Photo Hanoi’23 và nỗ lực của một thành phố sáng tạo

GD&TĐ - Biennale nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam - Photo Hanoi’23 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21 tháng Tư này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là hoạt động lớn, với sự góp mặt của hơn 100 nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế, hơn 20 buổi triển lãm, hơn 20 sự kiện bên lề diễn ra ở nhiều địa điểm tại Thủ đô Hà Nội.

“Biennale” trong tiếng Anh có nghĩa là “hai năm một lần”, vốn được dùng như một thuật ngữ rất phổ biến chỉ hoạt động triển lãm và giao lưu mỹ thuật được tổ chức định kỳ ở một thành phố, địa phương nào đó.

Những biennale nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến như: Venice Biennale (Italy), Sao Paolo Biennale (Brazil), Thượng Hải Biennale (Trung Quốc), Busan Biennale (Hàn Quốc)…

Biennale liên kết nghệ sĩ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng sự phát triển đa dạng, phong phú của nghệ thuật, nội hàm thuật ngữ này cũng được mở rộng, không chỉ sử dụng trong mỹ thuật, mà còn được coi là sự kiện văn hóa kết hợp với quảng bá du lịch.

Trở lại với chuỗi sự kiện biennale nhiếp ảnh đầu tiên ở nước ta, giới làm nghề và người yêu nhiếp ảnh đều rất háo hức, mong chờ. Trong sự mong chờ ấy có thêm chút tự hào.

Đã định danh “biennale” thì hẳn sẽ được tổ chức định kỳ, tạo thành nếp sinh hoạt nghệ thuật bổ ích, góp phần mở mang, giao lưu văn hóa qua kênh thông tin - đối thoại chính thức, hấp dẫn.

Hoạt động này cũng cho thấy nỗ lực của Hà Nội trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu về kinh tế và văn hóa - xã hội. Bởi từ năm 2019, Hà Nội bắt đầu là thành viên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

“Sáng tạo” và “công nghiệp văn hóa” là những cụm từ thường được nhắc đến trong nhiều hoạt động, nhiều kỳ cuộc hội thảo ở Thủ đô vài năm trở lại đây.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công nghệ phát triển mạnh mẽ, kinh tế tri thức đóng vai trò quan trọng, Hà Nội cần phát huy hơn nữa vai trò địa chính trị, địa văn hóa, xứng đáng với tiềm năng và vị thế của một Thủ đô hơn ngàn năm tuổi.

Vẫn biết mục tiêu từ trên giấy đến hiện thực là một khoảng cách lớn, nhưng Hà Nội có đầy đủ lợi thế của một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, trái tim yêu của cả nước.

Hà Nội hội tụ nhân sĩ, trí thức ba miền Trung - Nam - Bắc. Hà Nội hội tụ tình yêu đất nước, niềm tự hào với di sản cha ông. Hà Nội hội tụ niềm khát khao được cống hiến, dựng xây và phát triển.

Các biennale định kỳ, hay những hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra ở Thủ đô, dẫu không ồn ào phô trương, nhưng luôn có sức hấp dẫn với công chúng. Phát triển kinh tế không thể tách rời văn hóa nghệ thuật.

Văn hóa nghệ thuật cũng đã chứng minh lợi ích kinh tế, tính bền vững và khả năng gia tăng giá trị lợi nhuận rất lớn của nó. Và mục đích cuối cùng của phát triển bền vững vẫn là hướng tới con người, vì con người!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ