Hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh do mưa bão, ngập úng gây ra, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Giang đã và đang chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT), góp phần bảo vệ sức khỏe, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Chủ động phòng chống
Với địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, địa chất không đồng nhất, hàng năm tỉnh Hà Giang thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Hà Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 10 đợt thiên tai, chủ yếu là mưa vừa đến mưa to kèm dông, lốc, sét, làm thiệt hại nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân.
Mưa, lũ đi qua để lại nhiều tổn thất và đặc biệt kéo theo nguy cơ nhiều loại bệnh như: Tiêu chảy, tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm da…
Trước nguy cơ phát sinh dịch bệnh do mưa bão, ngập úng gây ra, trước mùa mưa bão, UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các xã, phường, thị trấn và các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện ngay việc thu gom rác thải, dọn dẹp chất thải và VSMT ở tất cả các tuyến đường, đường làng, ngõ xóm và khu dân cư trên địa bàn cả trước khi mưa lũ và ngay sau khi nước rút.
Đồng thời, thực hiện phun tiêu độc khử trùng các địa điểm tập kết phế thải, rác thải sinh hoạt, ngăn ngừa côn trùng gây bệnh và phát sinh dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia vệ sinh, bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức đảm bảo VSMT, dọn vệ sinh rác thải các khu dân cư thường xuyên để tránh tình trạng rác thải, đất đá làm ách tắc dòng chảy, cửa thu nước.
Sở Y tế Hà Giang chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão trên địa bàn, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó; chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đồng thời xử lý môi trường sau lụt, bão; tổ chức thường trực phòng chống lụt, bão, cứu nạn, cứu hộ 24/24h.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang) đã có văn bản số 159 về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xử lý môi trường, đảm bảo nước sạch trong mùa mưa lũ năm 2023.
Trong đó, đề nghị, hệ thống y tế địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ động triển khai công tác đảm bảo nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt của người dân, tình hình VSMT và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn.
Trước mùa bão lũ, cần chuẩn bị tốt kế hoạch xử lý môi trường và đảm bảo cung cấp nước sạch. Rà soát, đảm bảo sẵn sàng về nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phương tiện phòng chống lụt bão.
Sau khi nước rút, phải tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phun diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu bị ngập nước. Kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ.
Không để dịch bệnh xảy ra
Tại huyện Quản Bạ, địa phương bị thiệt hại lớn của tỉnh Hà Giang đợt mưa lớn vào cuối tháng 8 vừa qua. Để chủ động chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh phát sinh, trung tâm y tế huyện đã cử cán bộ bám sát địa bàn được phân công để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng bệnh.
Người dân xã Thái An (Quản Bạ) cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ. |
Ngay sau khi nước lũ rút, Ngành y tế huyện đã cử đội phòng chống dịch ứng cứu nhanh, phối hợp cùng y tế xã xử lý nguồn nước, phun hóa chất diệt muỗi; tiêu độc, khử trùng bằng cloraminB tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng; cấp cứu tai nạn thương tích, khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân ốm đau bệnh tật, duy trì khám, chữa bệnh nhằm phát hiện kịp thời các dịch bệnh phát sinh sau mưa, lũ…
Chủ tịch UBND xã Thái An (Quản Bạ), Giàng Mí Mua, cho biết: Ngay khi xảy ra mưa lũ gây thiệt hại đến tài sản của người dân, địa phương đã triển khai hỗ trợ các hộ dân theo phương án 4 tại chỗ, huy động các lực lượng đến cứu trợ, trợ giúp gia đình như giúp dọn dẹp nhà cửa, hỗ trợ chỗ ở tạm thời; hướng dẫn nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, dự phòng lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các vật dụng thiết yếu khác, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp phòng, tránh kịp thời nhất là trong mùa mưa bão.
Một trong những hoạt động quan trọng sau mưa lũ là công tác dự phòng, tránh để dịch bệnh xảy ra tại vùng mưa lũ, ngập lụt. Ông Hoàng Xuân Hưng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, y tế, trường học – bệnh nghề nghiệp (CDC Hà Giang) khuyến cáo: Ở những nơi mưa lũ đi qua dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn...
Vì vậy, người dân cần chủ động bảo đảm VSMT quanh khu vực mình sinh sống, thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương; thực hiện ăn chín, uống sôi, phòng tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa... để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Đặc biệt, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.