“Thuyền trăng Hàn Mặc Tử” ở làng phong

GD&TĐ - Ở nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử gửi gắm tâm hồn đơn độc trong những ngày cuối đời hiện có một ngư dân từng mắc bệnh phong làm và bán “thuyền trăng Hàn Mặc Tử” rất được khách hàng đồng cảm.

Ông Lem và bà Hà bên nhau ở làng phong Quy Hòa
Ông Lem và bà Hà bên nhau ở làng phong Quy Hòa

Ngôi làng của tình yêu thương

Trước đây, làng phong Quy Hòa bị xem là thế giới đau khổ của những mảnh đời bất hạnh khi mắc phải một trong tứ chứng nan y. Thế giới ấy như được lột tả hết sức chân thực, khoắc khoải trong câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng/ Một vũng cô liêu cũ vạn đời”. Nhưng giờ đây, sự e ngại với những bệnh nhân phong không còn nữa, mà thay vào đó là những tâm hồn đồng điệu, tràn ngập yêu thương và ấm áp tình người. Những mái ấm gia đình ở đây cứ như bước ra từ chuyện cổ tích. Tại đây, bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn.

Ông Phạm Văn Lem (64 tuổi, dân tộc Hrê, quê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) và bà Phan Thị Hà (61 tuổi, dân tộc Kinh, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cùng bị bệnh phong và đến đây điều trị. Những tháng ngày sống tại làng phong này, họ quý mến nhau, rồi gắn bó với nhau, vượt qua bệnh tật, số phận bất hạnh. Tình yêu của họ được đơm hoa kết trái là cậu con trai lành lặn, khỏe mạnh, nay đã là sinh viên năm cuối ngành điều dưỡng của Trường Đại học Đông Á tại TP Đà Nẵng. “Cơ cực mấy tôi cũng chịu được, miễn sao con học nên người, sau này trở thành người có ích cho xã hội. Con tôi nói, học xong sẽ quay về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, có thể góp phần chữa trị cho bà con bệnh phong nơi đây”, bà Hà chia sẻ.

Theo ông Trần Công Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng bệnh nhân phong Quy Hòa, làng phong Quy Hòa hiện có gần 260 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó có 435 bệnh nhân phong. Mọi người ở đây sống gắn bó nghĩa tình, không hề phân biệt vùng miền, dân tộc. Sau khi chữa bệnh, họ nguyện tìm đến nhau để bù đắp khiếm khuyết, dìu nhau vượt lên nghịch cảnh. Căn bệnh quái ác có thể cướp đi cánh tay hay đôi chân nhưng không thể ngăn cản những trái tim cùng nhịp đập. “Điều đáng mừng là dù cha mẹ mắc bệnh nhưng các thế hệ con cháu sinh ra chưa có một ai bị lây bệnh. Tất cả con em đều được bình đẳng đến trường. Mỗi năm, số lượng con em đem niềm vui về cho làng ngày một nhiều. Trong số đó không ít người đã về công tác, gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rốn”, ông Nghĩa cho biết.

 

“Thuyền trăng Hàn Mặc Tử”

Thi sĩ Hàn Mặc Tử từng viết “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” và bây giờ, tại làng phong này có một ngư dân từng mắc bệnh phong cũng “bán trăng” như ông. Đó là ông Lê Văn Chín, 51 tuổi. Nói “bán trăng” là nói vui, chứ thật ra ông Chín làm và bán những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy, có hình dạng bán nguyệt. Ông đặt tên là “thuyền trăng Hàn Mặc Tử” để tưởng nhớ đến người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh từng sinh sống tại làng phong này.

Năm 1981, khi mới 13 tuổi, cậu thiếu niên tên Chín ở miền biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) phát hiện tay chân của mình mất cảm giác, kim châm vào không đau, sau đó là những cục cứng xuất hiện trên cơ thể. Gia đình đoán chắc con mình mắc bệnh phong nên đưa ông Chín ra Quy Hòa để điều trị. Bốn năm sau, ông khỏi bệnh rồi xin ở lại nơi này sinh sống. Đến năm 1988, ông Chín nên duyên vợ chồng với bà Võ Thị Thủy ở phường Ghềnh Ráng. Bà không mắc bệnh phong nhưng thương ông tốt bụng, chịu thương chịu khó nên kết nghĩa trăm năm cùng ông.

Các kiểu “Thuyền trăng Hàn Mặc Tử”

Các kiểu “Thuyền trăng Hàn Mặc Tử”

Vừa làm những chiếc thuyền bằng nan tre để bán cho bà con ở đây đi đánh bắt hải sản ven bờ, ông Chín vừa trực tiếp ra biển đánh bắt để lo cho các con ăn học. Tuy nhiên, thuyền làm bằng nan tre nên mỗi năm phải trét dầu rái 2 lần mới tiếp tục sử dụng được và tuổi thọ của thuyền thúng cũng chỉ từ 3 - 4 năm. Việc di chuyển thuyền cũng khó khăn bởi thuyền khá nặng nên 6 năm trước, ông Chín bắt đầu mày mò làm chiếc thuyền với nguyên liệu chính là thùng phuy để làm phương tiện cho mình đánh bắt.

“Tôi nghĩ làm để cho mình sử dụng, ai ngờ nó hiệu quả hơn tôi tưởng nên tôi bắt đầu làm để bán cho bà con. Tôi nghiên cứu làm ra 3 kiểu thuyền, gồm: thuyền nhọn, thuyền nôi, thuyền nôi mũi cao. Loại nào cũng dài 4m, rộng 1,2m. Mỗi chiếc tốn hết 7 thùng phuy loại 200 lít cùng với một số nguyên liệu phụ như cước, ốc vít, tre… Hiện tại, chi phí để hoàn thành mỗi chiếc thuyền khoảng 4 triệu đồng, tôi bán ra với giá 6,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ai đặt tôi mới làm. Tính tới nay, tôi bán khoảng 50 chiếc. Ngoài bà con ở làng phong, còn có một số ngư dân ở Khánh Hòa, Phú Yên cũng đến đặt làm”, ông Chín cho biết.

Ông Chín bảo, thuyền làm bằng thùng phuy nhẹ, có độ trơn nên thuận tiện di chuyển trên cát, sóng đánh không hư hỏng lại rộng rãi, độ chông chênh ít hơn thuyền nan. Đặc biệt, thuyền bằng thùng phuy không phải trét dầu rái mỗi năm và gắn được động cơ nên đỡ tốn sức chèo. Chiếc thuyền đầu tiên tôi sử dụng đã 6 năm mà không hề hấn gì. Tôi chắc chắn tuổi thọ của thuyền làm bằng thùng phuy phải trên 10 năm”.

Phố biển Quy Nhơn đang trên đà phát triển du lịch, trong đó có làng phong Quy Hòa. Vậy nên, ông Chín hy vọng những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy của mình không chỉ giúp bà con làng phong thuận tiện hơn trong việc đánh bắt hải sản ven bờ, mà còn có thể tham gia phục vụ du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...