Trách nhiệm giải trình về chi phí đào tạo, mức thu học phí bậc Đại học

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Ninh Thuận cho rằng, do việc thực hiện tự chủ ở các trường đại học (ĐH) nên học phí tại một số trường ĐH hiện nay quá cao, gây khó khăn cho nhiều gia đình có con em học ĐH.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Đây là căn cứ pháp lý để các trường ĐH mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH, gắn chặt giữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, trong đó có trách nhiệm giải trình về chi phí đào tạo và mức thu học phí.

Theo quy định tại Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, cơ sở GDĐH được thực hiện tự chủ khi đáp ứng các điều kiện sau:

Đã thành lập hội đồng trường, hội đồng ĐH - được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

Đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính; quy chế, quy trình, quy định quản lý nội bộ khác và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn do Nhà nước quy định;

Thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở GDĐH;

Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Trong kỳ tuyển sinh năm học 2020 - 2021, lộ trình tăng học phí của một số trường ĐH công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản đều được công bố, thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và phương tiện thông tin đại chúng trước kỳ tuyển sinh để xã hội, phụ huynh và thí sinh biết khi đăng ký xét tuyển. Mặc dù vậy, việc tăng học phí cao hơn so với các năm học trước cũng làm cho một số gia đình có con em có nguyện vọng học ĐH tại các trường này gặp khó khăn. Tuy nhiên, lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường ĐH áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực tế, cùng với việc tăng học phí, kỳ tuyển sinh năm nay, các trường tự chủ cũng sử dụng nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, học phí, tín dụng để hỗ trợ  sinh viên.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định quy định khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục công lập; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2021 - 2022 (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP). Theo đó, mặc dù các cơ sở GDĐH tự chủ tài chính, có lộ trình tăng học phí nhưng vẫn phải bảo đảm mức học phí trong khung giá dịch vụ GD-ĐT theo quy định của Chính phủ hoặc phương án tự chủ tài chính phải được cơ quan chủ quản phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ tướng Israel Netanyahu thăm đơn một vị trước khi tiến quân vào Gaza.

Cuộc chiến bảy mặt trận năm 2024

GD&TĐ - Khủng hoảng Trung Đông do cuộc tấn công của Hamas vào Israel tháng 10/2023 và cuộc tấn công của Tel Aviv vào Gaza vẫn chưa hề lắng xuống.