Xe đạp công cộng - giải pháp hỗ trợ vận tải đô thị

GD&TĐ - Xe đạp đô thị đang là xu thế chung của các đô thị trên thế giới, thực sự là 'đôi chân nối dài' của vận tải hành khách công cộng.

Mỗi trạm xe đạp công cộng có diện tích 10 - 15 m2, cho 10 - 20 xe theo từng ô.
Mỗi trạm xe đạp công cộng có diện tích 10 - 15 m2, cho 10 - 20 xe theo từng ô.

Đây cũng là một chiến lược phù hợp để thành phố giảm phát thải và cải thiện chất lượng không khí trong tương lai xa.

Cải thiện chất lượng không khí

Sau đường sắt trên cao, kể từ ngày 11/8, hệ sinh thái giao thông công cộng tại Hà Nội đã có thêm xe đạp để hỗ trợ người dân di chuyển tự do trong thành phố. Đây là những chiếc xe đạp nằm trong Dự án Xe đạp công cộng Hà Nội do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam thực hiện.

Như vậy, những người sống tại Hà Nội, nay đã có thêm một sự lựa chọn phương tiện đi lại mới, linh hoạt hơn cả về thời gian, địa điểm so với xe bus truyền thống hay đường sắt trên cao. Đây cũng là một chiến lược phù hợp để thành phố giảm phát thải và cải thiện chất lượng không khí trong tương lai xa.

Đối tượng phục vụ là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh, sinh viên, khách du lịch… Giai đoạn 1 của dự án này Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam sẽ đưa 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện vào vận hành trên địa bàn 6 quận trung tâm là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2024) dự án mở rộng vùng phục vụ, theo đó tập trung mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.

Trên thực tế, Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên hay duy nhất triển khai chương trình xe đạp công cộng. Chương trình này đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Vũng Tàu, và Hải Phòng trong năm 2022 và đầu năm 2023.

Thông tin từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam, đơn vị chủ đầu tư cho biết, dự án triển khai xe đạp công cộng ở Hà Nội là mô hình mới so với các tỉnh khác, sử dụng cả xe đạp có trợ lực điện. Do đó, phải nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu về cả kỹ thuật, quản lý lẫn vận hành.

Theo chủ đầu tư, đơn vị sẽ triển khai tại 6 quận nội thành Hà Nội bao gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Công ty đã bắt đầu thi công trạm xe đạp công cộng đầu tiên tại số 12 Đào Tấn, phường Cống vị, quận Ba Đình.

Xe đạp công cộng của đề án có kế hoạch vận chuyển về Hà Nội; sau đó đội ngũ nhân viên công ty lắp đặt, kết nối tại các trạm vận hành; tại các trạm vận hành đã hoàn thiện, công ty sẽ bố trí xe để khách hàng tiếp cận, trải nghiệm.

Trong thời gian đầu, mỗi khách hàng đến các điểm vận hành được hướng dẫn cài đặt app đăng ký, sử dụng và được công ty tặng 1 giờ đi xe đạp công cộng miễn phí.

Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp thường, 10.000 đồng với xe đạp điện; phí thuê xe cả ngày với hai loại xe lần lượt 60.000 và 120.000 đồng. Khi có nhu cầu, người dân sẽ cài đặt ứng dụng TNGO về điện thoại rồi đăng ký và đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại.

Có thể nạp tiền vào tài khoản thông qua các cổng thanh toán Momo, ZaloPay, VTCPay. Bản đồ tích hợp trong ứng dụng cũng cho phép người dùng dễ dàng nhìn thấy những điểm đặt xe đạp công cộng, đồng thời cũng có chức năng chỉ đường như bản đồ bình thường.

Tạo thu hút xe đạp công cộng

Hiện nay, xe đạp được coi là giải pháp kết nối hữu hiệu giữa các điểm trung chuyển của giao thông công cộng như bến xe, nhà ga xe bus, tàu điện. Theo tính toán Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40 - 45% số chuyến đi tại các đô thị lớn như TP Hà Nội, TPHCM ở cự ly 4 km và hoàn toàn có thể đi xe đạp.

Anh Minh Khang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, rất hài lòng sau khi sử dụng dịch vụ. Theo người dân này thì mô hình xe đạp công cộng mới được triển khai khá tiện lợi, phù hợp với tình hình giao thông cũng như không khí, môi trường ở Thủ đô.

“Hàng ngày mình đều đi làm bằng ô tô, muốn đi đâu đó xung quanh phố mà đi xe ô tô thì rất bất tiện vì đường đông, chỗ đỗ xe cũng ít. Mình thấy mô hình này khá phù hợp, giá cũng rẻ, thi thoảng thuê xe đạp một vòng, hay tranh thủ đi uống cà phê, ngắm đường phố thì cũng rất tiện lợi”, anh Khang chia sẻ.

Đóng góp ý kiến làm gì để dịch vụ xe đạp công cộng thành công, chị Lê Mai Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) đề xuất: Có thể tổ chức các tour du lịch khám phá thành phố, kết hợp đi bằng những phương tiện như xe đạp công cộng, xe buýt thân thiện, metro, xe điện... sẽ thu hút được nhiều người.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Tường Quân (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng muốn có nhiều người sử dụng xe đạp công cộng thì Hà Nội cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về lợi ích của việc đi xe đạp.

“Hằng tuần có thể tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về du lịch thành phố đi bằng xe đạp để thu hút thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; tổ chức các tour du lịch khám phá thành phố bằng xe đạp cho du khách... Nên tạo điều kiện thuận lợi như có thêm nhiều bãi đỗ xe đạp, nhiều loại xe đạp, ứng dụng dịch vụ này phải chạy nhanh, không bị quá tải... để thu hút người dùng”, anh Quân chia sẻ.

Theo các chuyên gia nghiên cứu giao thông thì chủ trương phát triển xe đạp công cộng ở thời điểm này là hợp lý và đúng lúc. Lý do là hiện nay hệ thống giao thông công cộng đã bắt đầu hình thành, người dân cũng có thêm ý thức xem xe đạp cũng là một phương tiện hợp lý, không gây ô nhiễm, kết nối, trung chuyển tốt, một dụng cụ để tập thể thao nâng cao sức khỏe.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại, giao thông công cộng đã tốt lên. Tại Hà Nội tuyến đường sắt trên cao đã đi vào hoạt động, với số lượng ga tàu khá nhiều, các ga cần có kết nối với các vị trí, các đầu mối giao thông khác, như ga tàu hỏa, điểm đỗ xe bus, bến xe khách... Lúc này xe đạp là một trong nhưng phương tiện rất tiện lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ