Hà Nội: Loay hoay gỡ khó cho dự án văn hóa, thể thao "treo"

GD&TĐ - Với nhiều quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa vẫn đang nằm trên giấy, hoặc chậm tiến độ… thành phố Hà Nội cho rằng, cùng với trách nhiệm chủ đầu tư còn khó về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bảo tàng Hà Nội - công trình tiêu biểu kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nay vẫn là cái "xác không hồn".
Bảo tàng Hà Nội - công trình tiêu biểu kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nay vẫn là cái "xác không hồn".

Sáng 25/4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự phiên họp.

Hơn 2.100 nhà văn hóa thiếu tiêu chí

Một trong mục tiêu mà Thành ủy Hà Nội đề ra tại Chương trình số 04 giai đoạn 2016 - 2020 là hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố tới cơ sở. Trong đó, đến năm 2020, bảo đảm 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố.

Theo tổng hợp của Thường trực HĐND TP Hà Nội, hiện mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24%. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (mới đạt tỷ lệ 65,5%).

Đáng lưu ý, 5/18 huyện, thị xã và 4/12 quận chưa có một trung tâm văn hóa xã, phường nào. Như vậy, 9/30 quận, huyện của thành phố “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã.

Bên cạnh đó, trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị. Như vậy hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản, 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích. Cùng với đó 187 nhà văn hóa xuống cấp không bảo đảm điều kiện sinh hoạt…

Thường trực HĐND thành phố cũng thông tin, trong 20 năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa. Tuy nhiên, với nhiều lý do như điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn lực đầu tư… rất nhiều dự án hiện vẫn đang nằm trên giấy, hoặc chậm tiến độ.

Lý giải về điều này, theo Thường trực HĐND thành phố, do thiếu các quy định về quản lý, khai thác và sử dụng nhà văn hóa nên câu chuyện nhiều nhà văn hóa được xây sửa khang trang nhưng hoạt động chưa hiệu quả là một thực tế ở Hà Nội.

Dự án văn hóa lớn chậm tiến độ

Tại phiên giải trình, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ đại biểu Bắc Từ Liêm) nêu vấn đề Dự án đầu tư Bảo tàng Hà Nội chậm hoàn thiện, khi giai đoạn 1 phần xây lắp công trình hoàn thành từ năm 2010, giai đoạn 2 phần trưng bày dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay đã gần 8 năm chưa hoàn thiện.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh đề nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ rõ nguyên nhân, tiến độ, đưa dự án hoàn thành tổng thể, đưa vào sử dụng.

Giải trình về nội dung này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - Đỗ Đình Hồng cho biết, Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn, hội tụ các cấp quản lý, nhà khoa học, văn hóa, lịch sử nên mất nhiều thời gian.

Năm 2009, thành phố phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, năm 2020, UBND thành phố phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay là Bảo tàng Hà Nội...

Ông Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, dự kiến trong tháng 5/2022, Sở Xây dựng thẩm định xong thiết kế kỹ thuật, cuối tháng 8 sẽ trình phê duyệt thiết kế thi công dự án, tháng 9 thi công thiết kế...

“Chúng tôi cố gắng hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử nghiệm và kết thúc dự án giữa năm 2024…”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.

Còn đại biểu Nguyễn Minh Tâm (tổ đại biểu Phú Xuyên) thông tin về Dự án Công viên văn hóa Đống Đa được phê duyệt từ 2001, đến nay đã hơn 20 năm vẫn chậm triển khai, cần có giải pháp để thúc đẩy triển khai.

Về nội dung này, ông Lê Tuấn Định - Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường.

Theo ông Định, trong quá trình giải phóng mặt bằng đã giải phóng được 132 hộ với diện tích trên 9.000 m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Năm 2007, thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên văn hóa, tuy nhiên từ đó đến nay chưa được thực hiện. Khó khăn vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thoả đáng.

Năm 2019, quận có 2 văn bản báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc để báo cáo UBND thành phố về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, thành phố có văn bản giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án.

Về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội - Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng cho biết, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Hai quận Đống Đa và Ba Đình cần rà soát đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay trong khu vực công viên để Sở có cơ sở rà soát về ranh giới mới.

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng nhấn mạnh, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng sẽ có kiến nghị với thành phố về ranh giới mới của dự án. Nếu 2 quận đáp ứng được tiến độ rà soát dự án, trong nửa đầu năm 2022, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ trình UBND thành phố về phương án điều chỉnh Công viên Văn hóa Đống Đa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ