Sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá giáo viên - cần cái nhìn đa chiều

GD&TĐ - Nhiều nhà giáo ủng hộ việc bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm theo phong trào, nhưng vẫn mong có chính sách để khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để nâng cao tay nghề.

Mỗi giáo viên không thể thiếu sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy nhằm thúc đẩy sự đam mê sáng tạo cho học sinh. Ảnh minh họa
Mỗi giáo viên không thể thiếu sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy nhằm thúc đẩy sự đam mê sáng tạo cho học sinh. Ảnh minh họa

Yêu cầu cứng nhắc sẽ dẫn đến hình thức, sao chép

Theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP, một trong những tiêu chí để đánh giá viên chức không giữ chức vụ quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là phải có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, từ 20/8/2020, khi Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành, yêu cầu này không còn. Điều đó có nghĩa, đánh giá, xếp loại viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ không cần có sáng kiến kinh nghiệm.

Sự thay đổi nói trên được các nhà giáo ủng hộ, bởi yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm trong những năm qua đã nảy sinh nhiều bất cập; nhiều sáng kiến làm cho có, hình thức, sao chép… Không ít thầy cô dạy giỏi, chuyên môn tốt, được học sinh yêu quý nhưng vì không có sáng kiến kinh nghiệm nên không được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, từng là giáo viên tiêu biểu toàn quốc, NGƯT Tô Ngọc Sơn (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) ủng hộ việc bỏ yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá, xếp loại viên chức nói riêng, giáo viên nói chung, bởi trên thực tế quy định này chưa có giá trị cao trong thúc đẩy nhà giáo nâng cao tay nghề, phát triển chuyên môn. 

“Khi thực thi nhiệm vụ có bao giờ mọi người nghĩ rằng làm để viết sáng kiến kinh nghiệm không? Không phải thầy cô nào cũng có thể viết thành một sáng kiến kinh nghiệm tốt, thể hiện được đầy đủ hiệu quả công việc mình đã làm; rồi yêu cầu cứ mỗi năm một sáng kiến. Công việc giáo viên ngày một nhiều, giảng dạy, quản lý học sinh, soạn giáo án, chấm chữa bài, tham gia hoạt động chuyên môn…; xử lý, ứng phó với rất nhiều tình huống nảy sinh, thêm viết sáng kiến kinh nghiệm thì một bộ phận nghĩ đến sao chép là khó tránh khỏi. Nhiều năm qua, không biết bao sáng kiến kinh nghiệm được viết ra, nhưng có mấy sáng kiến được lan tỏa, đi vào thực tế cuộc sống?” – NGƯT Tô Ngọc Sơn trăn trở.

Sáng kiến của mỗi giáo viên chính là sự phát triển khả năng học tập và sáng tạo cho trẻ.
Sáng kiến của mỗi giáo viên chính là sự phát triển khả năng học tập và sáng tạo cho trẻ.

“Quy định về sáng kiến kinh nghiệm bất cập từ nhiều góc độ” – đó là nhận định của thầy Dương Khánh Toàn, Trường THPT Quang Hà (Vĩnh Phúc). Theo giáo viên này, khi áp tiêu chuẩn sáng kiến kinh nghiệm đã nảy sinh hàng loạt vấn đề. Ví dụ, có sáng kiến mang tính trình diễn lại bảo đảm đầy đủ tiêu chí; nhưng sáng kiến dù ngắn gọn nhưng thiết thực trong thực tế lại không đạt yêu cầu về kết cấu. Thành ra người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sáng kiến kinh nghiệm lại không đạt; người làm việc bình bình nhưng chau chuốt sáng kiến kinh nghiệm lại qua cửa xét duyệt. Xếp loại viên chức và thi đua vì thế chưa thuyết phục. “Tôi từng có một sáng kiến kinh nghiệm viết 5 trang nên khi chấm không đạt. Thế nhưng, cũng nội dung này khi in thành sách lại được bạn đọc hoan nghênh, chia sẻ” - thầy Toàn lấy ví dụ từ câu chuyện của chính mình.

Mặc dù vậy, thầy Dương Khánh Toàn vẫn giữ quan điểm cá nhân: Viên chức xuất sắc cần có sáng kiến kinh nghiệm. Tất nhiên không phải mỗi năm phải có một sáng kiến. Sáng kiến kinh nghiệm cần tích lũy qua quá trình và được bổ sung hàng năm cho phù hợp với yêu cầu công việc. 

Đánh giá về sáng kiến kinh nghiệm: Hãy nhìn cả 2 chiều

32 năm công tác trong ngành Giáo dục và là giáo viên giỏi, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) thấy rõ những hạn chế trong việc viết sáng kiến kinh nghiệm. “Một số giáo viên vì thành tích nên đã sao chép sáng kiến. Và vì không có giá trị áp dụng nên sáng kiến viết ra chỉ để phục vụ cho một việc là chấm điểm thi đua” – đưa nhận định này, cô Dung cũng cho rằng, nhìn ở mặt khác, việc viết sáng kiến kinh nghiệm tạo cơ hội cho các giáo viên tâm huyết trình bày nghiên cứu, sáng kiến của mình. Không phủ nhận có những sáng kiến kinh nghiệm rất hay, có sức lan tỏa, giúp bản thân người viết và đồng nghiệp nâng cao tay nghề.

Thầy và trò Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trao đổi nội dung kiến thức. Ảnh: IT
Thầy và trò Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trao đổi nội dung kiến thức.  Ảnh: IT

Liên quan đến nội dung này, một hiệu trưởng trường phổ thông tại Thái Bình lại cho rằng, giáo viên đã đăng ký chiến sĩ thi đua thì phải có sáng kiến. Sáng kiến viết nghiêm túc sẽ được nhiều cơ sở áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội, thúc đẩy giáo dục phát triển. Với đại trà, không nên ép mà chỉ là động viên, khuyến khích. Để sáng kiến, giải pháp thực chất, có giá trị, cần làm tốt các khâu: Phát động; tổ chức nghiệm thu; đánh giá thực chất; chế độ thưởng với sáng kiến chất lượng tốt; xử lý nghiêm sáng kiến copy của người khác. “thậm chí, có người còn copy lại của chính mình; có 1 sáng kiến nhưng cách năm nộp 1 lần; chỉ cần 2 giải pháp có thể xoay vòng các năm” – hiệu trưởng này chia sẻ.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Việt Hà, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng cho rằng: Việc gò ép có sáng kiến kinh nghiệm trong đánh giá, xếp loại viên chức, trong đó có giáo viên gây áp lực không cần thiết cho đội ngũ. Nghị định 90/2020/NĐ-CP đã lược bỏ bớt các tiêu chí, để cán bộ, công chức, viên chức thấy nhẹ nhàng hơn trong việc đánh giá, xếp loại; trong đó có việc không yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm, từ đó giải tỏa được áp lực cho giáo viên.

“Tuy nhiên, với việc đăng ký thi đua, như đăng ký đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua chẳng hạn, viên chức, giáo viên sẽ đăng ký từ đầu năm trên tinh thần tự nguyện. Khi đăng ký để phấn đấu đạt danh hiệu này, giáo viên sẽ chủ động trong việc có đề tài, sáng kiến thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo của mình trong công việc. Do đó, vẫn nên có yêu cầu về sáng kiến với các đối tượng này, theo như quy định hiện hành tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng” – ông Nguyễn Việt Hà cho hay.

Tôi ủng hộ bỏ viết sáng kiến theo phong trào, nhưng khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu và chia sẻ với đồng nghiệp để nâng cao tay nghề. - Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.