(GD&TĐ)-Đó là đề xuất của Liên ngành Sở Giao thông Vận tải - Công an Thành phố tại Tờ trình số 151 gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục các tuyến phố đủ điều kiện cấp phép, các tuyến phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện xe đẹp, xe môtô, ôtô trên vỉa hè, lòng đường
Phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) được đề xuất không được trông giữ xe (ảnh MH) |
Tại cuộc họp chiều nay (22/2), liên ngành Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố Hà Nội cùng 9 quận nội thành đã họp báo cáo kết quả sau gần một tuần ra quân thu hồi các giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện và phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trông giữ phương tiện trái phép, xử lý dừng đỗ sai quy định để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, sau gần 1 tuần ra quân xử lý trông giữ, dừng đỗ xe ở 262 tuyến phố, lực lượng liên ngành đã xử lý 582 ô tô dừng đỗ sai quy định, trong đó tạm giữ 21 ô tô. Ngoài ra, 134 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng bị xử lý. Kết quả ban đầu đã đạt được “đường thông, hè phố thoáng".
Tuy nhiên, việc cấm đõ, dừng xe trên các tuyến phố trên cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Vì vậy, để giải bài toán cấp thiết này, liên ngành đã đề xuất Tờ trình số 151 gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt 54 tuyến phố không được phép trông giữ xe.
Tờ trình của Liên ngành cũng kèm danh mục 54 tuyến phố. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 11 tuyến phố (Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bông, Lương Văn Can…), quận Ba Đình có 24 tuyến (Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Vạn Bảo…), quận Đống đa có 10 tuyến (Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch, Đê La Thành…), quận Hai Bà Trưng có 4 tuyến, Cầu Giấy 3 tuyến và Thanh Xuân 2 tuyến phố.
Tờ trình cũng nêu rõ quan điểm, không cấp phép với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tại các trục giao thông chính yếu, các tuyến hướng tâm, đường vành đai, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, các tuyến tổ chức phân làn tách dòng phương tiện hoặc các điểm dừng đỗ xe nằm cạnh các ngã ba, ngã tư đường; các tuyến phố đưa đón đoàn ngoại giao, các khu vực bảo vệ và phố đi bộ. Không cấp phép trông giữ xe trên các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m, các phố có vỉa hè để trông giữ xe môtô, xe máy khi có bề rộng nhỏ hơn 5m.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cho phép được sắp xếp phương tiện cá nhân để đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân song phải đảm bảo không được cản trở giao thông của người đi bộ, phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m; không để xe trước mặt tiền của cơ quan văn hóa, giáo dục, thể thao…
Cơ quan, đơn vị chỉ cấp phép với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe bố trí tại các tuyến phố ngang, có lưu lượng giao thông thấp. Cấp phép cho các khu đất chưa sử dụng tại khu vực công công mà không ảnh hưởng đến tổ chức giao thông; các tuyến phố ngắn hoặc ngõ cụt được xem xét cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời. Cuối cùng, sẽ ưu tiên cấp phép cho các điểm đỗ xe, bến xe, bãi đỗ xe ứng dụng công nghệ mới (bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe áp dụng công nghệ hiện đại…).
Đặc biệt, liên ngành đề xuất Thành phố thống nhất giao cho một doanh nghiệp nhà nước có chức năng để quản lý khai các các điểm trông giữ xe trên cả vỉa hè và lòng đường đô thị. Trước mắt, toàn bộ lòng đường các tuyến phố được phê duyệt, đề nghị cấp phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để tập trung quản lý.
Xuân Hương