Không để xảy ra lạm thu
Năm học 2021-2022 toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa dạy học vừa phòng dịch. Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, Chủ tịch UBDN TP Hải Phòng yêu cầu toàn ngành chủ động xây dựng kế hoạch năm học phù hợp, linh hoạt với tình hình dịch bệnh đồng thời thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Trường hợp dịch bệnh phức tạp không tổ chức dạy học trực tiếp thì các cơ sở giáo dục chủ động phương án dạy trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thành phố lưu ý, không dạy trực tuyến với bậc mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp
Rà soát cắt giảm tối đa các chi phí để ổn định, không tăng học phí so vơi năm học trước, tuyệt đối không thể xảy ra lạm thu đầu năm học.
Ngành giáo dục cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu như: hoàn thành cải cách hành chính về giáo dục, đào tạo; tiếp tục tham mưu cho thành phố về việc lực chọn SGK; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ…
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục TP tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; hiệu quả GDTX; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, đảm bảo an toàn trường học…
Tiếp nhận tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai
Để huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và thống nhất quả lý, sử dụng hiệu quả các khoản thu, UBND TP Hải Phòng ra văn bản về việc hướng dẫn thực hiện hiệu quả Thông tư 16/BGDDT.
Theo đó, các cơ sở giáo dục tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ đúng theo quy định pháp luật.
Cụ thể, việc tiếp nhận tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Không lợi dụng tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo; nội dung vận động tài trợ, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo quy định tại Thông tư số 16/BGDDT.
Các nhà trường không tiếp nhận các hiện vật không đáp ứng mục đích sử dụng tỏng cơ sở giáo dục, hiện vật độc hại, nguy hiểm…không vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, nhân viên.
Khuyến khích nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, mua sắm trang thiết bị hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục theo sự hướng dẫn của cơ sở giáo dục.
Khuyến khích khi tổ chức, cá nhân, ủng hộ để phát triển giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học.
Với những khoản tài trợ bằng tiền: Nhà tài trợ chuyển một khoản tiền bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, kim cương, đá quý, kim loại quý trực tiếp cho cơ sở giáo dục hoặc qua tài khoản của cơ sở giáo dục mở tại Kho bạc nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại.
Với việc tài trợ bằng hiện vật: Nhà tài trợ chuyển giao cho cơ sở giáo dục các hiện vật như sách, vở, quần áo, lương thực, thực phẩm, vật liệu, đồ dùng thiết bị…
Đối với hình thức tài trợ bằng công trình, việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, cấp giấy phép xây dụng, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo hiểm công trình được thực hiện theo đúng quy định hiện hành về đầu tư xây dựng.
Đối với hình thức tài trợ phi vật chất: Nhà tài trợ chuyển giao hoặc cấp quyền sử dụng không thu tiền đối với bản quyền và quyền sở hữu các tài sản thuộc sở hữu trí tuệ; quyền sử dụng đất; góp ngày công lao động…
Các cơ sở giáo dục phải thực hiện đúng quy trình vận động, tài trợ như: lập kế hoạch vận động tài trợ, sổ tiếp nhận tài trợ, quản lý sử dụng tài trợ, báo cáo tài chính và công khai tài chính.