Theo đó, chủ đầu tư dự án metro Cát Linh – Hà Đông cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, dự án chỉ được Chính phủ cấp phát kinh phí xây dựng, còn kinh phí vận hành khai thác của dự án tương đương khoảng 98 triệu USD sẽ do thành phố Hà Nội (đơn vị sử dụng) được bố trí nguồn vay để chi trả. Khi dự án đi vào hoạt động, thành phố Hà Nội sẽ bố trí nguồn hàng năm để trả dần cho ngân sách Trung ương.
“Khoản tiền này vẫn nằm trong tổng mức đầu tư của dự án. Đây là phần kinh phí sử dụng cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy, toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ và một số thiết bị phụ trợ”, đại diện chủ đầu tư cho biết.
Để tiếp nhận khoản vay trên từ dự án, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có báo cáo gửi HĐND thành phố về chủ trương vay cũng như phương án trả nợ khi tiếp nhận khoản tiền trên để vận hành dự án.
Lãi suất cho vay lại được tính là là 4%/năm, trong trường hợp bên vay không trả nợ đúng hạn sẽ phải chịu lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, tính cho số ngày quá hạn.
Dự án metro Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD, lãi suất 3% năm; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 133,86 triệu USD). Tuy nhiên sau đó dự án vừa bị chậm tiến độ vừa đội giá lên 891 triệu USD (tăng thêm 250 triệu USD).
Dự án được khởi công tháng 10/2011 có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với, tuy nhiên đến nay dự án đã 8 lần lỡ hẹn nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại.
Theo TPO