Hài hòa lợi ích

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động kể từ ngày 1/7.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, tính đến hết năm 2023 và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

Trước đó, theo Tờ trình của Bộ LĐ,TB&XH, mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh.

Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Nhà nước tới việc chăm lo đời sống của người lao động, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19...

Và rằng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, Bộ đã lấy ý kiến của 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 15 bộ, cơ quan ngang bộ; 12 hiệp hội doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về cơ bản, các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị định...

Cần nhắc lại rằng, cách đây không lâu, chỉ qua hai phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận với phương án duy nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, các doanh nghiệp duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP dẫn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến nay, nước ta đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, nhất là trong quý I vừa qua, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ. Nên như ý kiến của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thì tăng lương tối thiểu vừa hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng là động lực để tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển.

“Tôi chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp nhưng không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang rất khốn khó. Sức chịu đựng của họ cũng đã đến ngưỡng để xem xét điều chỉnh tiền lương...”, ông Hiểu nói.

Tán thành với quan điểm này, ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, thời gian đầu, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn, nhưng về lâu dài, việc tăng lương không chỉ giúp lao động có thêm thu nhập mà còn giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vậy nên, cho dù thời điểm này, với doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu bước đầu có thể sẽ gặp những khó khăn, nhưng về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng góp phần duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ