Gỡ nút thắt

GD&TĐ - Khoa học công nghệ (KHCN) là một trong hai hoạt động cốt lõi của cơ sở giáo dục ĐH. Thúc đẩy hoạt động KHCN, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học là yêu cầu thường xuyên để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục ĐH đang là nòng cốt trong hoạt động KHCN ở nước ta. Báo cáo khảo sát tiềm lực KHCN của các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011 - 2016 trên cơ sở phân tích số liệu 142 trường ĐH, viện nghiên cứu thấy rằng, các trường ĐH, viện nghiên cứu cung cấp hơn 90% nhân lực KHCN trong cả nước; 10% còn lại được đào tạo ở nước ngoài. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc danh mục Scopus của Việt Nam tăng 6,5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009 lên  11.461 bài năm 2019…

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn có hạn chế, bất cập. Không ít cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động này, trong khi đây là động lực và cơ sở chính để nâng cao chất lượng đào tạo. Một số nguyên nhân của tình trạng trên từng được nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chỉ ra: Tiềm lực của các trường ĐH còn mỏng, đầu tư cho hoạt động KHCN hạn chế, dàn trải… Kết quả hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt là sản phẩm được hình thành từ các chương trình nghiên cứu khoa học do ngân sách Nhà nước cấp vốn lại được xem như “tài sản công”. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã và đang phải sửa đổi bởi có bất cập, không khuyến khích thương mại hóa, chuyển giao công nghệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH sau nhiều năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH chỉ là thông tư của Bộ GD&ĐT nên hiệu lực đối với các cơ sở giáo dục ĐH chưa cao; chưa nói có những nội dung trong thông tư này cũng đã lỗi thời.

Có thể nói, sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong chủ trương, chính sách; cơ chế khuyến khích chưa đủ mạnh, thủ tục hành chính phức tạp là nguyên nhân chính cản trở hoạt động KHCN, cũng như đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam hiện nay.

Chính vì những lý do trên, Điều 42 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ. Theo đó, Nhà nước tập trung đầu tư phát triển tiềm lực KHCN, tạo cơ chế chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH phục vụ phát triển đất nước; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm khu vực và quốc tế. Chính phủ quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH.

Quy định đó cần được thể hiện trong một Nghị định mới về hoạt động KHCN. Việc xây dựng Nghị định này là cần thiết trong bối cảnh tự chủ ĐH hiện nay, khi các bộ ngành thực hiện quản lý hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc bằng Luật KHCN, Nghị định hướng dẫn Luật KHCN, cũng như văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành ban hành.

Đáp ứng yêu cầu đó, Bộ GD&ĐT đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH. Nghị định khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất về hoạt động, cũng như phát triển tiềm lực KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH. Hy vọng, Nghị định sẽ đưa ra quy định thống nhất, mang tính đột phá để thúc đẩy toàn diện hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH; khắc phục được những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH thời gian qua. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ