GS.VS Phạm Minh Hạc: Ký ức đẹp về thầy...

GS.VS Phạm Minh Hạc: Ký ức đẹp về thầy...

(GD&TĐ) - Nghiêm túc trong giờ học trên lớp, còn ngoài giờ học thì các thầy lại rất gần gũi với học sinh- Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam) không thể quên ký ức đẹp về người thầy như thế. Cảm nghĩ chung mà ông nhớ là các thầy giáo luôn dạy cẩn thận, hết lòng vì học sinh.

Năm tháng học tập...

Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc bắt đầu đi học từ rất sớm, ở Trường kiêm bị Thanh Trì (huyện Thanh Trì),  từ năm 1940, lúc đó ông mới 5 tuổi. Ông nhớ lại thời đó các môn phần lớn học bằng tiếng Pháp. Cả huyện chỉ có một trường học như vậy và không phải huyện nào cũng có được một trường kiêm bị (một hình thức trường học của bậc học đầu tiên). Thời đó, trong dân cư cũng ít người được đi học như cậu bé Hạc. Gia đình ông có điều kiện kinh tế, tuy nhiên ông vẫn tự học tập và đạt thành tích xuất sắc trong suốt những năm tháng theo học ở các trường lớp khác nhau. 

Sự học thời bấy giờ của thế hệ ông thường bị gián đoạn và có những gian khó bởi chiến tranh. Sau 6 năm học trường kiêm bị và tiểu học, việc học của cậu bé Hạc bị gián đoạn và ông đã làm “văn phòng” (một công việc của người biết chữ, may mắn được học hành), rồi làm tuyên truyền xung phong. Đến năm 1954 Phạm Minh Hạc học xong cấp 3 và trở về Hà Nội thi vào Đại học Văn khoa. Lúc đó, cả Hà Nội chỉ có 3 trường đại học là Đại học Văn khoa (sau này là Đại học Sư phạm), Đại học Khoa học và Đại học Y Dược. Học đại học tại Hà Nội được 1 năm thì Phạm Minh Hạc được nhà trường cử đi học nước ngoài, cùng với 3 sinh viên ưu tú khác, lúc đó Phạm Minh Hạc 20 tuổi và ông sang Liên Xô học tập tiếp chuyên khoa Giáo dục học (tại Trường Đại học Sư phạm Ma-xcơ-va), rồi sau đó chuyển sang chuyên ngành Tâm lý học (tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ma-xcơ-va). Đến 1962 ông trở về nước công tác 6 năm, sau đó tiếp tục đi làm nghiên cứu sinh, làm luận án tiến sĩ khoa học. Lần cuối cùng đi học từ Liên Xô trở về là năm 1977, ông đã trải qua 26 năm để đi học và luôn học tập xuất sắc. 

Lớp học thời kháng chiến Ảnh: Tư liệu
Lớp học thời kháng chiến    Ảnh: Tư liệu

Những người thầy tận tụy

Tìm về những ký ức, GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết thời đi học của ông không có chuyện học thêm. Các học sinh đều giống nhau là chỉ học theo những kiến thức trên lớp. Học, kiểm tra, thi lên lớp; ai học kém thì phải “đúp”; học khá, giỏi thì có bằng được phê hẳn nhận xét của giáo viên, nhà trường vào đó. Từ tiểu học, dù học ở một “trường tiểu học chưa hoàn chỉnh” như trường kiêm bị, hay sau này học lên cấp 2, cấp 3, đại học, thì ấn tượng GS.VS Phạm Minh Hạc nhớ lại là thời đó đều có chương trình học, học tập, thi cử rất nghiêm túc. 

Có một ban liên lạc học sinh cũ của trường kiêm bị Thanh Trì ngày trước - khi ông theo học những lớp học đầu tiên của thời đi học. Ban liên lạc này hoạt động suốt nhiều chục năm, là nơi gặp gỡ của các thế hệ học sinh như ông, qua đó ông thấy rằng ký ức trong nhiều người vẫn lưu rõ hình ảnh những thầy cô tận tụy và nghiêm túc, sự gắn bó với thầy cô và bạn bè trong học sinh thời của ông rất sâu sắc. 

“Tôi vẫn nhớ những người thầy thời ấy rất hiền, dạy cẩn thận, nhiệt tình và ân cần với học sinh. Trước đây, thời tôi đi học, khi nhận xét về giáo viên người ta ít nói đến từ “nhiệt tình”. Nhưng đó là hình ảnh rất rõ nét khi nhớ về những người thầy thời tôi đi học. Sau này và  nhất là gần đây, khi nghe nói đến những người thầy với hình ảnh không đẹp, thì thế hệ chúng tôi nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Những người thầy thời tôi đi học là những người luôn gương mẫu, chuẩn mực.”- Ông nhớ lại. Trong những người thầy thời đó, có người vào lớp thì hay hỏi học sinh nhiều, có thầy vào lớp nghiêm khắc hơn những người thầy khác. Nhưng cảm nghĩ chung mà ông nhớ là các thầy giáo luôn dạy cẩn thận, hết lòng vì học sinh.

Tình thầy trò

“Trong số các thầy giáo mà tôi nhớ khi quay trở lại học tiếp tiểu học vào năm 1949, sau mấy năm gián đoạn, có một thầy vừa là hiệu trưởng vừa dạy lớp 4. Thầy Mộng Kính của tôi” - GS.VS Phạm Minh Hạc kể lại - sau đó lại trở lại gọi là “thầy” xưng “con”. Thầy Kính đã nuôi nhiều học sinh và coi học sinh như con. Suốt 60 năm thầy trò giữ quan hệ gắn bó. Khi đã là Bộ trưởng, GS. VS Phạm Minh Hạc vẫn đến thăm thầy cũ và gọi “thầy” xưng “con” để bày tỏ sự kính trọng. Thầy của ông dù tuổi cao, nhưng ông vui sướng vì thầy đã chống ba- toong đến thăm học trò. Dù ông làm qua nhiều vị trí công tác, nhưng tình thầy trò vẫn vẹn nguyên. 

Thời GS.VS Phạm Minh Hạc đi học, có một không khí quyết tâm của cả xã hội ảnh hưởng tới thái độ và ý thức của học sinh và giáo viên. Đó là học tập và công tác với một quyết tâm cao, trước là kháng chiến chống Pháp, sau là chống Mỹ. Không khí ấy đã dội vào nhà trường, khiến tất cả mọi người đều cố gắng phấn đấu dạy tốt, học tốt.

Mối quan hệ thầy - trò không hề hời hợt, cho đến tận hôm nay, khi đã ở tuổi ngoài thất thập, nhưng học trò Phạm Minh Hạc vẫn giữ liên lạc với một số người thầy của mình. Đó là PGS Bùi Ngọc Hồ (nguyên giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục) là giáo viên dạy văn lớp 6, lớp 7 của GS.VS Phạm Minh Hạc. Đó là thầy giáo Hinh dạy môn Sử thời phổ thông. Đó là thầy Hoan dạy môn Công dân. Đó là thầy Cảnh dạy Toán... GS.VS Phạm Minh Hạc có nhận xét rằng, trong kháng chiến, điều kiện sống và công tác của các thầy cô rất là nghèo. Những người thầy dạy ông thời ấy có khi chỉ nhận được mấy chục cân gạo mỗi tháng mà không có thêm tiền hay khoản thu nhập gì khác. “Lương” của thầy được trả bằng gạo. Nhưng có những thầy cô phải nuôi cha mẹ già, con nhỏ, có thầy còn nuôi cả học trò. Tuy nhiên, trong khó khăn về vật chất như vậy, nhưng thầy nào cũng rất tận tình với học sinh. 

“Các thầy dạy giờ nào học sinh chúng tôi cũng thấy thỏa mãn. - GS.VS Phạm Minh Hạc nhớ lại - Những giờ học trên lớp rất thực chất. Học sinh chúng tôi thời bấy giờ không có coi thường môn nào hơn môn nào. Học môn Công dân, môn Sử, Địa, Toán hay Văn cũng đều được coi trọng, người thầy nào cũng đều được học sinh tôn trọng. Thêm nữa, thầy cô thời đó rất gần gũi với học trò. Chẳng hạn, ngày nghỉ, hay ngoài giờ học thì học trò có thể đến gặp thầy hỏi chuyện rất là dễ dàng, gặp bài khó hay thắc mắc về bài học gặp thầy cô để hỏi bài cũng rất là thoải mái. Mặc dù đi học tản cư, học trong thời kỳ chiến tranh, những giờ lên lớp các thầy rất nghiêm khắc, nghiêm túc với học sinh, giờ học nào của thầy giáo nào tôi cũng thấy hay cả...”. 

GS.VS Phạm Minh Hạc cũng không quên ngày đó nơi ông học cấp 2 có thầy Cương hiệu trưởng là lớn tuổi hơn tất cả các thầy cô, thầy sức yếu lắm, nhưng dạy Toán cực hay. Lớp học nơi sơ tán vào ban đêm, mỗi học sinh mang theo đến lớp một cái bàn con tự đóng và một cái đèn dầu. Lớp học tối om, nhưng tất cả học trò đều ngồi học ngay ngắn. Thầy Cương yếu đến mức không thể đứng hay ngồi để dạy, thầy phải nằm. Thầy dạy không có giấy tờ (bài soạn gì cả), chỉ đọc lên những bài Toán để học trò chép và làm... Tuy vậy thầy rất nghiêm, lớp học yên phăng phắc khi thầy giảng bài. Học trò ai ai cũng kính trọng thầy. Nếu có học trò nào chưa hiểu bài muốn hỏi thầy cũng rất dễ dàng. Thầy là hiệu trưởng nhưng không có khoảng cách gì với học trò. 

Dạy và học với  một tinh thần chung

Học trò thời đó mới học cấp 2, nhưng có thể đã 15 tuổi như học trò Phạm Minh Hạc, có những học trò khác tuổi còn lớn hơn. Tuy nhiên, học trò nào cũng học tập nghiêm túc và kính trọng thầy giáo. Quan hệ giữa thầy - trò thì gắn bó như thế, tình hình nhà trường và học sinh học tập trong chiến tranh gian khó như thế. Đạt hiệu quả hơn hết là tất cả học sinh đều tự động, tự giác, chủ động để học tập. Tất cả học sinh đều sinh hoạt trong Hiệu Đoàn. Rồi học sinh tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc... Tất cả các hoạt động của học sinh, của Đoàn viên đều hết sức chủ động, không có ai phải nhắc nhở, không có giáo viên chủ nhiệm như sau này. Tự giác mà các hoạt động vẫn diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả. 

Thời GS.VS Phạm Minh Hạc đi học, có một không khí quyết tâm của cả xã hội ảnh hưởng tới thái độ và ý thức của học sinh và giáo viên. Đó là học tập và công tác với một quyết tâm cao, trước là kháng chiến chống Pháp, sau là chống Mỹ. Không khí ấy đã dội vào nhà trường, khiến tất cả mọi người đều cố gắng phấn đấu dạy tốt, học tốt.

An Nhiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ