Hàn Mạc Tử: Tình đầu với nguyên tác “Ở đây thôn Vỹ Giạ” - Kì II: Nguyên tác áng thơ

GD&TĐ - Năm 1992, ba cuộc hội thảo lớn được tổ chức ở HN và TPHCM nhằm nhìn lại và đánh giá 60 năm phong trào Thơ Mới.

Phù điêu chân dung Hàn Mạc Tử do Võ Ngọc Lân tạc bằng composite. Ảnh: Phanxipăng.
Phù điêu chân dung Hàn Mạc Tử do Võ Ngọc Lân tạc bằng composite. Ảnh: Phanxipăng.

Ban tổ chức đã đề nghị các nhà thơ, nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình bỏ phiếu chọn những bài Thơ Mới hay nhất. Kết quả cuối cùng: “Ở đây thôn Vỹ Giạ” của Hàn lọt vào “top 18”.

Quanh áng thơ nổi tiếng “Ở đây thôn Vỹ Giạ”, lâu nay rộ lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, nhất là từ niên khóa cải cách giáo dục 1991 - 1992,  Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa thi phẩm này vào giảng dạy chính thức trong chương trình Ngữ văn lớp 11 bậc trung học phổ thông.

Theo dõi các cuộc tranh luận đó, tôi nhận thấy một số chi tiết bị nhầm lẫn rất đáng buồn. Tại sao? Có nhiều lý do. Hai trong những lý do quan trọng là thiếu thực tế và thiếu tư liệu tham khảo cần thiết.

Nhầm lẫn văn bản

Hoàng Thị Kim Cúc.
Hoàng Thị Kim Cúc.

Lâu nay, điều nhầm lẫn phổ biến đầu tiên ngay… nhan đề bài thơ! Nguyên tác, Hàn viết “Ở đây thôn Vỹ Giạ” chứ không phải “Đây thôn Vĩ Dạ” như sách báo, kể cả giáo khoa và giáo trình, vẫn in.

Địa danh, tác giả ghi thế nào, hậu thế chép lại y nguyên, nếu cần có thể cước chú cách viết hiện tại như thay Vỹ Giạ thành Vĩ Dạ. Truy cứu, Vỹ Giạ do biến âm từ gốc Vy Dã, phồn thể ghi 葦野, giản thể ghi 苇野, bính âm phát Wei Ye. Nghĩa: Vy/Vi - lau sậy; Dã - đồng nội.

Còn từ “Ở” hà cớ gì bị lược bỏ? Nếu muốn gọn hóa tối đa, “Ở đây thôn Vỹ Giạ” rất dễ biến thành “Thôn Vĩ” hoặc độc tự “Vĩ” chăng?

Lưu ý rằng tuần báo Đông Á Tân Văn số 2 ra ngày 19/10/1940, lúc Hàn còn tại thế, đã in đúng nhan đề bài thơ của Hàn: “Ở đây thôn Vĩ Giạ”. Nhà văn Trần Thanh Địch sinh thời từng nhận xét:

Chữ “Ở” được Hàn dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Tùy tiện “biên tập” cả titre mà không được tác giả ưng thuận là tối kỵ.

Chuyện như vậy xảy ra không ít đối với tác phẩm của Hàn! Như bài “Sao, vàng, sao” – một bài thơ khác mà Hàn gửi tặng chị Hoàng Thị Kim Cúc – lâu nay cứ bị “chụp” cái tên “Đừng cho lòng bay xa”. Ôi!

Thủ bản “Ở đây thôn Vỹ Giạ” của Hàn Mạc Tử được Hoàng Thị Kim Cúc lưu giữ trong tư thất, thế nhưng các em ruột của Kim Cúc là Hoàng Tế Ngộ và Hoàng Tá Thích vẫn viết “Đây thôn Vỹ Dạ” in trong sách “Hàn Mạc Tử thơ và đời” (NXB Văn học, HN, 1995, trang 256 - 258), tung lên mạng Internet. Chuyện lạ có thật chăng?

Soạn sách “Hàn Mạc Tử thơ văn và cuộc đời” (Tuần báo Dân Việt ấn hành, Sydney, 1997), Hồ Đình Chữ khẳng định: “Tóm lại, bài thơ nổi tiếng mà Hàn Mạc Tử gởi tặng cho chị Kim Cúc và đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trên bốn chục năm nay [phổ năm 1993 là mới 4 năm thôi], có nhan đề nguyên thủy là “Ở đây thôn Vỹ Dạ”.”

Nguyên tác bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” do Hàn Mạc Tử viết tay năm 1939.
Nguyên tác bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” do Hàn Mạc Tử viết tay năm 1939.

Bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ gồm 3 khổ, mỗi khổ gồm 4 dòng, mỗi dòng gồm 7 âm tiết, được sao lục đúng theo bản của Hàn Mạc Tử viết tay vào năm 1939:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau, nắng

mới lên

Vườn ai mướt quá xanh

như ngọc

Lá trúc che ngang mặt

chữ điền.

*

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông

trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

*

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá, nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?!

Hầu hết sách báo, trong đó có sách giáo khoa Ngữ văn 11 hiện hành, in lại 3 khổ thơ ấy đều không giữ các dấu câu như nguyên tác. Phần nhiều ngắt dòng đầu tiên bằng dấu hỏi (?) và bỏ dấu than/dấu cảm/dấu biểu cảm (!) hoặc bỏ dấu hỏi (?) hoặc bỏ cả dấu hỏi kèm dấu cảm (?!) mà thay bằng dấu chấm (.) cuối bài thơ.

Một số sách viết hoa tùy tiện, như cuốn “Hàn Mạc Tử nhà thơ siêu thoát” của Thế Phong tái bản “có sửa chữa, bổ sung” (NXB Đồng Nai, 1998), dẫu ghi “trích dẫn nguyên tác” nhưng:

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó

Tùy tiện viết hoa mẫu tự T thành Trăng kiểu nọ còn thấy trong “Tuyển tập Hàn Mạc Tử” do Chế Lan Viên thực hiện (NXB Văn học, HN, 1987, 2001), “Thơ Hàn Mạc Tử” do Kiều Văn biên soạn (NXB Đồng Nai, 1998, 2000, 2012), “Thơ Hàn Mạc Tử” do Đào Văn Anh và Đặng Ngọc Yến tuyển chọn (NXB Văn nghệ TPHCM, 2000), “Thơ Hàn Mạc Tử” do Diên Vỹ tuyển chọn (NXB Đà Nẵng, 2002), “Thơ Hàn Mạc Tử” do Công ty Dịch vụ văn hóa Khang Việt thực hiện (NXB Dân trí, HN, 2011), “Hàn Mạc Tử thơ và đời” do Nguyễn Thị Vi Khanh tuyển chọn (NXB Hội Nhà văn, HN, 2016)...

Từ ngữ trong bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” của Hàn Mạc Tử còn bị các soạn giả tự ý thay đổi. Điều tối kỵ này xuất hiện ngay trong giáo trình khoa Ngữ văn các trường đại học và cao đẳng sư phạm trên toàn quốc: Sách “Lịch sử văn học Việt Nam”, tập V (1930 - 1945), phần I (NXB Giáo dục, HN, in lần đầu năm 1973, in lần thứ 5 có sửa chữa vào năm 1978, trang 103):

Sao anh chẳng về thăm thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng

mới lên

Vườn ai mát quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Nguyễn Thụy Kha soạn “Hàn Mạc Tử thi sĩ đồng trinh” (NXB Đà Nẵng, 1993, trang 68) dẫn sai lệch:

Dòng nước buồn tênh hoa bắp lay

Không thuộc “Thơ điên/Đau thương”, cũng không đăng “Nắng Xuân”

Bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” cùng bài thơ “Ghen” của Hàn Mạc Tử đăng trên tờ Đông Á Tân Văn số 2 (Sài Gòn, 19/10/1940). Ảnh: Vũ Hà Tuệ.

Bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” cùng bài thơ “Ghen” của Hàn Mạc Tử đăng trên tờ Đông Á Tân Văn số 2 (Sài Gòn, 19/10/1940). Ảnh: Vũ Hà Tuệ.

Cả hai áng thơ vừa nhắc đều được Hàn Mạc Tử đưa vào tập “Thượng thanh khí”, chứ chẳng phải tập “Thơ điên/Đau thương”. Nhà văn Trần Thanh Địch thuở sinh tiền từng biếu tôi “bản gốc” thi tập “Thơ điên/Đau thương” do Trần Tái Phùng đánh máy năm 1938 theo thủ bản của Hàn, gồm 46 bài thơ, chẳng có bài “Ở đây thôn Vỹ Giạ”.

Cả hai áng thơ này cũng không đăng giai phẩm “Nắng Xuân” phát hành tại Quy Nhơn dịp Tết Đinh Sửu 1937. Đây là nhầm lẫn khác mà đa số tuyển thơ cùng nhiều sách báo vẫn mắc.

Cớ sao xuất hiện sự cố nhầm lẫn thi tập nọ qua thi tập kia? Bởi sách “Thơ Hàn Mạc Tử” do Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan tuyển (NXB Đông Phương, SG, 1942; NXB Tân Việt tái bản, SG, 1959; NXB Hội Nhà văn, HN, 2014) đã đưa “Đây thôn Vĩ Dạ” vào tập “Thơ điên/Đau thương”, do đó rất đông người ngộ nhận.

Từ luận án tiến sĩ Ngữ văn “Thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mạc Tử” (Đại học Sư phạm HN, 2001) đến các sách “Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mạc Tử” (NXB Giáo dục, HN, 1997, 2006), “Hàn Mạc Tử một hành trình sáng tạo” (NXB Trẻ, 2004), Chu Văn Sơn ngộ nhận rằng bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” thuộc tập “Thơ điên/Đau thương”.

Hồ Đình Chữ soạn sách “Hàn Mạc Tử thơ văn và cuộc đời” (sđd) cũng tưởng nhầm rằng “Ở đây thôn Vỹ Giạ” thuộc tập “Thơ điên/Đau thương”.

Vũ Quần Phương viết thiếu chính xác: “Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” chưa bao giờ bị liệt vào loại thơ điên, dù có mặt trong tập “Thơ điên” (tức “Đau thương”), nó thuộc loại bài trong sáng của đời thơ Hàn (như “Mùa xuân chín”, “Tình quê”), câu nào cũng dễ hiểu, hình ảnh dễ tiếp nhận, chữ dùng bình dị, âm điệu quen thuộc”.

Lời bình nọ đã in trong các sách “Thơ với lời bình” (NXB Giáo dục, HN, 1997), “Thơ Hàn Mạc Tử” (NXB Văn nghệ TPHCM, 2000)...

Vườn ai mướt quá (1). Ảnh: Phanxipăng.

Vườn ai mướt quá (1). Ảnh: Phanxipăng.

Bộ sách “Thẩm bình tác phẩm văn chương trong nhà trường” do Lê Huy Bắc tuyển chọn và giới thiệu đã nêu rõ trong lời nói đầu: “Người làm sách chọn in tác phẩm với văn bản được các nhà nghiên cứu cho là đáng tin cậy nhất”. Ấy thế mà tập III bộ sách kia mang tên: “Đây thôn Vỹ Dạ” (NXB Đại học Quốc gia HN, 2001). Cũng trong tập sách đó, văn bản bài thơ của Hàn vừa bị in nhan đề thiếu sót, vừa bị ghi chú sai nguồn: “Thơ điên”.

Trong sách “Thơ Mới – những bước thăng trầm” (NXB TPHCM, 1988), Lê Đình Kỵ viết không đúng: “Cái chất quê, hồn quê vẫn không mất đi, ngay trong “Thơ điên”, “Đau thương”. Hai bài thơ được thừa nhận rộng rãi đến thành cổ điển của Hàn Mạc Tử: “Mùa xuân chín” và “Đây thôn Vỹ Dạ” không xa lạ với những tình tự quê hương và vào loại trong sáng nhất của Thơ Mới”.

Trên Báo Văn nghệ 42+43 (28/10/1989), Lê Bảo viết cũng không đúng: “Trong tập thơ mang tựa đề “Thơ điên”, có hai bài ít điên nhất có lẽ là “Mùa xuân chín” và “Đây thôn Vỹ Dạ”.”

Trong tập I “Tác phẩm văn học 1930-1945” (NXB Khoa học Xã hội, HN, 1990), Mã Giang Lân mắc sai lầm y hệt: ““Đây thôn Vỹ Dạ” rút trong tập “Thơ điên” (sau gọi là “Đau thương”) do Hàn Mạc Tử tập hợp năm 1938”.

Ba bài bình luận của Lê Đình Kỵ, Lê Bảo, Mã Giang Lân vừa dẫn, sau đấy in lại trong một số cuốn sách, chẳng hạn “Thơ Hàn Mạc Tử và những lời bình” (NXB Văn hóa Thông tin, HN, 2000).

Sách “Nhìn lại Thơ Mới & văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn” (NXB Thanh niên, HN, 2013) có in bài ““Thơ điên” với lớp từ ngữ mang dấu ấn đau thương” do TS Vũ Thị Ân – giảng viên Ngôn ngữ học Trường Đại học Sư phạm TPHCM – soạn với lập luận: “Những thống kê định lượng về tần số xuất hiện, tỉ lệ phân bố, sự kết hợp của các từ vệ tinh trên trục ngữ đoạn và sự hành chức của chúng trong hệ thống đối vị của trường liên tưởng đã là những “con số biết nói”.

Nó góp phần khẳng định: “Thơ điên” đã tập hợp một vùng từ ngữ kinh dị khác thường. Hành trình thơ Hàn Mạc Tử cũng là một cuộc hành trình từ ngữ, nó góp phần bộc lộ những biến đổi sâu sắc trong bể thẳm tâm hồn nhà thơ. Bởi lẽ, bản chất của thơ được bộc lộ qua chất liệu ngôn từ”.

Điều đáng tiếc là Vũ Thị Ân không nêu rõ nguồn tài liệu khảo sát, tuy nhiên qua trích dẫn thì nữ TS này đã sử dụng văn bản sai lệch, bởi có “Ở đây thôn Vỹ Giạ”, nhưng bài thơ vừa nhắc chẳng hề thuộc thi tập “Thơ điên/Đau thương”. Vì vậy, những tính toán số lần và phần trăm trong bài vừa nêu của TS Vũ Thị Ân, rõ ràng khá nhọc công nhưng cực kỳ trật trệu.

Oái ăm sao! Bạn thân của Hàn Mạc Tử là Chế Lan Viên nhầm lẫn đến mức nực cười. Năm 1986, tác giả thi tập “Điêu tàn” viết lời giới thiệu tập “Bài thơ thôn Vĩ” do tạp chí Sông Hương ấn hành tại Huế năm 1987, trang 18: “Chính Mai Đình mang đến tôi một tập “Nắng Xuân” có đăng bài “Sao anh không về chơi thôn Vỹ?” của Tử tặng cho Hoàng Cúc”.

Từng cùng Hàn thực hiện “Nắng Xuân”, há lẽ Chế Lan Viên không nhớ nội dung “sách chơi Xuân Đinh Sửu 1937” ru? Giai phẩm ấy mong mỏng, chỉ 32 trang, đăng loạt bài thơ của Hàn được ký nhiều bút danh, nhưng chẳng có bài “Ở đây thôn Vỹ Giạ”(6). Ký ức của Chế Lan Viên lệch lạc khiến không ít người theo đó mà ngộ nhận.

Chẳng hạn Hà Minh Đức bị nhầm lẫn lúc viết trong sách “Văn học Việt Nam hiện đại – bình giảng và phân tích tác phẩm” (NXB HN, 1998): ““Đây thôn Vỹ Dạ” là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới. Bài thơ lần đầu in trong tập “Nắng Xuân” (1937)”.

Hiện chưa tìm thấy “Nắng Xuân”, song mọi người có thể tham khảo bản liệt kê các tác phẩm của Hàn đăng giai phẩm ấy do trong tiểu luận cao học được Nguyễn Đình Niên bảo vệ thành công tại Đại học Văn khoa Sài Gòn ngày 31/7/1973.

Tiểu luận đó đã in thành sách “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử” (NXB Southeast Asian Culture and Education, 2009, trang 36 - 37).

Thậm chí, viết “Góp ý kiến về bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”” đăng báo Tuổi trẻ Chủ nhật 7/1/1990, Đào Quốc Toàn còn đẩy niên điểm sáng tác sớm hơn: “Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” chỉ có thể được viết trong khoảng 1936 - 1937 chứ không thể viết vào năm 1939 được, bởi vì bài thơ này được Hàn Mạc Tử tập hợp lại ở tập “Đau thương” trong thời gian cuối 1937 đầu 1938. Tập thơ này gồm khoảng 50 bài thơ, lúc đầu lấy tên là “Thơ điên””.

Hỡi ôi! Bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” được Hàn hoàn tất năm 1939, liệu có thể công bố trước 1 hoặc 2 hoặc 3 năm chăng?

Thực tế, Hàn sáng tác “Ở đây thôn Vỹ Giạ” vào giai đoạn đau khổ lánh mình với “nguồn thơ ứa mãi hai hàng lệ” rồi lâm chung sau đấy một năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...