Bỏ “quên” Thông tư 96
Ngày 24/3/2008, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 09/2008/QĐ – BGD&ĐT về việc “Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng tại xã, thị trấn”. Theo đó, mỗi xã, thị trấn trong cả nước sẽ thành lập 1 TTHTCĐ. Đến ngày 27/10/2008, Bộ Tài chính có Thông tư 09/2008/TT-BTC hướng dẫn “Về việc cấp ngân sách nhà nước cho các TTHTCĐ”.
Tại điểm 1, mục II của Thông tư này chỉ rõ mức hỗ trợ ban đầu lúc thành lập cho mỗi trung tâm là 30 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên bao gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia vào công tác quản lí; phụ cấp kiêm nhiệm sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách địa phương và nguồn mua sắm bổ sung tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập.
Văn bản đề nghị của Hội khuyến học tỉnh. |
Theo đó, trong Thông tư nêu rõ các mức hưởng cụ thể: Xã khu vực I, tối thiểu 20 triệu đồng/năm/Trung tâm; khu vực II,III tối thiểu 25 triệu đồng/năm/ Trung tâm (phân chia khu vực theo Quyết định số 301/2006/QĐ-UBDT ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển).
Cũng tại điểm 2, mục II của Thông tư này quy định rất rõ nguồn hỗ trợ được “Cân đối trong ngân sách địa phương từ sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề hàng năm và do địa phương thực hiện theo phân cấp ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”.
Quy định theo luật nêu rất rõ, nhưng hơn 10 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh, 100% số xã đều đã được thành lập THTCĐ nhưng không hề được nhận hỗ trợ ban đầu từ khi thành lập. Chỉ có 2 huyện Can Lộc, TX. Kỳ Anh là được nhận hỗ trợ nhưng số tiền chỉ cho có, kiểu “nhỏ giọt”. Huyện Can Lộc từ năm 2013 – 2016: 5 triệu đồng, từ 2016 – 2019: hạ xuống còn 3 triệu đồng/năm/trung tâm. Đầu năm 2019, TX. Kỳ Anh cũng hỗ trợ 5 triệu đồng/năm/trung tâm.
Việc hỗ trợ của 2 địa phương này đáng lẽ được xem là “đi đầu” thì họ lại nơm nớp lo lắng chuyện “vượt rào” khi UBND tỉnh, Sở Tài chính chưa có bất kì một quyết định nào về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư 96.
Trong khi đó tỉnh Thanh Hóa được cấp đầy đủ kinh phí cho TTHTCĐ |
Trong khi đó, theo điều tra riêng của phóng viên, chỉ tính riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ thì tất cả các tỉnh (trừ Hà Tĩnh) đã thực hiện đầy đủ việc hỗ trợ cho TTHTCĐ theo Thông tư 96. Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị, ngày 14/12/2016, HĐND tỉnh này có Nghị quyết số 23, trong đó định mức phân bổ sự nghiệp giáo dục đối với TTHTCĐ theo 2 mức: TP. Đông Hà: 60 triệu đồng/trung tâm/năm, các huyện còn lại: 50 triệu đồng/trung tâm/năm (hơn gấp đôi theo Thông tư 96).
Ông Trần Đình Mọn, Giám đốc TTHTCĐ xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc cho biết: "Do thiếu kinh phí chi thường xuyên nên trung tâm rất bị động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, nhất là sau khi điều tra nhu cầu học tập của nhân dân nhưng không thể đáp ứng. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị tỉnh sớm có quyết định về việc cấp kinh phí cho Trung tâm theo thông tư 96".
Cô giáo Trần Thị Hiên, giáo viên TTHTCĐ xã Xuân Lộc, Can Lộc chia sẻ: "Để hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời tổ chức được các lớp học hoặc chuyên đề cho nhân dân, tôi thường phải trích tiền lương ra làm. Cuối kì, cuối năm mới viết tờ trình xin UBND xã, nếu được giải quyết thì tốt, nếu không có thì đành phải chịu vì trong dự toán không có kinh phí".
“Loay hoay” trên Nghị trường
Mặc dầu, các cơ sở có hàng trăm kiến nghị thông qua các diễn đàn, Hội Khuyến học tỉnh nhiều lần đề xuất. Mới đây nhất, trước kì họp thứ 8, Khóa XVII của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Hội Khuyến học có công văn số 35/CV-KH gửi đích thân ông Đặng Quốc Vinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính đề xuất về việc cấp kinh phí và bố trí giáo viên biệt phái làm việc tại TTHTCĐ. Tuy nhiên, một lần nữa, cả UBND tỉnh, các Sở liên quan vẫn không có bất kì một động thái quyết định nào.
Ngay trong sáng 17/7, tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, trong phiên chất vấn, đại biểu đặt câu hỏi với ông Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT về ngân sách cấp cho các TTHTCĐ. Vị này trả lời: “Kinh phí của các TTHTCĐ đã được các xã đưa vào dự toán hàng năm”.
Lớp năng khiếu bóng đá cho thiếu niên và nhi đồng xã Mĩ Lộc (Can Lộc) phải huy động nguồn lực xã hội hóa 100%. |
Ngay lập tức, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ trì phiên họp ngắt lời, yêu cầu vị giám đốc Sở cho biết, “Vậy hiện nay các xã đã đưa vào dự toán chưa?”, ông Trần Trung Dũng nói, “Việc này Sở GD&ĐT không quản lí nên không nắm được mà là thuộc Sở Tài chính”.
Ngay lập tức, ông Lê Đình Sơn yêu cầu ông Hà Văn Trọng - Giám đốc Sở Tài chính giải đáp thắc mắc. Ông Trọng phát biểu: “Hiện nay có 3 huyện gồm Đức Thọ, Can Lộc và TX. Kỳ Anh cân đối ngân sách còn Sở Tài chính chưa có hướng dẫn chung và cấp nguồn ngân sách vì các Trung tâm này hoạt động kém hiệu quả”.
Tuy nhiên, khi Chủ tịch HĐND chất vấn: “Giám đốc Sở Tài chính căn cứ vào đâu để đánh giá là các Trung tâm kém hiệu quả?”, ông giám đốc Sở Tài chính loay hoay rồi nói, “Chúng tôi đã có công văn đề nghị các địa phương báo cáo và hứa sẽ có trước 30/7/2019”.
Sau phiên chất vấn, phóng viên đã gọi điện cho một số Chủ tịch UBND xã trong tỉnh, họ cho rằng, nếu đưa vào dự toán ngân sách địa phương thì chí ít cũng là Phòng Tài chính huyện có hướng dẫn là nguồn ngân sách này được cấp thông qua ngân sách xã. Còn nếu cấp qua ngân sách sự nghiệp giáo dục thì phải có hướng dẫn để các TTHTCĐ mở tài khoản tại kho bạc nhà nước, còn ngân sách xã chỉ thông qua HĐND hỗ trợ bằng các nguồn thu tại chỗ nhưng nơi có, nơi không, nếu có cũng rất khó khăn.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT: ngân sách chi trả cho TTHTCĐ thuộc Sở Tài chính. |
Mặt khác, trong phần trả lời, vị Giám đốc Sở Tài chính cho rằng huyện Đức Thọ có cấp kinh phí nhưng tại báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Hà Tĩnh thì tuyệt nhiên không có tên huyện này cấp kinh phí?!
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị đề xuất với lãnh đạo tỉnh, các Sở ban ngành liên quan cả bằng miệng thông qua cuộc họp và cả văn bản nhưng đều không được giải quyết. Việc các TTHTCĐ ở Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, kém hiệu quả có nguyên nhân chính từ việc không được cấp kinh phí từ đầu và nguồn chi thường xuyên”.
“Dù vậy, trong 3 năm trở lại đây các TTHTCĐ trên toàn tỉnh đã mở được 8.376 lớp với 810.432 lượt người học. Kết quả phân loại chính xác các trung tâm: Loại tốt 21% (55 trung tâm), Khá 41% (107 trung tâm), Trung bình 34% (88 trung tâm) và yếu là 5% (13 trung tâm). Trên thực tế, các TTHTCĐ đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, nhất là phong trào xây dựng NTM” – ông Bình nhấn mạnh.