Hải Phòng: Kế hoạch giáo dục nhà trường đáp ứng đổi mới, phù hợp thực tiễn

GD&TĐ - Năm học mới 2021-2022 là năm thứ 2 thực hiện chương trình GDPT 2018.

Cô trò Trường Tiểu học Quang Trung
Cô trò Trường Tiểu học Quang Trung

Hoàn thành việc bồi dưỡng modun 1 “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT”, lãnh đạo các nhà trường tại Hải Phòng linh hoạt áp dụng những nội dung đã được học tập bồi dưỡng vào công tác quản lý.

Đáp ứng đổi mới

Năm học này, trường Tiểu học Quang Trung, quận Kiến An có 372 học sinh, học sinh khối 1, khối 2 là 143 em. 100% thầy cô giáo dạy khối 1, 2 đã hoàn thành bồi dưỡng modun 1 dành cho giáo viên phổ thông “Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018” và được tập huấn đầy đủ cách sử dụng SGK.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, Trường Tiểu học Quang Trung đã chuẩn bị đầy đủ mọi yếu tố, điều kiện về con người và cơ sở vật chất để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học cũng như thực hiện thắng lợi chương trình GDPT 2018.

Hoàn thành bồi dưỡng modun1 “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT”, cô Lan đã áp dụng linh hoạt vào thực tiễn nhà trường để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Ban Giám hiệu tổ chức họp Hội đồng trường, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố đặc điểm của địa phương, xác định các nội dung giáo dục, hình thức tổ chức phù hợp với môn học và hoạt động giáo dục.  

Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Quang Trung
Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Quang Trung

Để xây dựng kế hoạch môn học, nghiên cứu chương trình, nghiên cứu SGK vô cùng quan trọng. Vì thế, nhà trường luôn sát sao giao nhiệm vụ cho giáo viên.

Giáo viên chủ động nghiên cứu chương trình, SGK và các nội dung liên quan khác; lập kế hoạch dạy học cho môn học, hoạt động giáo dục mình phụ trách, phù hợp điều kiện thực tiễn. Từ đó, thầy cô xây dựng kế hoạch bài dạy một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao nhất; điều chỉnh, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện tổ chức dạy học.

Giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp lập kế hoạch giáo dục cho lớp mình phụ trách theo ngày/tuần/tháng phù hợp với kế hoạch chung của toàn khối, toàn trường.

Với giáo viên tổng phụ trách đội dự thảo kế hoạch hoạt động, thống nhất với tổ chuyên môn, giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp về hình thức và nội dung tiết sinh hoạt dưới cờ để thực hiện cho toàn trường.

Sau khi tổng hợp kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục từ các tổ bộ môn (theo khối lớp); xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trước ngày 31/8 để tổ chuyên môn, giáo viên làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Quá trình triển khai các hoạt động giáo dục, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thực hiện. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh Kế hoạch giáo dục cho phù hợp với điều kiện từng giai đoạn; linh hoạt, phù hợp trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn ra hết sức phức tạp, cô Lan chia sẻ.

Căn cứ vào tình hình thực tế nhà trường, giáo viên linh hoạt xây dựng kế hoạch môn học và hoạt động phù hợp
Căn cứ vào tình hình thực tế nhà trường, giáo viên linh hoạt xây dựng kế hoạch môn học và hoạt động phù hợp

Phù hợp thực tiễn

Cô giáo Lê Thúy Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, quận Lê Chân, TP Hải Phòng chia sẻ, năm học này Trường THCS Trần Phú có 2.700 học sinh, trong đó có 648 học sinh lớp 6.

Khi nghiên cữu kỹ chương trình GDPT 2018, hoàn thành bồi dưỡng modun 1 dành cho cán bộ quản lý, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đặc biệt là chương trình nhà trường thuận lợi rất nhiều. Các hiệu trưởng xác định được yêu cầu, nhiệm vụ của mình trong dạy học và giáo dục. Nhà quản lý biết cách xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, quản trị nhà trường, tổ chức hoạt động giáo dục học sinh thông qua huy động các nguồn lực.

Theo cô Hạnh, để thuận lợi trong thực hiện đổi mới, nhà trường lựa chọn giáo viên nhiệt huyết, tiên phong. Trên cơ sở được tập huấn, thầy cô tự nghiên cứu chương trình, sinh hoạt chuyên môn, xây dựng chương trình môn học, từ đó tổng hợp xây dựng chương trình nhà trường, kết hợp xây dựng kế hoạch giáo dục.

Đảm bảo kế hoạch thời gian năm học, Trường THCS Trần Phú đã xây dựng xong kế hoạch giáo dục nhà trường từ tháng 8. Với kế hoạch hoạt động giáo dục của khối 6 rõ ràng, tường minh hơn giúp giáo viên, nhà trường hình dung vai trò trách nhiệm, phân cấp trách nhiệm rõ ràng.

Hoạt động dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ của cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Du
Hoạt động dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ của cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Du

Cô giáo Đồng Minh Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Kiến An cho hay, khi nhận phân công chuyên môn từ hiệu trưởng, cô đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch môn học và hoạt động giáo dục. Tổng phụ trách xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục tập thể trong năm học. Xác định các hoạt động bổ trợ (bán trú, câu lạc bộ, dạy kĩ năng sống,..), xác định các ngày nghỉ trong năm, từ đó xây dựng chương trình cụ thể cho từng môn học và hoạt động giáo dục theo từng tuần, tháng.

Kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch hoạt động trải nghiệm của từng khối lớp dựa trên kế hoạch giáo dục nhà trường. Đồng thời, quan tâm dạy học tích hợp và phân hóa đối tượng. Lồng ghép kiến thức liên môn, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục môi trường phù hợp với từng bài dạy.

Trường Tiểu học Nguyễn Du tổ chức sinh hoạt chuyên môn, các chuyên đề chuyên môn có liên quan đến đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức, đánh giá học sinh… Đồng thời, hướng dẫn giáo viên ứng dụng CNTT, đồ dùng dạy học trong tiết dạy, tăng cường liên hệ thực tiễn và trải nghiệm…

Quá trình thực hiện chương trình mới, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, các trường gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, đặc biệt thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ 2, thiếu cơ sở vật chất. Điều kiện dịch bệnh khiến nhiều hoạt động giáo dục gặp khó khăn, ngắt quãng, vì thế các nhà trường căn cứ thực tiễn để linh hoạt, vận dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.