Hàng loạt trường đại học, cao đẳng tại TPHCM đang gặp khó khăn về thủ tục cấp quyền sử dụng đất, chờ giao đất để đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ việc giảng dạy và học tập. Ở một số trường, tiền đầu tư đã sẵn sàng, nhưng vẫn còn phải chờ “cơ chế”.
Chật vật chờ… gỡ vướng
Trường Đại học Bách khoa TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM) đang có vướng mắc rất lớn về đất đai tại cơ sở Lý Thường Kiệt (Quận 10, TPHCM). Cụ thể, cơ sở này có tổng diện tích hơn 140 nghìn m2, được chia làm 3 khu, mỗi khu có lối đi riêng. Trong đó, khu 1 diện tích khoảng 1.900 m2 và khu 3 diện tích khoảng 6.300m2.
Cả hai khu đã được bố trí làm khu tập thể cán bộ, giảng viên từ rất lâu. Riêng khu 2 chiếm phần lớn diện tích với hơn 131,8 nghìn m2, đang sử dụng làm văn phòng, giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, khu thể dục thể thao, giao thông... phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo.
Do các vướng mắc về giao và quản lý đất nên đến nay nhà trường chưa được cấp quyền sử dụng đất, kéo theo các vấn đề vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Đặc biệt, các công trình xây dựng lâu đời hiện bị xuống cấp nhưng không thể điều chỉnh quy hoạch, xin giấy phép xây dựng cho các công trình mới (khu giảng đường, nhà xưởng, phòng thí nghiệm) và các cơ sở hạ tầng khác.
Trường Đại học Tài chính - Marketing (TPHCM) gặp tình trạng có tiền nhưng không thể đầu tư. Lý do, vướng các vấn đề liên quan phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng cho biết, với diện tích đất lớn, Trường Đại học Tài chính - Marketing mong muốn đầu tư xây dựng thêm các giảng đường, các nhà thi đấu đa năng… nhưng cũng đang gặp vướng do liên quan đến quy hoạch 1/2.000 của thành phố.
“Trường tôi nhận một cơ sở ở phường Long Trường (TP Thủ Đức) rộng khoảng 8 ha, đầu tư bài bản rồi, nhưng tuyến đường đi vào trường hiện rất vướng. Chỉ là một cái ngõ 3,5m, trường sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư con hẻm đi vào này, nhưng cơ chế không cho phép” - PGS.TS Phạm Tiến Đạt nêu thực tế.
Tương tự, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thủ tục xác định giá đất và thủ tục đầu tư của khu mở rộng tại cơ sở Tân Phong (Quận 7). Do vướng các thủ tục pháp lý nên nhà trường đã tạm dừng đầu tư xây dựng thêm các công trình, làm ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển cơ sở vật chất ngày càng tăng của trường.
Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng vướng mắc về đất đai. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng thông tin, diện tích đất mà trường đang sở hữu và hoạt động hiện nay hơn 6,6ha. Trong đó, đất sở hữu và góp vốn của trường có khoảng 5,6 ha; đất trường thuê trung và dài hạn gần 1ha.
Quỹ đất trường xin quy hoạch để xây dựng trường đại học ở khu vực Tây Bắc (huyện Củ Chi) là 5,22 ha; khu vực Tây Nam (Quận 8) là 5,41 ha. Về vốn đầu tư, nhà trường cũng đã chuẩn bị hơn 1.914 tỷ đồng, đảm bảo nguồn vốn, kinh phí thành lập Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay (gần 5 năm kể từ ngày có quyết định về chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học Đại Việt Sài Gòn của Thủ tướng Chính phủ), các thủ tục của UBND TPHCM để có quyết định giao 2 khu đất vẫn chưa hoàn tất.
Nguyên nhân do đang tiến hành rà soát dự án để đảm bảo pháp lý và đang triển khai các bước theo đúng quy định hiện hành của luật Đất đai 2013 và các quy định có liên quan khác.
Cần “gỡ vướng” cho các trường
Trước những khó khăn không dễ tháo gỡ tại cơ sở Lý Thường Kiệt, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) kiến nghị bàn giao khu 3 (rộng 6.300m2) đất cho địa phương quản lý. Sau đó, lập phương án kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu chung cư cao tầng để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân tại khu tập thể cán bộ, giáo viên.
Đối với khu 2 (rộng hơn 131,8 nghìn m2), Trường Đại học Bách khoa kiến nghị, bàn giao khu đất này cho trường quản lý và sử dụng. Trường sẽ thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất này theo quy định.
Riêng đối với khu 1 (rộng 1.900m2), bàn giao khu đất này cho địa phương quản lý. Sau khi khu 3 thực hiện phương án tái định cư sẽ di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu 1 sang khu 3 để bố trí tái định cư. Sau đó, sẽ giao khu 1 về cho Trường Đại học Bách khoa quản lý và thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất này theo quy định.
“Vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên trường chưa thể tổ chức quy hoạch, làm cơ sở để tiến hành đầu tư xây dựng, mà chỉ có thể thực hiện công tác sửa chữa tạm thời. Do đó, kiến nghị các cấp lãnh đạo Trung ương nghiên cứu tháo gỡ và hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết để nhà trường nhanh chóng được cấp quyền sử dụng đất. Đây là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến các vấn đề về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất của nhà trường”, đại diện Trường Đại học Bách khoa kiến nghị.
Phía Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng kiến nghị các sở, ban, ngành TPHCM hỗ trợ, hướng dẫn nhà trường sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý như: Vướng mắc trong thủ tục xác định giá đất và thủ tục đầu tư của khu mở rộng tại cơ sở Tân Phong. Từ đó, nhà trường có cơ sở sớm triển khai đầu tư xây dựng các công trình mới.
Liên quan đến khó khăn của các trường cao đẳng, đại học, tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM, Phan Văn Mãi đề nghị các trường có vướng mắc, khó khăn về các thủ tục đất đai, đầu tư… gửi thông tin về Văn phòng UBND thành phố tổng hợp trình lãnh đạo chỉ đạo giải quyết.
“Trước mắt, TPHCM cần vận dụng các cơ sở pháp lý hiện có, trong đó vận dụng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để áp dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội, Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 84 của Chính phủ để triển khai gỡ các vướng mắc”, ông Mãi nói.
Tại TPHCM có nhiều dự án diện tích lớn còn gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa được thực hiện: Khu đô thị Đại học Hưng Long tại Bình Chánh (511 ha); Khu Đại học Long Phước tại TP Thủ Đức (hơn 172 ha); Khu đô thị Đại học Quốc tế VIUT tại huyện Hóc Môn (khoảng 306 ha); Khu giáo dục tập trung xã Long Thới, huyện Nhà Bè (khoảng 151 ha),... làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục theo các quy hoạch của TPHCM.