Gỡ khó trong giảng dạy phòng, chống tham nhũng

GD&TĐ - Dù còn khó khăn, nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã nỗ lực đa dạng hóa nội dung, làm phong phú thêm hình thức giảng dạy, phòng chống tham nhũng.

Tiết học của học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây.
Tiết học của học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây.

Linh hoạt trong truyền đạt kiến thức

Tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm cơ sở TPHCM và Bình Dương, ngoài lồng ghép vào môn Giáo dục kinh tế - pháp luật, Giáo dục công dân theo hướng dẫn, nội dung phòng, chống tham nhũng còn được nhà trường truyền tải qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm hay tổ chức các hội thi: Tìm hiểu, tuyên truyền pháp luật; kể chuyện về Bác Hồ...

Ngoài ra, các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Quốc phòng - An ninh… cũng chọn lọc nội dung về phòng, chống tham nhũng để triển khai giúp học sinh nhận thức các vấn đề hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng.

Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) đã đưa việc giáo dục phòng chống tham nhũng vào giảng dạy nhiều năm nay. Ngoài lồng ghép vào bộ môn Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế - pháp luật, việc giáo dục phòng chống tham nhũng còn được đưa vào các giờ ngoại khóa, hoạt động ngoài trời, trao đổi nhóm giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh, phụ huynh.

Ngoài ra, hàng năm, nhà trường còn phối hợp với Đoàn Thanh niên phường Linh Xuân (TP Thủ Đức) tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề phòng, chống tham nhũng.

Cô Trần Thị Minh Đức, Phó Hiệu trường Trường THPT Đào Sơn Tây cho biết, nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

“Thông qua các hoạt động, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về Luật Phòng chống tham nhũng, biết tham nhũng là gì, biểu hiện ra sao, các em có thái độ ứng xử thế nào trước những hành vi tham nhũng và tác hại mà tệ nạn này gây ra cho xã hội...”, cô Đức chia sẻ.

Tại Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức), cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên môn Giáo dục công dân chia sẻ, trong quá trình giảng dạy giáo viên đã lồng ghép, tích hợp những nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng giới thiệu đến học sinh. Với bộ môn Giáo dục công dân ở cấp THPT, nội dung phòng chống tham nhũng được tích hợp khá nhiều.

Riêng ở lớp 12 có 3 bài liên quan nên nội dung này gồm: Bài 2 “Thực hiện pháp luật”, bài 3 “Công dân bình đẳng trước pháp luật” và bài 7 “Công dân với các quyền dân chủ”. Bám sát nội dung này, giáo viên lồng ghép, liên hệ các câu chuyện nói về kiến thức bài học trong thực tiễn sau đó để học sinh rút ra bài học.

“Chẳng hạn như tại bài 3 “Công dân bình đẳng trước pháp luật”, tôi đã tích hợp nội dung: Pháp luật có phân biệt đối xử trong việc truy cứu trách nhiệm pháp lý giữa các công dân vi phạm pháp luật do tham nhũng và những công dân vi phạm pháp luật khác hay không?. Từ đó đưa ra kết luận người vi phạm pháp luật do tham nhũng dù ở bất kì cương vị, chức vụ nào cũng phải đều chịu trách nhiệm pháp luật như mọi người khác.

Ngoài ra, từ nội dung trong sách giáo khoa, tôi còn sưu tầm và tổ chức cho học sinh đọc thêm những câu chuyện về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó giúp các em hình dung và nhận thức được các khái niệm về liêm khiết, chí công vô tư…”, cô Hồng phân tích.

Nội dung phòng, chống tham nhũng được Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở Bình Dương) truyền tải qua các hoạt động trải nghiệm.

Nội dung phòng, chống tham nhũng được Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở Bình Dương) truyền tải qua các hoạt động trải nghiệm.

Bổ sung tài liệu giảng dạy

Thầy Huỳnh Linh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết, trong các tiết học phòng chống tham nhũng, học sinh được tham gia vào bài giảng với vai trò chủ động nhất, các em được nói lên hiểu biết, suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan đến tham nhũng, nhận biết được biểu hiện của tham nhũng gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, nhưng quan trọng nhất là học sinh có ý thức xây dựng con người trung thực, tự trọng, biết tôn trọng tập thể, có tinh thần yêu nước và dũng cảm đấu tranh tố giác cái xấu.

“Giáo dục phòng, chống tham nhũng trong nhà trường là nội dung cần được giáo dục thường xuyên vì vậy cần thêm nhiều tài liệu hướng dẫn và sự tính toán, phối hợp nhiều bộ môn để xây dựng, triển khai các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa một cách đồng bộ, hiệu quả.

Tuy nhiên, giáo viên phải thận trọng khi chọn lọc các dẫn chứng, câu chuyện thực tế để đưa vào bài học. Một bài dạy cần biên soạn thận trọng, ngoài những nội dung cơ bản về tham nhũng như: Khái niệm, nguyên nhân, tác hại, biện pháp phòng, chống, trách nhiệm của học sinh... thì việc lồng ghép những câu chuyện thực tế về tham nhũng phải tinh tế để các em góc nhìn đa chiều về cuộc sống nhưng cũng biết tiếp cận thông tin một cách văn minh và không mất niềm tin vào xã hội, thiếu tôn trọng người lớn”, thầy Sơn chia sẻ.

Tương tự, cô Phạm Thị Thanh Ngoan, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) nhận định, nội dung phòng chống tham nhũng hiện mới chỉ lồng ghép, thời lượng ít, không có kiến thức đồng bộ thống nhất. Chính vì vậy dẫn đến việc mỗi giáo viên khai thác và dạy một kiểu khác nhau. Bên cạnh đó, thời lượng dạy ít nên những gì cần trang bị cho học sinh còn chưa được nhiều…

“Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần biên soạn và cấp tài liệu, thông tin chính thống về các sự kiện, nhân vật, bằng chứng vi phạm tham nhũng để giáo viên có minh chứng khi dạy. Có được tư liệu dạy học đồng bộ, thời lượng hợp lý, giáo viên sẽ chủ động hơn trong việc chuyển tải nội dung phòng chống tham nhũng đến học sinh. Ngoài ra cần ban hành hướng dẫn việc dạy học tích hợp phòng chống tham nhũng đối với môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật của Chương trình GDPT 2018”, cô Ngoan đề xuất.

Cô Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Dù tích hợp hay lồng ghép, mục đích cuối cùng vẫn là sự thay đổi nhận thức, truyền cảm hứng cho học sinh theo những hành vi tích cực. Việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy ở trường học hữu ích, qua đó góp phần giáo dục học sinh tự mình tu dưỡng, rèn luyện những đức tính tốt, không tham lam, lãng phí. Đồng thời, các em biết được những hành vi xấu mà xa lánh, tránh vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.