Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu: Hy vọng đời sống người lao động được cải thiện

GD&TĐ - Hồ sơ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hiện đang được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định.

Người lao động mong muốn điều chỉnh tăng tiền lương. Ảnh minh họa
Người lao động mong muốn điều chỉnh tăng tiền lương. Ảnh minh họa

Cải thiện đời sống của người lao động

Theo dự thảo tờ trình, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng theo tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1/1/2020. Thông thường, mức lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động. Vì vậy, Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90 cho đến nay (trên 2 năm) theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện tại, mức lương tối thiểu vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Hơn nữa, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Còn đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt cho các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận đang có sự cứng nhắc. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã và đang khởi sắc. Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, đời sống của nhiều người lao động vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động từ dịch bệnh. Một bộ phận rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do phải ngừng việc, mất việc, nghỉ việc không hưởng lương kéo dài.

Bên cạnh đó, thu nhập giảm sút trong khi giá cả hàng hóa dịch vụ ngày càng tăng cao. Đa số người lao động hiện nay đều có mong muốn điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp lương và cải thiện các chế độ đãi ngộ khác cho phù hợp với bối cảnh phục hồi kinh tế.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và quy định mức lương tối thiểu giờ để góp phần cải thiện đời sống của người lao động. Đồng thời hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thị trường lao động. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đề xuất điều chỉnh quy định vùng

Bộ LĐ-TB&XH đã lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Bên cạnh đó là một số hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương về nội dung dự thảo nghị định.

Trong đó, dự thảo đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu này tăng bình quân 6% tương ứng tăng từ 180 nghìn đồng – 260 nghìn đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Dự thảo tờ trình cũng nêu rõ, mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Theo đó, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo tờ trình và nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong phạm vi điều chỉnh, dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ.

Về mức lương tối thiểu giờ, dự thảo quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng. Cụ thể, vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định nhấn mạnh, đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định luật.

Cơ quan soạn thảo nhận định, việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương này phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ. Mục đích tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Tờ trình cho biết, nguyên tắc áp dụng phân vùng cơ bản kế thừa theo danh mục quy định hiện hành. Ngoài ra có sự rà soát, cập nhật lại tên một số địa bàn sau khi có sự thay đổi do phải thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của UBND các tỉnh.

Cụ thể, điều chỉnh từ vùng II lên vùng I đối với: Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.

Điều chỉnh từ vùng III lên vùng II đối với: Các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Điều chỉnh từ vùng IV lên vùng III đối với: Các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Cơ quan soạn thảo đề xuất thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu trên từ ngày 1/7/2022 như nội dung Hội đồng Tiền lương quốc gia đã gửi lên Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ