Lee Sae-ron (7 tuổi) dự kiến trở thành HS lớp Một tại Trường Tiểu học Eulji ở Seoul vào tháng 3 khi bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, ngày học đầu tiên của em lại bắt đầu trực tuyến. Thay vì gặp gỡ bạn bè và giáo viên, Sae-ron xem các chương trình được phát sóng trên Hệ thống phát thanh GD.
Sae-ron cho biết, em không hình dung được cuộc sống bình thường ở trường sẽ thế nào và chấp nhận việc học thông qua trực tuyến.
“Thật vui khi xem các chương trình GD và sử dụng máy tính bảng để học ở nhà thay vì tham gia lớp học. Mẹ nói em phải cảm thấy buồn vì không gặp gỡ bạn bè và giáo viên, nhưng em không thể nhớ những người mà mình chưa bao giờ gặp”, Sae-ron chia sẻ.
Khi Hàn Quốc ghi nhận ít ca nhiễm Covid-19 hơn, cuộc sống tại quốc gia này đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, Bộ GD đã yêu cầu hoãn năm học mới 5 tuần để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, tất cả HS nước này vẫn học trực tuyến.
Một số phụ huynh và HS đã phàn nàn về sự cố thường gặp trong quá trình học trực tuyến. Nhưng nhiều người đồng ý rằng, không có lựa chọn nào khác trong điều kiện hiện tại.
“Tôi và bạn đã suy nghĩ về việc liệu chính phủ có thể đưa ra bất kỳ ý tưởng nào khác hay không, nhưng chúng tôi đồng ý rằng đây là lựa chọn tốt nhất hiện nay”, Hailey Cho, một HS trung học ở Busan nói.
Từ năm 2014, Bộ GD Hàn Quốc đã thực hiện một dự án thúc đẩy việc sử dụng sách giáo khoa kỹ thuật số tại 72 trường trên toàn quốc. Các giáo viên tham gia cho biết việc sử dụng phương pháp này đã cải thiện động lực và kỹ năng giải quyết vấn đề của HS. Người học cũng được cho là ít phân tâm hơn so với những HS sử dụng sách giáo khoa truyền thống.
Làn gió GD trực tuyến cũng được áp dụng tại các cơ sở ĐH của Hàn Quốc - một phần của xu hướng toàn cầu khi các tổ chức GD trên thế giới áp dụng các khóa học trực tuyến mở, được gọi là MOOC. Ưu điểm của phương pháp này là SV có thể lắng nghe, tương tác và học trực tuyến mọi lúc mọi nơi.
Khái niệm này đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Bộ GD nước này đã ra mắt phiên bản riêng, được gọi là K-MOOC vào năm 2016, nhằm cung cấp các bài giảng trực tuyến.
“Mặc dù đã 6 năm từ khi K-MOOC được ra mắt, tới nay chỉ có 700 bài giảng được tải lên từ 100 trường ĐH. Tuy nhiên, đại dịch sẽ thay đổi hệ thống GD trực tuyến. Chúng tôi hy vọng rằng, điều này sẽ mở ra cơ hội cho chúng tôi tiến lên trong GD trực tuyến thay vì tụt hậu so với các quốc gia khác”, Cho Eun-ok - Giám đốc GDĐH của Bộ GD cho biết.
Giám đốc Cho nhận định, rất khó để kết luận liệu GD trực tuyến có tốt hơn so với việc bài giảng trực tiếp hay không, nhưng nó mang lại cơ hội sử dụng nhiều công cụ hơn trong việc dạy HS.
Tuy nhiên, không ít SV bày tỏ sự thất vọng về GD trực tuyến trong thời gian đại dịch bùng phát. Một khảo sát mới đây do Mạng lưới Hội đồng SVĐH quốc gia thực hiện trên gần 22.000 SV tại 203 trường ĐH và CĐ ở Hàn Quốc cho thấy, 99% người muốn được hoàn trả toàn bộ hoặc một phần học phí học kỳ mùa xuân. Những người học này cũng phàn nàn về chất lượng kém của bài giảng trực tuyến. Một số SV thậm chí đã nộp đơn kiến nghị và biểu tình phản đối GD trực tuyến, với lý do cho rằng quyền học tập của họ bị xâm phạm.
“Các vấn đề kỹ thuật như bảo mật máy chủ ổn định sẽ dễ dàng được giải quyết, nhưng quản lý SV hoặc kiểm soát chất lượng là những vấn đề khó khăn hơn”, Kim Byung-jin, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty GD Etoos Academy, cho biết.
Cũng theo ông Kim, các SV và phụ huynh cũng như nhà GD cần có thời gian để điều chỉnh những lớp học trực tuyến nếu muốn thành công.