Hà Nội: Dự án “treo” vẫn lơ lửng

GD&TĐ - Nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bàn giao “đất” nhưng chậm triển khai dẫn tới “đội vốn”, lãng phí tài nguyên và gây ảnh hưởng tiêu cực. Hà Nội đang tìm giải pháp cho vấn đề này.

Dự án được phê duyệt, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai ở huyện Thanh Oai.
Dự án được phê duyệt, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai ở huyện Thanh Oai.

Chỉ 51/206 dự án hoàn thành

Từ năm 2016 đến nay, sau bốn Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án với tổng số vốn hơn 548.800 tỷ đồng. Đến nay, trong số 206 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, mới có 51 dự án hoàn thành.

Đơn cử, tại Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây do Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư.

Dự án này có công suất xử lý rác từ 700 lên 1.500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện, diện tích sử dụng đất 2,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Đã hơn một năm từ khi được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai, dự án vẫn đang là bãi đất trống.

Tương tự, tại huyện Phú Xuyên với Dự án đầu tư nhà máy xử lý rác Châu Can do Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long làm chủ đầu tư, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, công nghệ đốt tiêu hủy, diện tích xây dựng 4,8 ha, sau sáu năm triển khai đến giờ vẫn chỉ là cánh đồng mênh mông…

Còn tại huyện Sóc Sơn, Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 8 nghìn tỷ đồng do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào đầu năm 2021, nhưng đến nay mới lắp đặt được 85% thiết bị.

Bên cạnh đó, các khu xử lý chất thải của Thủ đô đang bị quá tải, các dự án điện rác vẫn đang nằm im khiến cử tri bức xúc. Cùng với đó, hàng loạt dự án chậm tiến độ như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội quy mô 500 giường bệnh được thành phố Hà Nội quyết định đầu tư năm 2015.

Cần giải pháp mạnh

Dự án tại B12 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).
Dự án tại B12 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).

Trả lời chất vấn ngày 9/12 tại Kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã yêu cầu Sở TN&MT lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra cụ thể các dự án với tinh thần tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, quan trọng nhất là đưa đất vào sử dụng.

Theo ông Đông, nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư không tích cực hợp tác thì kiên quyết phải thu hồi. Còn liên quan đến giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, các địa phương cần báo cáo thành phố để sớm có phương án giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ báo cáo trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ…

Tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2021, tỷ lệ giải ngân chung toàn thành phố Hà Nội mới đạt trên 50% kế hoạch Chính phủ giao. Hà Nội đang phấn đấu để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân, đạt 84,3% kế hoạch thành phố giao và bằng 93,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra để tháo gỡ, từ khách quan đến chủ quan, trong đó có cả những nguyên nhân về một số thủ tục hành chính còn bất cập, chậm trong giải phóng mặt bằng, đến cả trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện.

Trên cơ sở đó, HĐND thành phố cũng đã thông qua mục tiêu cho năm 2022 và quyết tâm hoàn thành mục tiêu của năm 2021. Trong đó, việc rà soát, tháo gỡ kịp thời những khúc mắc về cơ chế chính sách trong đầu tư công, GPMB cho các dự án hạ tầng, giao đất cho các dự án phát triển đô thị… càng được đặt ra. Bởi nếu nguồn lực này được tháo gỡ, hanh thông, đây sẽ là nguồn vốn khá lớn để khơi thông đầu tư cho kinh tế - xã hội của thành phố.

Đặc biệt, một tổ công tác đặc biệt của thành phố đã được thành lập để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án.

Bên cạnh đó, tổ chức giao ban chuyên đề, giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, góp phần thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế.

Những giải pháp, quyết tâm này nhận được sự đồng tình từ đại biểu HĐND thành phố tại kỳ họp thứ ba. Cùng với việc tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư, theo sát để kịp thời gỡ vướng cho từng dự án, phân công rõ trách nhiệm trong thực hiện, đẩy mạnh hạ tầng hỗ trợ cho sản xuất…

Trên hết, cần có quyết tâm rất lớn, sự đồng lòng từ thành phố đến cơ sở và góp sức của chính các đại biểu trong giám sát, thúc đẩy, để thực sự tháo gỡ những điểm nghẽn.

Liên quan hàng loạt nhà máy rác thải bị chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại quy hoạch các khu chứa rác thải trên địa bàn và quý I năm 2022 có thể phê duyệt điều chỉnh.

Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố yêu cầu Sở KH&ĐT kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không bảo đảm yêu cầu thì thu hồi lại dự án.

Tài kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đề nghị, thời gian tới, UBND thành phố cần tập trung rà soát kết quả thực hiện các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” từ năm 2016 đến nay, kể cả cam kết của nhà đầu tư.

Đồng thời, tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, sớm triển khai các dự án, bảo đảm đúng quy định và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.