Giúp người lao động ổn định đời sống
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng, vấn đề tăng lương tối thiểu được người lao động làm việc theo hợp đồng, chủ doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp có số lượng nhân lực lớn sẽ chịu tác động khi điều chỉnh tiền lương. Bởi chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân thông tin, thực tế, có những doanh nghiệp sử dụng tới 45 nghìn lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10 nghìn lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều.
Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp. Nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm.
Trước năm 2020, theo thông lệ, việc tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm. Tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5 - 7% nhưng trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Trong khi tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.
“Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng. Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết”, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân nêu.
Bà Xuân cho rằng, việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động, mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Cho dù, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống.
Từ đó, giúp giữ chân lao động ở lại doanh nghiệp, động viên tinh thần người lao động gắn bó, hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng lương tối thiểu kịp thời lúc người lao động đang khó khăn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Đó là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Không chỉ làm thêm giờ, mà còn thêm việc
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp (Viện Nghiên cứu lập pháp), cho biết, Nhà nước và xã hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn lao động vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn trong và hậu đại dịch.
Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần. 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần. 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Thậm chí, nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả.
Ở nước ta, công nhân lao động chiếm khoảng 15% dân số, tương đương 27% lực lượng lao động nhưng có sứ mệnh lịch sử và sứ mệnh chính trị đặc biệt quan trọng và đóng góp cơ bản vào ngân sách cũng như GDP.
“Người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc”, ông Phạm Trọng Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mục đích nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng trên thực tế, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022 cho thấy, chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống. Khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.
Năm 2020 và 2021, để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay, nếu tính tổng vào năm 2020 là 2,31%, 2021 là 1,84% và 5 tháng đầu năm nay là 2,25% thì đã vượt quá con số 6% này.
Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thì thực tiễn là người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ, mà phải làm thêm việc. Nhiều người sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước.
Theo ông Nghĩa, với mức tăng 6% lương tối thiểu, vùng 1 cao nhất của nước ta sẽ là 4.680.000 tương đương với 200 USD. So sánh với các quốc gia trong khu vực thì mức lương tối thiểu này vẫn còn thấp.
Ông Nghĩa lấy ví dụ Indonesia có dân số là 274 triệu thì mức lương tối thiểu tháng ở Jakarta là 323 đô la. Philippines dân số 110 triệu thì mức lương tối thiểu là 226 đô la.
Thái Lan dân số 70 triệu mức lương tối thiểu là 260 đô la và dự kiến sẽ tăng lên hơn 300 đô la. Malaysia dân số 33 triệu thì lương tối thiểu ở 57 thành phố lớn là 282 đô la. Ở Trung Quốc từ ngày 1/8/2021 lương tối thiểu tại thành phố Bắc Kinh nâng lên là 360 đô la.
“Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu một mặt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao.
Mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ. Đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.