PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế: Sớm thay đổi và hình thành hệ thống học liệu số
PGS.TS Huỳnh Văn Chương |
Để có thể phát triển mô hình đại học chia sẻ hiện nay ở Việt Nam cần làm một số vấn đề sau:
Trước hết, sớm thay đổi và hình thành hệ thống học liệu số trong các trường đại học ở Việt Nam thay cho học liệu đóng và tài liệu giấy như hiện nay. Liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện đại học là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam.
Thư viện của các trường đại học cần nhanh chóng kết hợp với nhau để trở thành hệ thống học liệu số, tri thức số. Cùng hợp tác và mua quyền truy cập theo nhóm sẽ giúp các thư viện tiếp cận được nhiều nguồn thông tin với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Cần có một đầu mối dẫn dắt có thể theo khối ngành, khối trường đại học.
Tiếp đó, cần kết nối các trường đại học với nhau về chia sẻ đội ngũ giảng viên giỏi để sinh viên của trường đại học này có thể được học một số môn xương sống của ngành học với các thầy, cô giáo giỏi của trường khác và ngược lại. Sinh viên có thể học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp.
Giải pháp trước hết là các cơ sở đại học cùng nhóm ngành, khối ngành cần ngồi với nhau và hình thành được mạng lưới cơ sở dữ liệu chia sẻ giảng viên giỏi cho từng môn học, nhất là môn học chủ lực và có tính dẫn dắt ngành, rất cần thầy giỏi để có được đầu ra đạt chuẩn chương trình đào tạo cho sinh viên.
Bộ GD&ĐT với vai trò quản lý Nhà nước về giáo dục đại học và kiến tạo cho các trường đại học phát triển, cần có chính sách và thống nhất giao cho một số cơ sở đào tạo đại học theo nhóm, khối ngành xây dựng và triển khai thí điểm mô hình đại học sẻ chia để làm cơ sở phát triển toàn hệ thống trong thời gian tới.
TS Hồ Văn Thống (Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp): Cần đổi mới quản trị nhà trường
TS Hồ Văn Thống |
Mô hình đại học chia sẻ vẫn còn một số rào cản như chậm thay đổi tư duy ở các trường; tâm lý sợ áp lực cạnh tranh; mức độ liên thông giữa các chương trình đào tạo; mức độ tự chủ của các trường… Đây là khó khăn chung khi chuyển đổi mô hình hoạt động, hoặc khi bắt đầu triển khai những chương trình dự án mới. Để khắc phục rào cản này, trước hết cần xác định được “nguyên nhân cội nguồn”, then chốt của từng rào cản. Sau đó, tùy trường hợp cụ thể trên cơ sở xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cơ hội của từng trường mà có hệ thống giải pháp phù hợp. Theo ý kiến cá nhân, đổi mới quản trị nhà trường là một giải pháp căn cơ.
Làm sao để mô hình đại học sẻ chia phát triển? Trước hết, các trường có bước chuẩn bị nội lực để sẵn sàng tham gia chuỗi liên kết giáo dục đại học. Trong đó có việc tiếp tục cải cách tổ chức quản trị, tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Các trường đại học cùng nhau hiệp lực xây dựng “hệ sinh thái đại học chia sẻ” với tầm nhìn, mục tiêu chung. Đồng thời, có những thỏa ước tập thể, tổ chức ký kết hợp tác ghi nhớ về việc công nhận chương trình đào tạo với nhau, công nhận tín chỉ của người học tích lũy ở các trường, chia sẻ nguồn lực, học thuật, học liệu và đội ngũ trên những ràng buộc chung về chất lượng…
Tiếp tục phát huy tính hiệu quả tích cực của mô hình “Câu lạc bộ các trường đại học”, “Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học” với sự luân phiên làm Chủ nhiệm giữa các trường, hiệu trưởng để hiện thực hóa việc xây dựng “hệ sinh thái đại học chia sẻ” phát triển thực chất và mang tính bền vững.
PGS.TS Bùi Văn Hồng (Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM): Thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở
PGS.TS Bùi Văn Hồng |
Mục tiêu của giáo dục đại học chia sẻ là giảm chi phí cho cơ sở giáo dục và sinh viên trong xu hướng tự chủ, qua đó giảm học phí. Các cơ sở giáo dục đại học có thể chia sẻ lẫn nhau về giảng viên, giáo trình, dữ liệu, phòng thí nghiệm, thiết bị, cơ sở hạ tầng, thư viện…
Dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hiện nay, để phát triển mô hình giáo dục đại học chia sẻ ở Việt Nam, các cơ sở giáo dục cần thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở, liên thông để có thể chuyển đổi tín chỉ lẫn nhau; phát triển dạy học số và công nhận kết quả học các khóa online, khóa học MOOC; tăng cường hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ; tạo cơ chế thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học chia sẻ.
TS Trần Đình Lý (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM): Triển khai trên một khung pháp lý đầy đủ
TS Trần Đình Lý |
Để thúc đẩy mô hình đại học chia sẻ lan tỏa mạnh mẽ, tạo được điểm sáng rõ rệt trong giai đoạn đầu ở một vài nhóm ngành, khối ngành đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ GD&ĐT phải sớm ban hành quy định, quy chế để áp dụng cho chương trình sẻ chia. Trong đó, chương trình đào tạo áp dụng sẻ chia nên được kiểm định chất lượng như nhau. Thống nhất và tương đồng với nhau cả về mặt khung thời gian đào tạo, chuẩn đầu ra cho đến tiêu chuẩn và điều kiện học tập của người học.
Mô hình đại học chia sẻ xét ở góc độ rộng trong bối cảnh xu thế tự chủ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, rất đáng để nghiên cứu, thống nhất và triển khai trên một khung pháp lý đầy đủ. Bởi chỉ khi có định hướng, thể chế và quy phạm nhất định trong từng thành phần thực hiện, các trường sẽ dễ dàng đối sánh và hướng đến định lượng tối thiểu hoặc tối đa để tương thích, liên kết với nhau hơn. Qua đó, thúc đẩy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc khai thác thế mạnh nội tại của từng đơn vị.
Sự đồng thuận, liên kết trên nền tảng đồng ý tự nguyện của người học được thể chế và cụ thể bằng những quy định… sẽ phát huy triệt để các giá trị học thuật, chất lượng đào tạo và cả việc nâng tầm đối sánh với hệ thống giáo dục đại học nước ngoài.
Theo TS Lý Thiên Trang (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM), có thể triển khai thí điểm mô hình đại học chia sẻ ở ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và 3 đại học vùng: Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế để tận dụng nguồn lực các đại học thành viên và với cấu trúc hiện tại cũng dễ áp dụng.