Hà Nội dẫn đầu cả nước về số người tử vong do TNGT

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số người tử vong do TNGT

(GD&TD)-Trong 2 ngày (25 và 26/10), Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 2 về phòng chống tai nạn thương tích đã diễn ra  tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Đây là dịp để các đại biểu có các phiên thảo luận toàn thể và chuyên đề đánh giá thực trạng phòng chống tai nạn thương tích tại Việt Nam; bàn thảo các giải pháp để thúc đẩy phòng chống tai nạn thương tích, hoàn thiện luật pháp, chính sách và các tiêu chuẩn; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về vấn đề này.

Theo đó,Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã nhấn mạnh mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác PCTNTT, xây dựng cộng đồng ở Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.Tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động còn cao... Hiện chưa có cơ quan điều phối công tác PCTNTT nên hoạt động chỉ đạo và phối kết hợp giữa các Bộ/ngành còn yếu. Nhận thức của người dân về PCTNTT dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa cao. Mỗi năm ngành y tế thống kê được trên 900.000 người bị tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có đến 34.000 người tử vong, chiếm 11-12% tổng số tử vong toàn quốc.  thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 900.000 trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó có trên 34.000 người tử vong, chiếm 11-12% tổng số tử vong toàn quốc.

Trong đó, dẫn đầu số ca tử vong là do tai nạn giao thông (chiếm 44,8%), thứ hai là đuối nước, trong đó nạn nhân trẻ em và vị thành niên chiếm trên 50%, tiếp đến là các nguyên nhân khác như: tai nạn lao động, bỏng, ngộ độc, bạo lực vẫn phổ biến trong cộng đồng.

Ông Jean Dupraz, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho rằng hội nghị là cách tốt nhất để đảm bảo việc chia sẻ rộng rãi những phát hiện chính sách và khuyến nghị liên quan đến nhiều hoạt động PCTNTT đã được thực hiện tại Việt Nam. Việc phổ biến những kết quả đã đạt được tới những nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách quốc gia có vai trò hết sức quan trọng trong công tác PCTNTT nói chung ở Việt Nam.

Theo một nghiên cứu thực trạng tử vong do tai nạn giao thông được thực hiện bởi một nhóm tác giả của Cục Quản lý môi trường y tế, vùng Đông Nam Bộ có tổng số tử vong do tai nạn giao thông cao nhất, đứng thứ hai là vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là địa phương có tổng số tử vong do tai nạn giao thông cao nhất (gần 1.000 trường hợp), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một điều đáng lo ngại nữa được đặt ra là còn có hàng trăm ngàn trường hợp bị tai nạn thương tích không dẫn đến tử vong mỗi năm đang cần được điều trị và có thể phải chăm sóc lâu dài. Đây chính là gánh nặng khổng lồ mà hệ thống y tế cũng như các gia đình, cộng đồng và xã hội đang phải gánh chịu.

Tai nạn thương tích đặc biệt ở trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, gây đau lòng cho cả xã hội nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa hề có xu hướng giảm. Kể từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách quốc gia về phòng chống Tai nạn thương tích với mục tiêu chung là hạn chế TNTT trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như GTVT, lao động sản xuất, sinh hoạt trong gia đình, nhà trường, nơi công cộng… nhưng nhiều nơi vẫn thực hiện rất manh mún, hiệu quả chưa cao

Điều khó khăn và thách thức cho công tác phòng chống tai nạn thương tích là hiện nay chưa có cơ quan điều phối công tác phòng chống tai nạn thương tích nên hoạt động chỉ đạo và phối kết hợp giữa các bộ, ngành còn yếu. Thêm vào đó, nhận thức của người dân về phòng chống tai nạn thương tích dù có chuyển biến nhưng vẫn chưa cao vẫn đang là một mối thách thức lớn.

Hội nghị đã đưa ra một số đề xuất về định hướng nghiên cứu trong thời gian tới như tiếp tục tập trung vào một số loại hình TNTT có nguy cơ tử vong cao. Đối với tai nạn giao thông, cần tập trung và đánh giá hiệu quả và chất lượng mũ bảo hiểm, hậu quả của uống rượu với lái xe, xây dựng công đồng an toàn phòng chống tai nạn giao thông, đánh giá hiệu quả thực thi các văn bản về an toàn giao thông để kịp thời chỉnh sửa và bổ sung. Đối với tai nạn thương tích trẻ em, cần tiếp tục chú ý đến các nguy cơ và nguyên nhân gây tai nạn. Thêm vào đó, vấn đề chăm sóc chấn thương cần được tiếp tục tập trung nghiên cứu về chất lượng điều trị tại viện và đánh giá hiệu quả của sơ cấp cứu ban đầu cũng như chăm sóc chấn thương trước viện. Các hình thức phổ biến, chia sẻ kết quả nghiên cứu cho công tác xây dựng chính sách và triển khai các mô hình can thiệp tại cộng đồng cần được tăng cường.

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ