Hai HS đoạt giải Bạc nhờ nghiên cứu tôm

GD&TĐ - Lê Tuấn (HS lớp 12 chuyên Toán) và Mạnh Tuấn Hưng (lớp 12 chuyên Lý), Trường THPT Chuyên Hạ Long, được vinh danh với giải Bạc tại triển lãm quốc tế về sáng chế do Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức. Thú vị là cả hai bạn đã chọn đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến môn học chuyên ở trường và những gì đã biết qua sách vở.

Hai HS đoạt giải Bạc nhờ nghiên cứu tôm

Gặt “Bạc” ngay từ lần đầu thi quốc tế

Rất tự tin bắt đầu câu chuyện về quá trình đến với giải thưởng tại triển lãm sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế (triển lãm về sáng chế) diễn ra tại Đài Loan (Trung Quốc), Lê Tuấn và Tuấn Hưng cho biết giải thưởng dành cho nhóm nghiên cứu là một bất ngờ. Bởi khi thực hiện đề tài, cả hai không nghĩ đến chuyện thi thố, nhất là không hình dung sẽ đoạt giải thưởng cao trong triển lãm quy mô có sự tham gia của cả SV nhiều trường ĐH và doanh nghiệp trên thế giới.

Triển lãm sáng chế quốc tế mà nhóm Tuấn, Hưng góp mặt do Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIIPA) tổ chức. Có thể hình dung đó là một cuộc triển lãm quốc tế về các sáng chế mới trong khoa học kỹ thuật của thanh niếu niên. Triển lãm có sự tham gia của HS, SV đến từ gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đa số các sáng chế mang đến triển lãm là của HS THPT và SV ĐH, một số sáng chế được giới thiệu bởi đại diện đến từ các doanh nghiệp. Hội đồng giám khảo quốc tế của triển lãm gồm các giám khảo đến từ những quốc gia thành viên WIIPA. Tiêu chí chấm giải thường trải qua những bước rất chặt chẽ, những sáng chế tham dự phải mang tính đổi mới, có thể ứng dụng thực tiễn cao, gần gũi với môi trường và có khả năng thương mại hóa.

Tuấn kể, em và Hưng biết đến cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế là nhờ bạn bè ở Thủ đô: “Các bạn THPT sống ở Hà Nội biết rất nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế về lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho HS, SV. Qua bạn bè, em và Hưng đã quyết định đưa đề tài nghiên cứu đi dự thi, để thử sức. Hơn hết là mong muốn được biết về thực tiễn HS, SV trên thế giới yêu thích, tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật như thế nào”.

Đề tài mà nhóm Tuấn, Hưng tham gia nghiên cứu chỉ nghe qua tên gọi đã thấy tính thực tiễn cao: “Nghiên cứu phương pháp chẩn đoán sớm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng và sản xuất chế phẩm Lactobacillus plantarum S11 từ ruột tôm để ức chế vi khuẩn gây bệnh”.

Mặc dù mới chỉ là HS lớp 11 khi bắt đầu thực hiện đề tài và là HS lớp 12 khi hoàn thành nghiên cứu, song hai bạn Tuấn - Hưng rất tự tin và say mê thực hiện.

Bước ngoặt mới

Theo học chuyên hai môn khác nhau ở trường, nhưng Tuấn và Hưng đã chơi thân từ THCS, cả hai có chung niềm đam mê nghiên cứu, khám phá. Cùng theo học tiếng Anh (IELTS) với thầy Đặng Toàn Vinh (Tiến sĩ, Trưởng khoa Thủy sản, Trường ĐH Hạ Long), Tuấn và Hưng từ tình cờ mà trở nên say sưa đi vào nghiên cứu về vi sinh (sinh học)- lĩnh vực tưởng chừng chẳng liên quan gì đến môn học chuyên (Toán, Lý) của hai bạn ở trường.

“Trong một lần được thầy Vinh đưa đến tham quan trải nghiệm thực tế tại một trại nuôi tôm, chúng cháu chứng kiến hiện tượng tôm sau 3 tháng nuôi bị bệnh chết hàng loạt. Người nông dân chất tôm chết thành những đống lớn, lỗ nặng. Người nuôi tôm rất buồn và lo lắng vì thiệt hại đó, khiến chúng cháu đặc biệt chú ý” - Tuấn nói. Còn Hưng cho biết: “Khi rời trại nuôi tôm, chúng cháu hỏi thầy Vinh và những người nông dân, được biết tôm chết do bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính”.

Trước thực tế chưa từng biết qua sách vở, xúc động về hoàn cảnh người nông dân phải đối mặt với nguy cơ tôm chết bệnh, Tuấn và Hưng đã hỏi rất kỹ thầy Vinh về nguyên nhân bệnh của tôm… Từ đó ba thầy trò nảy sinh ra ý tưởng nghiên cứu về căn bệnh hoại tử gan tụy cấp tính của tôm thẻ chân trắng và sản xuất chế phẩm ức chế vi khuẩn gây bệnh. Dưới sự gợi ý và giúp đỡ trực tiếp của thầy Đặng Toàn Vinh, Tuấn và Hưng đã bắt tay vào tìm hiểu một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới lạ với hầu hết HS THPT.

Mạnh Tuấn Hưng chia sẻ suy nghĩ không hề “non nớt”: “Khoa học luôn phải bắt đầu từ thực tiễn. Theo, khi người ta nghiên cứu ra một điều gì đó bổ ích thì điều đó phải có tác dụng với đời sống, như vậy mới xứng đáng với công sức nghiên cứu bỏ ra”.

Biết nắm bắt may mắn

Tuấn Hưng và Lê Tuấn tin rằng, cả 2 đã may mắn khi được tham gia một dự án rất thực tế, chính bởi các bạn có cơ hội trải nghiệm thực tiễn với thầy Đặng Toàn Vinh.

Điều thú vị là trong suốt thời gian nghiên cứu, Tuấn và Hưng đã nhận được được sự giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều từ gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Hai bạn cũng được tham khảo các anh chị SV ở ĐH Hạ Long cách nghiên cứu, thử nghiệm, cách lấy ruột tôm, ghi mẫu, ghi chú… để phục vụ công việc hoàn toàn mới mẻ với HS THPT.

Từ tháng 3 đến tháng 10/2018 nhóm của Tuấn và Hưng lên ý tưởng, nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất và thử nghiệm… cả trong và ngoài phòng thí nghiệm. Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thử nghiệm chế phẩm Lactobacillus tại các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh Quảng Ninh, rồi mở rộng ra các cơ sở tương tự ở các tỉnh khác như Nam Định, Ninh Bình…

Người hỗ trợ hai bạn trẻ nhiều nhất, trực tiếp nhất trong nghiên cứu sinh học này chính là thầy Đặng Toàn Vinh. Khi biết Tuấn, Hưng say mê với đề tài nghiên cứu, gia đình hai bạn đã hoàn toàn ủng hộ, thậm chí hai bạn được “miễn” làm việc nhà, để có thời gian nghiên cứu. Tuấn và Hưng mỗi tuần dành khoảng 10 đến 20 giờ để nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học kỹ thuật của mình. Có đợt hai bạn ăn ở luôn tại trại nuôi tôm mấy ngày để nghiên cứu, tranh thủ vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ cuối tuần, nên không ảnh hưởng gì đến giờ học chính khóa.

Nghiên cứu đề tài khoa học kỹ thuật ở lĩnh vực khác hẳn với môn học chuyên tại trường. Tuấn và Hưng nhận thấy có hai khó khăn chính mà các bạn phải đối diện: “Không phải “dân” học chuyên Sinh học, ngay cả hỏi nhiều bạn học chuyên Sinh cũng không biết về lĩnh vực nghiên cứu này. Nhưng là HS chuyên KHTN nên bọn em cũng có tư duy khoa học nhất định. Đặc biệt có những nguồn kiến thức trên mạng rất bổ ích, có nhiều tài liệu chuyên về lĩnh vực mà cháu và Hưng quan tâm được tìm thấy trên mạng” - Tuấn chia sẻ.

Còn theo Hưng, từ ý tưởng đến đề tài nghiên cứu mà hai em tham gia đều rất gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là trong khả năng mà HS THPT có thể làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ