Tuy nhiên, thực tế quan hệ của lứa đôi này hoàn toàn chẳng giống nhiều sách, báo, tạp chí, tuồng cải lương, ca khúc tân nhạc lẫn cổ nhạc thêu dệt.
Thêm điều được nhiều người, nhất là giới nghiên cứu văn học, quan tâm: Kim Cúc bảo lưu bài thơ “Ở đây thôn Vỹ Giạ” do Hàn viết tay năm 1939. Nhan đề chẳng phải “Đây thôn Vĩ Dạ” như nhiều sách báo, kể cả sách giáo khoa trung học, in ấn lâu nay. Sự sửa đổi rồi lưu truyền thi phẩm kia lại là uẩn khúc khác.
Kì I: Sự thật về mối tình Hàn Mạc Tử - Hoàng Thị Kim Cúc
Soạn hồi kí “Đôi nét về Hàn Mạc Tử”, Quách Tấn ghi nhận: “Khi Tử làm Sở Đạc điền - Quy Nhơn, Tử có yêu một thiếu nữ ở cùng một con đường – đường Khải Định (nay là đường Lê Lợi) – biệt hiệu là Hoàng Cúc”.
Nàng mang họ tên đầy đủ là Hoàng Thị Kim Cúc, ái nữ của Tham tá Hoàng Phùng thuở nọ đảm chức Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Định.
Thời thuộc Pháp, ngành Địa chính còn được gọi Đạc điền, tiếng Pháp ghi Cadastre.
Với nguồn tư liệu hiện thời, tôi chưa hề thấy Hoàng Thị Kim Cúc mang biệt hiệu Hoàng Cúc. Biệt hiệu nàng là Hoàng Hoa. Phải chăng Hoàng Hoa bắt nguồn từ những câu thơ Hàn viết thuở tương tư nàng? Như bài tứ tuyệt “Hoa cúc”:
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa,
Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha.
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc,
Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta.
Hoặc rõ rệt hơn, trong bài “Sao, vàng, sao” – bấy nay lưu hành dưới nhan đề “Đừng cho lòng bay xa” là không đúng bản gốc – mà Hàn từng gửi “tiểu thư khuê các”:
Trời nhựt nguyệt cầu vồng bắc tứ phía,
Ôi! Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi đây.
Hương ân tình cho kết lại thành giây,
Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu.
Sinh thời, Hoàng Thị Kim Cúc thỉnh thoảng cũng sáng tác thơ và kí bút danh Hoàng Hoa, hoặc Hoàng Hoa thôn nữ, H.H., TP, TN, Thu Hương.
Trong thư đề ngày 10/9/1987 gửi Võ Long Tê, Hoàng Thị Kim Cúc viết: “H.H. là biệt hiệu của tôi mà H.M.T. không biết cũng đặt tặng tôi luôn”.
Tình đơn phương
Hoàng Thị Kim Cúc chào đời ngày thứ Sáu 5/12/1913 nhằm mùng 8 tháng 11 năm Quý Sửu. Hàn Mạc Tử/Nguyễn Trọng Trí chào đời ngày chúa nhật 22/9/1912 nhằm 12 tháng 8 năm Nhâm Tý. Khoảng cách tuổi tác ấy, theo quan niệm dân gian quả rất xứng đôi vừa lứa: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”.
Lứa thì vừa đấy, song chàng với nàng chẳng hề “đôi lứa xứng đôi”, dẫu chỉ xứng đôi trên tình trường như nhiều người bấy lâu ngộ nhận. Sự nhầm tưởng kia, trớ trêu thay, lại xuất phát từ những hồi kí do thân bằng quyến thuộc của Hàn viết và công bố sau khi Hàn mất!
Để tiện khám phá sự thật, tôi xin sao lục mấy lá thư của chính người trong cuộc là Hoàng Thị Kim Cúc. Quý bạn đọc lưu ý người nhận và thời điểm từng thư.
Thư đề ngày 13/3/1971 gửi Quách Tấn: “Hồi đó Tử thường đến chơi với Hoàng Tùng Ngâm là em chú bác với tôi. Bạn Ngâm đông lắm. Trong gia đình tôi, không ai để ý đến bạn của Ngâm. Câu chuyện tâm tình của Tử, trừ Ngâm ra, cũng không ai biết. Tôi được biết trước khi thầy tôi sắp về hưu, do một người bạn khác nói lại, chứ không phải Ngâm”.
Thư đề ngày 15/4/1971 gửi Quách Tấn: “Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi vẫn cũng chưa toại nguyện (…). Năm 1936, khi Tử ở Sài Gòn về Quy Nhơn, tôi vẫn còn ở Quy Nhơn đến mấy tháng sau mới về Huế”.
Thư đề ngày 15/10/1971 gửi Quách Tấn: “Về tuồng cải lương [vở “Hàn Mạc Tử” do Viễn Châu và Thể Hà Vân hợp soạn năm 1957] thì tôi được biết do đoàn Dạ Lý Hương đóng vào đầu năm 1970 (hồi đó tôi vào Sài Gòn được nghe nhiều người kể lại, trong đó có bác sĩ Lê Khắc Quyến kể nữa) và lần lượt đã trình diễn trên tivi khoảng mấy tháng sau tại các tỉnh miền Trung.
Họ đã diễn tả đúng đoạn văn của ông trong tập Văn số 73 trang 93. Nghĩa là họ diễn đoạn Tử nhờ người đến cầu hôn bị ông bà thân nhà gái từ chối, hất hủi, vì lẽ Tử không xứng mặt đồng sàng! Cô Cúc không có trong vở tuồng, không xuất hiện trên sân khấu, chỉ có ông bà thân của cô và Tử thôi.
Ông bà đã lột hết tài nghệ phơi bày rõ rệt tâm địa của con người chỉ biết tiền, ham danh vọng, khinh miệt người, hống hách… Như vậy, ông đã thấy rõ, vì động chạm sai lạc đến thầy mẹ tôi và Tử nên tôi mới lên tiếng, chứ không phải vì tôi!”.
Thư đề ngày 16/10/1987 gửi Nguyễn Bá Tín – em ruột Hàn: “Vào đầu năm 1936, sau khi ông trợ Cát là cậu tôi ghé nhà chơi, lúc ra về bỏ quên thư của Tử gởi cho cậu tôi mà nội dung chỉ nói về chuyện tâm tình của Tử. Tử có tới gặp tôi 2 lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về.
Lần thứ 2, Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ “Bâng khuâng” với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thư (…). Gần cuối năm 1936, khi Tử về dự Hội chợ Huế, mang theo một xấp “Gái quê” vừa in xong, có gặp tôi cùng đi với anh em tôi trong Hội chợ.
Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một tập, có đề chữ tặng, không tặng tôi mà chỉ yên lặng nhìn! Mấy hôm sau, Ngâm cho biết: Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô, rồi từ đó chúng tôi không gặp nhau, lại không thư từ, thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người một ngả, cách xa nhau như hai ngọn núi (…).
Nếu không có bức thư ông trợ Cát để quên ở nhà tôi thì có lẽ tôi vẫn dửng dưng vô sự. Và Ngâm cũng không nói gì với tôi về mối tình của Tử. Ngâm thấy không thể giấu được nên mới kể đại khái rằng: “Trí nó cảm chị lâu rồi, từ hôm chị bán gian hàng ở hội chợ của Tòa sứ Quy Nhơn tổ chức (…).
Trí đã nhờ Ngâm đưa thư cho chị, Ngâm không đưa. Trí nhờ nói với chị về nỗi lòng, Ngâm từ chối. Trí làm thơ tặng chị đăng trong báo Phụ Nữ Tân Văn, Ngâm cắt mấy bài thơ rồi mới đưa báo cho chị (…).
Thật tội cho thằng Trí! Nó kể cho em nghe nhiều nhiều, mà Ngâm đâu có nói gì với chị, vì Ngâm không muốn làm bận rộn tâm trí chị, khi thấy chị chưa nghĩ gì về chuyện yêu đương!”. Thật thế, lúc đó tôi đã 21 tuổi rồi [21 tuổi ta, 20 tuổi tây, tức vào năm 1933] mà sao còn quá ngơ ngác!”.
Thư đề ngày 11/5/1988 gửi Hoàng Toại – anh cả của Hoàng Thị Kim Cúc: “Lâu nay em chưa có dịp kể cho anh nghe và em cũng không kể cho ai hết, tuy thế đã có nhiều người biết chuyện, biết qua sách báo sai lạc, biết qua sự phỏng đoán và tưởng tượng của họ. Câu chuyện xảy ra trên nửa thế kỷ rồi anh nợ, em cũng im lặng cho nó đi qua, vì câu chuyện thuộc về dĩ vãng.
Không ngờ mấy năm sau đây mấy nhà viết sách tìm tòi moi móc, moi những chuyện không đúng sự thật như bài báo của Kiêm Đạt ở bên đó [Hoa Kỳ] mà anh đã cắt gửi về cho em coi chẳng hạn (…). Hồi em ở Quy Nhơn với ba, Hàn Mạc Tử có để ý đến em, nhờ Ngâm hỏi ý kiến em, Ngâm không hỏi. Anh ấy kiếm cách gặp em kể lể nỗi niềm, em thấy trước là câu chuyện không đi đến đâu nên từ chối.
Câu chuyện chỉ có chừng nấy, em yên trí là không liên quan gì với nhau nữa, không dè thi sĩ cứ thầm yêu trộm nhớ, làm thơ rồi nhờ bạn bè tặng sách báo cho em, em vẫn cứ im lặng, không trả lời trả vốn (…). Sau khi Hàn Mạc Tử qua đời, Ngâm mới kể rành mạch nỗi lòng của Hàn Mạc Tử đối với em.
Em hết sức cảm kích và vô cùng ngậm ngùi. Anh có nhớ hồi anh làm ở văn phòng nào đó, ông Trần Tái Phùng cũng làm một chỗ với anh, một hôm anh đi làm về, đưa cho em một tờ giấy nhỏ có ghi hai câu thơ của Hàn Mạc Tử do ông Trần Tái Phùng đưa cho anh đem về hỏi em. Hai câu thơ đó là:
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương.
Em xem xong chỉ cười mà không trả lời (…). Hôm nay em mới kể câu chuyện tâm tình đó với anh, kể ra cũng quá chậm, song chắc anh cũng hiểu tâm trạng em mà hoan hỷ cho em (…). Khá Anh, Khá Em hay Em Nhỏ thì có biết chuyện, song cũng biết lơ mơ vì em không nói chi hết; mấy em ở trong nhà cũng chỉ biết qua sách báo (…). Trong gia đình, anh là người đầu tiên mà em kể chuyện tâm tình của em”.
(Khá Anh là Hoàng Tế Ngộ, Khá Em là Hoàng Hoan Nghinh, Em Nhỏ là Hoàng Thị Ngọc Anh đều là em ruột của Hoàng Thị Kim Cúc. Chi tiết này đáng lưu ý).
Qua trích đoạn 5 lá thư vừa nêu của người trong cuộc, ắt bạn đọc đủ cơ sở để kết luận: Mối tình đầu Hàn Mạc Tử dành cho Hoàng Hoa chỉ là tình đơn phương.
Trao đổi với tôi về chuyện này, một bạn thân của Hàn Mạc Tử là nhà văn Trần Thanh Địch thuở sinh tiền nhận định: Năm 1941, ngay sau khi Hàn qua đời, anh Trần Thanh Mại soạn sách “Hàn Mạc Tử” đã có đoạn kết tiên đoán rất đúng: “Tôi vẫn biết trước, trong một ngày không lâu, người ta sẽ dành nhau cái vinh dự xây dựng cho thi sĩ Hàn Mạc Tử những chiếc thánh giá vĩ đại, đến cả những lăng tẩm nguy nga nữa”.
Thời gian qua, tham dự một số buổi lễ kỷ niệm Hàn Mạc Tử được tổ chức đó đây, chắc anh Phanxipăng đã chứng kiến cảnh mấy phụ nữ tranh nhau tự nhận là “nàng thơ”, là “tình nhân” của thi sĩ quá cố.
Thói đời mà! Thế nhưng, chị Hoàng Thị Kim Cúc thì khác. Chị Cúc không nhận những gì mình không có. Tôi cho đó là đức tính trung thực đáng quý. Và nhiệm vụ của các cây bút ngày nay là hãy cố gắng đem “cái gì của César trả lại cho César”.
Thêm đôi nét về Hoàng Thị Kim Cúc
Thiết tưởng cần soi sáng thêm dăm điểm về nhân thân Hoàng Thị Kim Cúc cùng một vài nhân vật liên quan từng được đề cập trong 5 bức thư trên. Biết đâu những điểm này lại có khả năng là một trong những “chìa khóa” giúp chúng ta “giải mã” phần nào hành trạng và tác phẩm của Hàn thi sĩ.
Nhiều người dân Huế hiện vẫn còn nhớ Hoàng Thị Kim Cúc ít nhất hai cương vị: Nữ cư sĩ tức người tu trì Phật giáo tại gia, kiêm nhà giáo.
Lật các tuyển tập “Đồng Khánh mái trường xưa” do Ban liên lạc cựu học sinh Đồng Khánh - Huế, nay là trường THPT Hai Bà Trưng ở Huế, bắt đầu thực hiện thường niên từ năm 1992, chúng ta bắt gặp những dòng hồi ức của bao thế hệ học trò về “hình ảnh dịu dàng, vóc dáng nhỏ nhắn, vui vẻ ân cần nhưng cũng rất nghiêm khắc của Hoàng Thị Kim Cúc, cô giáo đầu đàn của bộ môn nữ công gia chánh thời ấy” (trích bài “Nhớ cô Hoàng Thị Kim Cúc” của Võ Thị Tiểu Kiều in trong tuyển tập năm 1992).
Hoàng Thị Kim Cúc cũng là tác giả sách “Món ăn nấu lối Huế” do nhà sách Khai Trí tại SG ấn hành lần đầu năm 1970, đã tái bản nhiều lần, được nhiều người đọc và áp dụng.
Thời ấy, Hoàng Thị Kim Cúc đến trường Đồng Khánh được các nữ sinh kính cẩn thưa “cô”, còn lúc ra đường, lại được nhiều thanh thiếu niên gọi thân tình bằng “chị”. Đó là cách xưng hô phổ biến của mọi đoàn sinh đối với các nữ huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Mà chị Kim Cúc là huynh trưởng với chức vụ Phó ban hướng dẫn trung ương của tổ chức này, phụ trách ngành nữ từ năm 1947. Như vậy, cư sĩ không chỉ tu tại gia mà còn tích cực hoạt động xã hội.
Tôi gặp chị Hoàng Thị Kim Cúc lần đầu trên đồi thông chùa Từ Hiếu (Huế) trong hội trại họp bạn mang tên Hoài Nhân do Gia Đình Phật Tử tỉnh Thừa Thiên tổ chức từ ngày 31/7 - 2/8/ 1973.
Sau đó, tôi thỉnh thoảng ghé thăm chị Kim Cúc ở nhà riêng tại Vỹ Dạ (Huế), mà lần cuối cùng là lúc chị nằm thoi thóp trên giường bệnh sau vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TPHCM ngày 11/8/1988 rồi được chuyển về Huế ngày 23/9/1988.
Hoàng Thị Kim Cúc pháp danh Tâm Chánh lìa trần ngày 3/2/1989, tức 27 tháng Chạp năm Mậu Thìn, hưởng thọ 76 tuổi; lễ di quan ngày 15/2/1989, nhằm mùng 10 Tết Kỉ Tị. Lúc ấy, tôi ở xa Huế, không dự được.
Vậy xin dẫn đoạn tường thuật đám tang Hoàng Thị Kim Cúc do Mai Văn Hoan viết: “Có lẽ đó là một trong những đám tang lớn nhất ở Huế gần đây mà tôi được biết. Đoàn xe tang nối dài từ Đập Đá đến trường Quốc Học.
Quanh xe tang đính nhiều câu đối ca ngợi phẩm hạnh của bà. Tôi còn phát hiện có những bài thơ của các nhà sư hoạ [sic!] lại bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”” (trích sách “Cảm nhận thơ Hàn Mạc Tử”, NXB Thuận Hóa, Huế, 1999).
Hoàng Thị Kim Cúc có anh cả là Hoàng Toại định cư ở Hoa Kỳ, lại còn có mấy anh ruột tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève 1954: Hoàng Tiêu Diêu tức Hoàng Xuân Tùy (nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cha của Hoàng Lê Minh - học sinh giỏi đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế tổ chức tại Berlin, Đức, năm 1974), Hoàng Hoan Nghinh/Khá Em (nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Philippines).
Người em ruột Hoàng Tế Ngộ/Khá Anh ở lại Huế, trước khi quy tiên từng “thủ từ” trong ngôi nhà mà chị Kim Cúc từng sinh sống.
Anh em chú bác của Hoàng Thị Kim Cúc có Hoàng Tùng Ngâm vốn là bạn thân cùng nguyên quán Thừa Thiên, cùng tuổi Nhâm Tý 1912 và cùng làm chung phòng Địa chính Quy Nhơn trực thuộc Sở Đạc điền Bình Định với Hàn. Năm 1954, Hoàng Tùng Ngâm tập kết ra Bắc, đổi tên là Hoàng Thanh Trai.
Trước đó, năm 1939, chính nhờ “xúc tác” của Hoàng Tùng Ngâm, Hàn Mạc Tử đã hứng khởi sáng tạo một số áng thơ tặng Hoàng Thị Kim Cúc – trong đó có “Ở đây thôn Vỹ Giạ”, tác phẩm gây nhiều tranh luận bấy lâu nay. Bài thơ này, từ năm 1991 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy chính thức trong chương trình Ngữ văn lớp 11.
(Còn nữa)