Nhân tọa đàm “Đánh giá và báo cáo giám sát Hà Nội tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO” tại Tòa nhà Xanh Liên Hợp Quốc vào chiều 25/4, nhiều chuyên gia đã góp ý để Hà Nội thực hiện các sáng kiến, cam kết, phát triển các hoạt động tiến tới một thành phố đi đầu trong hoạt động sáng tạo.
Hà Nội đang đi đúng hướng
Tọa đàm 'Đánh giá và báo cáo giám sát Hà Nội tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO' nhận định Hà Nội đang đi đúng hướng. |
Dự kiến tháng 11/2023, Hà Nội phải hoàn thành “Báo cáo giám sát tư cách thành viên định kỳ lần thứ nhất” - với những nội dung xoay quanh việc đã triển khai, nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của thành phố khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động sáng tạo theo hướng bắt nguồn từ di sản, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Ngày 30/10/2019, Hà Nội được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu “lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững”. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội.
Đồng thời, đó cũng là bước tiến để Hà Nội thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội - khai thác và phát huy tối đa nguồn lực văn hóa cũng như con người để chuyển hóa nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm, đảm bảo thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.
Theo ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau hơn 3 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, đến nay thành phố đã đạt được những kết quả nhất định.
Năm 2020 Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức tọa đàm cấp cao “Tham vấn sáng kiến Hà Nội - Thành phố Sáng tạo” nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước, với các nhà đầu tư và doanh nghiệp về các ý tưởng và sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược, kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả vai trò là Thành phố Sáng tạo UNESCO.
Trong 2 năm (2020 - 2021), Hà Nội liên tiếp tổ chức 6 cuộc hội thảo, tọa đàm về nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển Thành phố Sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô.
Đồng thời, cũng ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, triển khai các sáng kiến và quy định chế độ đãi ngộ hỗ trợ đối với đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân cũng như các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng Thành phố Sáng tạo như: Kiện toàn Ban điều phối - Ban chỉ đạo; Tham gia các hội nghị - diễn đàn Thành phố Sáng tạo toàn cầu và khu vực; Đẩy mạnh công tác truyền thông; Củng cố các không gian sáng tạo; Xây dựng Đề án trung tâm thiết kế sáng tạo - Trung tâm công nghiệp văn hóa; Xây dựng báo cáo giám sát tư cách thành viên; Tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo khu vực Đông Nam Á; Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.
Ông Christan Manhart - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - đánh giá rằng, những việc Hà Nội triển khai thực hiện sáng kiến, cam kết gia nhập đang đi đúng hướng, tạo môi trường thuận lợi để người dân được đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Bắt đầu từ nguồn lực di sản
Cuộc thi 'Thiết kế nghệ thuật công cộng 2022' có 5 trường đại học tham gia, gồm: ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội. |
Theo các chuyên gia, sau hơn 3 năm tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, nhiều người đã biết và hiểu hơn về khái niệm “Thành phố Sáng tạo” cũng như các việc phải thực hiện và giá trị của sáng tạo.
Ví dụ các cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo, như: Thiết kế không gian sáng tạo, Thiết kế km số 0, Thiết kế nghệ thuật công cộng, đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại… không chỉ thu hút du lịch, nâng cao đời sống tinh thần, phát huy các giá trị văn hóa - nghệ thuật, mà còn giúp tương tác, hình thành các ý tưởng sáng tạo mới.
Bà Phạm Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội hi vọng 4 năm tới, Hà Nội sẽ có những cơ chế hình thành rõ ràng hơn để hỗ trợ và kết nối được với giới trẻ, với sinh viên như Đề án Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo. Đồng thời có thể nghiên cứu chọn lọc, nâng tầm các sự kiện để việc thực hiện các sáng kiến, cam kết đi vào đời sống.
Bà Hường cũng chia sẻ kinh nghiệm của Singapore - khi họ lồng ghép thiết kế sáng tạo trong việc quy hoạch đô thị, và có sáng kiến thiết lập “ngân hàng vật liệu sáng tạo” trong lĩnh vực kiến trúc, thời trang, nội thất, thiết kế. Đặc biệt, các trường học của đất nước này đều có ngành học về thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hóa, với một số nội dung cụ thể.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - nhấn mạnh: Hà Nội có thế mạnh bởi tiềm năng của một thành phố di sản lâu đời. Bởi vậy, việc phát huy, xây dựng thương hiệu Thành phố Sáng tạo dựa trên nguồn lực phải bắt nguồn từ di sản để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội phải là hạt nhân để các thành phố khác trong cả nước soi chiếu. Bởi vậy, cần phải có những bước đi phù hợp, kết nối chặt chẽ, quan tâm đến mọi thành phần - đặc biệt là giới trẻ.