Hàn Mạc Tử: Tình đầu với nguyên tác “Ở đây thôn Vỹ Giạ”

GD&TĐ - Hiểu rõ xuất xứ cùng hoàn cảnh sáng tạo bài thơ, ắt góp phần giúp bạn đọc tiếp nhận tác phẩm đúng đắn hơn, chuẩn xác hơn. Do đó, tôi sao lục thêm 3 đoạn thư do chính Hoàng Thị Kim Cúc giãi bày.

Vườn ai mướt quá. Ảnh: Phanxipăng.
Vườn ai mướt quá. Ảnh: Phanxipăng.

Sao lục thêm thư của Hoàng Thị Kim Cúc

Danh thiếp và thủ bút Hàn Mạc Tử chúc mừng năm mới với Hoàng Thị Kim Cúc: “Meilleurs vœux de Bonne Année”.

Danh thiếp và thủ bút Hàn Mạc Tử chúc mừng năm mới với Hoàng Thị Kim Cúc: “Meilleurs vœux de Bonne Année”.

Thư đề ngày 15/4/1971 gửi Quách Tấn: “Về cô gái trong câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” mà ông hỏi có phải là tôi đó không. Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, không có cô gái nào khác ngoài cô gái chèo đò.

Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân mà hiện ra thôi. Số là mùa hè năm 1939, Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử bị mắc bệnh nan y.

Ngâm khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, hãy an ủi một tâm hồn đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi một bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte-visite [danh thiếp]. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước.

Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử, mà không ký tên, rồi gửi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” và một bài thơ khác nữa [bài “Sao, vàng sao”] cũng do Ngâm gửi về (bài này các sách báo đều đăng cả rồi).

Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân quá khác thường đến biến bức ảnh phong cảnh đó thành bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng, trong đó có cô gái “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” nữa! Khiến có người đã nghĩ rằng cô gái đó mặc áo trắng dài tha thướt vì câu “Áo em trắng quá nhìn không ra””.

Thư đề ngày 16/10/1987 gửi Nguyễn Bá Tín: “Năm 1938, Ngâm cho biết Hàn Mạc Tử mắc bệnh nan y. (…) Xiết bao ngậm ngùi thương cảm. Thương cho người tài hoa lâm đại nạn!

Cảm tấm lòng yêu thương thắm thiết chân thành của Tử đã dành riêng cho tôi! Một thời gian sau, Ngâm đề nghị: Lúc này, chị nên an ủi Trí. (…) Xa xôi quá, không biết làm gì khác hơn là viết mấy hàng chữ hỏi thăm sức khỏe Tử, viết mà không chữ ký, không đề ngày, sau tấm ảnh phong cảnh Huế, gởi nhờ Ngâm trao lại.

Rồi mấy tháng sau, Ngâm gửi về cho tôi bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” với mấy hàng chữ sau lưng bài thơ vào tháng 8/1939 [chính xác thì tháng 11/1939]. Giữa Hàn Mạc Tử và tôi chỉ có chừng nấy”.

Thư đề ngày 11/5/1988 gửi anh cả Hoàng Toại: “Đến khi nghe anh ta [Hàn] mắc bệnh nan y, em rất xót thương cho người tài hoa bạc phận và để an ủi một tâm hồn tha thiết yêu thương đang vô cùng đau khổ, em gởi cho anh ta hai dòng chữ hỏi thăm sức khỏe viết trên một tấm cát 6 x 9 [cm] phong cảnh thành phố Huế, ảnh mua ở nhà chụp bóng Tăng Vinh.

Sau khi nhận được bức phong cảnh đó thì anh ta gửi bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” tặng em. Thư đi thư về đều qua tay Ngâm chuyển, chứ em không trực tiếp gửi.

Và sau mấy hàng chữ thăm sức khỏe và sau khi nhận được bài thơ Hàn Mạc Tử tặng, em cũng nín luôn, không thư từ gì cho thi sĩ nữa, qua năm sau (1940) thì được tin Hàn Mạc Tử mất tại Quy Hòa’.

Thủ bản của Hàn với nỗi niềm Kim Cúc

Chân dung Hàn Mạc Tử do Phanxipăng vẽ.

Chân dung Hàn Mạc Tử do Phanxipăng vẽ.

Bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” cùng bức thư của Hàn đã được Hoàng Thị Kim Cúc trân trọng giữ gìn tại nhà riêng. Đó là tờ giấy pelure mỏng, một mặt chép bài thơ, mặt kia ghi mấy dòng thư.

Rất may mắn được chị Cúc lúc sinh tiền cho xem tận mắt thủ bản, tôi chú ý mấy điều: Bài thơ gồm 3 khổ thì khổ cuối nằm cách biệt với hai khổ đầu; cuối bài thơ, tác giả ký “Hàn Mạc Tử”; phía dưới có nét chữ Hoàng Thị Kim Cúc ghi thời điểm nhận được: “11/1939” (chứ không phải 8/1939 như thư chị đề ngày 16/10/1986 gửi ông Nguyễn Bá Tín).

Nguyên văn bức thư của Hàn:

Túc hạ,

Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Giạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gửi thăm. Muôn vàn cảm tạ.

Túc hạ còn nhớ đến người năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy. Và mong rằng một mùa xuân nào đây sẽ gặp lại túc hạ phỉ dạ. Thăm túc hạ bình an vui vẻ.

Hàn Mạc Tử

Hoàng Thị Kim Cúc với bút danh Hoàng Hoa/H.H. thôn nữ đã âm thầm sáng tác một số thơ, trong đó có bài “Ngày đầu xuân đề tặng hương hồn anh H.M.T., một người tài hoa bạc phận, một tâm hồn tha thiết yêu đương và một cuộc đời vô cùng đau khổ” gồm 3 khổ, viết vào Tết Tân Tỵ 1941, sau khi Hàn mất chỉ mấy tháng:

Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ

Thầm giữ trong lòng một ý thơ

Cũng biết cách xa ngoài

vạn dặm

Tình anh lưu luyến cảnh

quê mơ

*

Một mình một cõi với trời mây

Với cả đau thương với hận này

Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ

Tiếng vang muôn thuở

vẫn còn đây

*

Hồn anh lẩn khuất ở đâu xa

Hoa biết cùng ai thổ lộ ra

Tuy sống giữa cảnh đời

náo nhiệt

Tình ai ai vẫn cứ đậm đà!!

Nếu chỉ đọc qua bài thơ nọ, lại thấy nàng suốt đời độc thân và bảo lưu kỹ lưỡng thủ bút Hàn thi sĩ, mà chưa đọc thư từ Hoàng Hoa viết hoặc chưa nghe Hoàng Hoa bộc bạch niềm riêng, hẳn không ít người dễ tin chuyện tình Hàn Mạc Tử - Hoàng Thị Kim Cúc từng diễn ra “ly kỳ mùi mẫn” y hệt sách báo, ca khúc, tuồng tích đã dày công… thêu dệt.

Mức độ ngộ nhận càng tăng vì ngay cả người nhà cũng chẳng thấy Hoàng Thị Kim Cúc phản ứng gì trước bao đồn thổi, thị phi.

Chính xác, như chúng ta đã biết, Hoàng Thị Kim Cúc có phản ứng chừng mực, đúng người, đúng lúc, song chẳng đạt kết quả như nguyện.

Trong một bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ số ra ngày 14/10/1995, Võ Đình Cường lý giải kỹ càng: “Những người có liên hệ mật thiết với Hàn Mạc Tử mà chị [Hoàng Thị Kim Cúc] đã cho biết sự thật, và yêu cầu họ đính chính, thì họ đã không làm, hay làm ngược lại, gây thêm hỏa mù trong bối cảnh đã có nhiều “sương khói” làm “mờ nhân ảnh”.

Chẳng hạn như ông Nguyễn Bá Tín, tác giả cuốn hồi ký “Hàn Mạc Tử anh tôi” xuất bản vào tháng 2/1991, sau bức thư của Hoàng Thị Kim Cúc gửi cho ông vào tháng 10/1987, nghĩa là sau gần 4 năm, nói rõ về tấm ảnh gửi Hàn Mạc Tử, là một tấm ảnh phong cảnh, thế mà ông Nguyễn Bá Tín lại viết: “Cho tới khi anh [Hàn] đau nặng rồi (1939), chị Cúc còn cho anh một phiến ảnh cỡ 6 x 9[cm]: Chị Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát.

Anh làm ngay bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ””. Quan trọng hơn nữa, cái đoạn chị Kim Cúc kể chuyện chị đã không nhận thư và sách của Hàn Mạc Tử đem tặng, tác giả “Hàn Mạc Tử anh tôi” đã bỏ qua, không nhắc đến.

Nhưng tác giả lại viết: “Nếu anh biết chị đã quy y, dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hỏa [sic!] tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt của anh mà cũng là mối tình đầu của chị, đang quyện theo trầm hương dâng lên anh nơi miền cực lạc.

Nơi đây không còn ngăn cách giáo lương, không còn tham sân si trần tục. Ôi! Tình Hoàng Hoa đậm đà biết chừng nào!” (…) Chị Kim Cúc có buồn không, khi bị người ta vô tình hay cố ý lái cái mục đích cao quý trong sự tu hành của chị về phía tôn thờ một người khác tôn giáo mà chị chỉ có thể có cảm tình, chứ không yêu?”.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Niên tức nhà thơ Tường Phong kể tôi nghe:

Năm 1988, nhà nghiên cứu Võ Long Tê nhờ tôi nói chị Kim Cúc cho ông ấy mượn những tư liệu liên quan Hàn Mạc Tử. Chị đã trao nhiều thứ, quý hiếm nhất là tập “Nắng Xuân” do Hàn thực hiện năm 1937 và thủ bản bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” của Hàn năm 1939. Vậy mà đến lúc chị Kim Cúc mất, năm 1989, sách ông Tê viết về Hàn vẫn chưa ra. Năm 2017, ông Tê mất.

Huế, ngày 15/2/1989 nhằm mùng 10 Tết Kỷ Tỵ, di quan Hoàng Thị Kim Cúc trên đường Lê Lợi, qua trước ngôi trường Đồng Khánh/Hai Bà Trưng mà người quá cố từng dạy.

Huế, ngày 15/2/1989 nhằm mùng 10 Tết Kỷ Tỵ, di quan Hoàng Thị Kim Cúc trên đường Lê Lợi, qua trước ngôi trường Đồng Khánh/Hai Bà Trưng mà người quá cố từng dạy.

Mặt chữ điền - hình tượng nghệ thuật và mẫu thực

Chân dung Hoàng Thị Kim Cúc do Đình Phương vẽ.

Chân dung Hoàng Thị Kim Cúc do Đình Phương vẽ.

Tạp chí Tài Hoa Trẻ số 69 (25/2/1999) đăng bài “Một cách hiểu khác về “mặt chữ điền””. Qua bài đó, Thang Ngọc Pho tự bộc lộ chưa một lần về thôn Vỹ, hoặc ghé Vỹ thôn nhưng thiếu quan sát đủ đầy mà vẫn bạo dạn khẳng quyết: “Mặt trước phía trên cổng nhà ở của quý tộc phong kiến ở đây [Vỹ Dạ] thường trang trí chữ “điền” đắp nổi.

Điền, chữ Hán, có nghĩa là ruộng. Đó là biểu tượng của các gia đình quý tộc phong kiến: Được nhà vua phong cấp ruộng đất theo cấp bậc và công trạng. Từ “mặt” trong câu thơ là mặt chữ chứ không phải là mặt người.

Tác giả sử dụng phép ẩn dụ với nghĩa phái sinh như mặt bàn, mặt nước, mặt đường… Vậy câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” được hiểu là những chữ điền trên cổng các nhà quý tộc thấp thoáng dưới lá trúc. Cách hiểu này làm tăng giá trị của bài thơ”.

Thú thật, bản thân tôi từng sống ở Vỹ Dạ suốt thời gian dài mà chẳng thấy cổng nhà nào, từ quý tộc đến bình dân, đắp nổi chữ điền/田. Trong khi ở Vỹ Dạ nói riêng, Huế nói chung, rất nhiều họa tiết cách điệu chữ phúc/phước/福 bằng lắm thư thể (chân, thảo, triện, lệ...) được trang trí nội ngoại thất, từ cổng và hàng rào, đến bình phong, bể cạn, bồn hoa, cùng bao hạng mục xây dựng khác.

Lá trúc che ngang mặt chữ… phúc/phước.

Song, há lẽ vì vậy mà Hàn phải viết quá đỗi buồn/tức/mắc cười như vừa nêu?

Lần giở vài sách công cụ:

+ “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình-Tịnh Paulus Của (Tome I; SG, 1895, trang 296): “Mặt chữ điền: Mặt vuông”.

+ “Hán -Việt từ điển” của Đào Duy Anh (Tập thượng; Quan Hải Tùng Thư, Huế, 1932 – NXB Trường Thi tái bản, SG, 1957, trang 274): “Điền tự diện 田字面: Mặt vuông như hình chữ

điền 田”.

+ “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên (Trung tâm Từ điển ngôn ngữ in lần hai, HN, 1992, trang 615): “Mặt chữ điền: Khuôn mặt vuông vắn (tựa như chữ điền tiếng Hán 田)”.

Không chỉ gương mặt trái xoan, phụ nữ có gương mặt chữ điền cũng xinh xắn, duyên dáng, thuỳ mị, phúc hậu, đáng yêu lắm lắm. Nhận định ấy của bao thế hệ tiền nhân được lưu truyền qua ca dao:

Người ta ham bạc ham tiền,

Anh ham gương mặt chữ điền

của em.

Hàn Mạc Tử cũng từng dùng thể lục bát sáng tác bài thơ tứ tuyệt “Bức khăn hồng” đăng báo Công luận số 6653 (1/10/1934) ngợi khen mặt chữ điền của phụ nữ:

Tốt thay khuôn mặt chữ điền,

Mỏng manh chiếc phận

nằm yên tay người.

Dầu ai thêu dệt nên lời,

Vuông tròn em thỏa

một đời hồng nhan.

Thêm một thực tế nữa rất đáng kể: Hoàng Thị Kim Cúc có gương mặt chữ điền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ