khẩu nhưng bị lỗi nên giá bán chỉ 90.000 đồng. Nhưng khi hỏi lỗi đó là cái gì thì người bán không chỉ ra được. Bên cạnh túi xách là cả đống giày dép đủ kiểu, giá bán chỉ từ 20.000-30.000 đồng/đôi nên thu hút nhiều người ngắm nghía, trả giá. Càng về khuya người mua càng đông khiến tuyến đường bị ùn tắc giao thông.

Ngoài hàng may mặc, thời trang, khách hàng còn dễ dàng tìm thấy các mặt hàng điện tử như linh kiện laptop, chuột quang, đế tỏa nhiệt, đèn ngủ, đèn trang trí… Hầu hết người bán đều nói là hàng thanh lý cuối năm, hàng bị lỗi… nhưng thực tế là hàng không rõ nguồn gốc.

Một cán bộ quản lý thị trường cho biết tất cả hàng bán lề đường đều do Trung Quốc sản xuất theo dạng tổ hợp, không tên tuổi, không nhãn mác nên có giá rất rẻ và chất lượng cũng kém. Người bán thường đổ đống lớn bán vào buổi tối nên người mua không nhìn rõ nhãn mác. “Chính sự dễ dãi như vậy nên các loại hàng kém chất lượng vẫn có đất sống vào những ngày cuối năm” - vị này nhận xét.

Hàng hiệu cũng “ăn theo”

Các mặt hàng của những thương hiệu thời trang cũng tham gia vào việc giảm giá để giải tỏa bớt hàng tồn kho dịp cuối năm. Nhãn hàng Sanding treo bảng giảm giá bán từ 20%-80% cho các loại áo khoác, áo đầm và quần áo nguyên bộ, đây là việc mà những năm trước thương hiệu này chưa bao giờ áp dụng.

Tương tự, nhãn hiệu Nino Maxx cũng trưng bảng giảm giá bán từ 30%-50% cho các sản phẩm áo thun; thương hiệu giày Zago bán hàng đồng giá 99.000 đồng/đôi... Nhiều cửa hàng bán mắt kính thời trang như Rayban, Gucci, Valentino… cũng tất bật khuyến mãi giảm giá để thu hút khách hàng. Cửa hàng mang tên Dứa chuyên bán hàng “fake” (hàng nhái) trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1) cũng giảm giá đến 80% cho nhiều sản phẩm...

Các shop chuyên bán đồ hàng hiệu cao cấp nằm trên đường Nguyễn Trãi và Hai Bà Trưng (quận 1) cũng đồng loạt treo bảng giảm giá bán từ 30%-80% nhưng khi khách hàng bước vào mới thấy đây chỉ là chiêu đánh lừa người mua.

Những sản phẩm giảm giá thường là hàng ế, gần hết hạn sử dụng như mỹ phẩm, giày dép, quần áo lỗi thời được đóng riêng từng thùng, trong khi các mặt hàng cao cấp lại được treo ở những vị trí trang trọng với giá cao ngất ngưởng. Một số cửa hàng nâng giá bán sản phẩm lên cao nhiều lần rồi gạch giá cũ đi, ghi lại giá “sale off 50%-70%” khiến người tiêu dùng trả cỡ nào cũng... dính.

Hàng gian, hàng giả trà trộn

Theo một chuyên gia nghiên cứu thị trường, thời điểm cuối năm chính là lúc thuận lợi nhất để hàng gian, hàng giả trà trộn đánh lừa người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng phải tỉnh táo để không bị mua nhầm. Phải cảnh giác trước hàng không nhãn mác, chất lượng kém đang nhập về từ Trung Quốc. Cảnh giác với câu chào mời tiền nào của nấy vì chưa chắc tiền nhiều mà mua được hàng tốt.

Theo Người lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ