Hà Nội đề xuất các tuyến đường cho xe đạp như ‘mảnh ghép' tiến tới đô thị xanh

GD&TĐ - Trước áp lực giao thông ngày một lớn, việc phát triển phương tiện xe đạp đang được xem là giải pháp hiệu quả để giảm tải ách tắc giao thông.

Phát triển phương tiện xe đạp đang được xem là giải pháp hiệu quả để giảm tải việc ách tắc giao thông.
Phát triển phương tiện xe đạp đang được xem là giải pháp hiệu quả để giảm tải việc ách tắc giao thông.

Đề xuất tuyến đường cho xe đạp

Để phát triển thêm loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, tăng kết nối với xe vận tải công cộng, Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất tổ chức 2 tuyến đường dành cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo.

Theo đề xuất, tuyến đường thứ nhất được tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp là đường chạy dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở, (quận Đống Đa) đến Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) dài 2,3km.

Hiện, ngoài tuyến đường Láng rộng 6 làn xe, chạy song song đường Láng còn có tuyến đường dọc sông Tô Lịch vừa được cải tạo, hoàn thành rộng 4m. Tuyến đường này đang dành cho người đi bộ và di chuyển bằng xe đạp. Theo phương án tổ chức làn xe đạp tại tuyến đường chạy dọc sông Tô Lịch sẽ được bố trí rộng 3m, 1m còn lại dành cho người đi bộ.

Về khả năng kết nối với vận tải hành khách công cộng, tuyến đường có khả năng kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của metro Nhổn - ga Hà Nội tại khu vực Cầu Giấy. Tuyến đường sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ.

Tuyến đường thí điểm thứ hai được Sở GTVT Hà Nội lựa chọn là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Tuyến đường này dành cho xe đạp khoảng 5,7km.

Trong đó khu vực đi trên hè quanh công viên Hòa Bình 1,8km, đường Hoàng Minh Thảo gần 4km. Dọc tuyến đường cũng có các trạm xe buýt để phục vụ hành khách đi xe đạp kết nối với vận tải hành khách công cộng.

Với tuyến đường dọc sông Tô Lịch, do hạ tầng hoàn thiện nên việc tổ chức tại đây chỉ kẻ các vạch sơn, lắp đặt biển báo. Với tuyến đường Hoàng Minh Thảo tại khu vực công viên Hòa Bình, để tổ chức làn xe đạp Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND TP cần chỉ đạo cho sửa chữa vỉa hè, tạo đường ưu tiên cho xe đi hai chiều rộng 3m.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, mức kinh phí để tổ chức thí điểm hai tuyến đường dành cho xe đạp trên là gần 10 tỷ đồng, trích từ ngân sách Nhà nước. Riêng tuyến đường dọc sông Tô Lịch là 970 triệu đồng, tuyến xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo 8,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải cho rằng, xe đạp công cộng là phương thức tối ưu di chuyển kết hợp, kết nối hiệu quả với phương tiện cá nhân và vận tải công cộng.

Để phát huy hiệu quả từ mô hình trên, cần phát triển đồng bộ các mô hình di chuyển xanh, gồm các mạng lưới: Metro, xe bus, xe đạp, xe scooter điện, phố đi bộ, đường dành cho người đi bộ, bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè đỗ xe, mạng lưới vỉa hè cho thuê, thu phí nội bộ, bến metro cho thuê xe điện công cộng.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng lưới metro, bổ sung các trạm xe đạp, xe máy điện cho thuê tại các bến metro; tăng cường mạng lưới xe bus, bổ sung các trạm xe đạp tại các nhà chờ, điểm đỗ xe bus.

Giảm ùn tắc, tránh khói bụi

“Chúng ta cần tạo thành một mạng lưới liên quan đến dịch vụ xe đạp, trong đó tập trung tại các bến xe bus, tàu điện trên cao, những cơ quan đông người, các trung tâm thương mại...”, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết.

Theo ý kiến của các chuyên gia, ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hàng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tại tọa đàm “Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?”, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược phát triển GTVT đánh giá, xe đạp công cộng là một trong những loại hình phương tiện “xanh”.

“Xe đạp đang là phương tiện phổ biến và quen thuộc cả ở Việt Nam, Hà Lan và nhiều nước phát triển trên thế giới.

Trong điều kiện phù hợp, đi xe đạp là một thói quen góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, thiên nhiên”, ông Chung khẳng định.

Ủng hộ với đề xuất trên, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, để có thể sử dụng xe đạp cá nhân hoặc dịch vụ xe đạp công cộng, đề xuất hình thành 2 tuyến đường xe đạp sẽ trở thành tiền đề khuyến khích người dân.

“Khi người dân chuyển từ sử dụng xe máy, xe ô tô sang xe đạp, các phương tiện công cộng thì tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Thủ đô sẽ được cải thiện, sẽ xây dựng được thành phố xanh thân thiện với môi trường”, ông Tạo nói.

Với hai tuyến đường mà Hà Nội đề xuất triển khai thí điểm, ông Tạo cho rằng rất khả thi. Song, để nhân rộng cách thức tham gia giao thông bằng xe đạp, cần phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ xe đạp công cộng.

Cần có nghiên cứu đầy đủ hơn nữa về cách thức quản lý loại hình xe đạp công cộng để thuận tiện cho người sử dụng như: Mật độ các điểm cho thuê, mức phí cho thuê (tính theo thời gian hay cung đường)…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ