Giúp trẻ có tri thức - Đừng nhầm lẫn kiến thức và tri thức

GD&TĐ - “Vì sao con phải học môn này, môn kia…?” là những câu hỏi quen thuộc của trẻ. Song, không phải bố mẹ nào cũng giải thích cho trẻ rằng, học để có kiến thức nhưng phải thực hành để biến chúng thành tri thức...

Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu về giá trị của tri thức. Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu về giá trị của tri thức. Ảnh minh hoạ.

Thay vì ép trẻ học mà không giải thích lý do, phụ huynh cần dạy con về những giá trị của tri thức. Cha mẹ cần giáo dục toàn diện để giúp trẻ phát triển tốt, thích nghi với mọi hoàn cảnh.

“Nhồi nhét” không tạo nên nhân tài

Nhiều phụ huynh có xu hướng “chạy đua về thành tích”, ép con mình học với quan điểm “càng nhiều càng tốt”. Nhiều trẻ không những không thích, mà còn tỏ rõ sự chán chường, ghét ngồi vào bàn học. Hầu hết phụ huynh đều hiểu rõ rằng, việc mang lại cho trẻ cơ hội tiếp cận với tri thức là vô cùng quan trọng. Song, thực tế, nhiều người đang mang lại tri thức cho con mình theo cách chưa… chính xác.

Thay vì để trẻ ham học, muốn tự tìm tòi, không ít ông bố bà mẹ “nhồi nhét” kiến thức vào đầu con mà không cần biết trẻ có tiếp thu được hay không.

Chị Thanh Thu (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, do cậu con trai có học lực trung bình, nên gia đình thường ép cháu tham gia nhiều lớp học thêm. Chị muốn con trai mình phải học để “bằng bạn, bằng bè”. “Càng cho đi học thêm nhiều, cháu càng tỏ ra chán nản. Vợ chồng tôi cũng rất lo lắng nhưng không biết làm thế nào”, nữ phụ huynh tâm sự.

Từ khi con còn nhỏ, chị Hoàng Oanh (Cầu Giấy, Hà Nội) và gia đình đã giúp trẻ khám phá đâu là điều bản thân thích làm. Nữ phụ huynh cho biết, khi con đủ lớn để hiểu, cha mẹ cần giải thích về tầm quan trọng của tri thức. Có như vậy, trẻ mới thấu hiểu và có động lực khám phá, tìm tòi và học hỏi.

Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh - Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông hệ thống trung Tâm ATC, giảng viên kỹ năng mềm chia sẻ, hầu hết các cha mẹ biết rằng, đầu tư vào việc học tập sẽ đem lại cho trẻ một tương lai rộng mở, nhiều cơ hội. Vì vậy, các phụ huynh không đắn đo hay tiếc khi dành cho con những điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, chuyên gia này dẫn chứng, trong kết quả báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được thực hiện vào tháng 4/2021 tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình. Cụ thể, nhiều trẻ chưa được lắng nghe. Thậm chí, các em không được tham gia quyết định về các vấn đề của bản thân như: Học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi…

Trong khi đó, không ít cha mẹ mong muốn trẻ học nhiều bộ môn khác nhau. Vì vậy, ngoài giờ học ở trường, trẻ được đưa đến các trung tâm, học những môn năng khiếu. Song, theo ThS Đinh Văn Thịnh, việc này khiến trẻ rơi vào trạng thái quá tải, áp lực “chồng” áp lực. Từ đó, trẻ không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

“Người lớn cần nắm bắt nhu cầu, mong muốn, đam mê học tập của trẻ. Không phải cứ bắt trẻ học nhiều là con sẽ giỏi và trở thành một người đa năng. Khi trẻ được học trong sự đam mê, bộ môn mà mình yêu thích, các con sẽ phát huy năng lực tối đa. Trong giáo dục, người lớn cần phát triển chỉ số đam mê của trẻ. Bởi, đây là chìa khoá giúp trẻ thành công”, chuyên gia này chia sẻ.

Cụ thể, khi học tập trong đam mê và yêu thích, trẻ sẽ có được niềm vui, năng lượng tích cực… Từ đó, có động lực thúc đẩy để hăng say học và làm việc hơn nữa. Vì vậy, ThS Thịnh nhấn mạnh, việc ép con học theo ý muốn cha mẹ, thay vì thứ trẻ thích và đam mê sẽ là một điều “nên được xem xét lại”. Thậm chí, phụ huynh cần thay đổi phương án để tôn trọng trẻ, phù hợp với năng lực và đam mê của các con.

Ảnh minh hoạ.
    Ảnh minh hoạ.

Cung cấp tri thức toàn diện

Theo ThS Đinh Văn Thịnh, thay vì ép trẻ học mà không giải thích lý do, phụ huynh cần dạy con về những giá trị của tri thức. Nhờ đó, để trẻ hiểu rằng, tri thức là một phương diện rất quan trọng của cuộc sống.

“Bởi, tri thức sẽ giúp chúng ta hiểu biết về các nền văn minh xã hội, con người. Tri thức giúp chúng ta biết chung sống với người khác, ứng xử với nhau tốt đẹp. Tri thức giúp làm việc hiệu quả… Khi học tập, chúng ta sẽ có sự hiểu biết về thế giới, con người. Từ đó, nhận biết được những điều đang có, là thành tựu nghiên cứu khoa học, của những thế hệ trước”, chuyên gia cho biết.

Với những tri thức có được, trẻ sẽ tỏ lòng biết ơn, khiêm nhường, biết phấn đấu học tập và kế thừa, giữ gìn và phát triển. Từ những cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, hành động giữ gìn và phát triển tốt đẹp ấy, trẻ sẽ được người khác yêu thương, tôn trọng và quý mến. Vì vậy, việc giáo dục toàn diện cho trẻ được coi là yếu tố vô cùng quan trọng. Thay vì thường xuyên ép con ngồi vào bàn học, cha mẹ cần giáo dục toàn diện để giúp trẻ phát triển tốt, thích nghi với mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Theo ThS Đinh Văn Thịnh, cha mẹ không nên chỉ giáo dục cho trẻ những kiến thức về các môn học cơ bản và nâng cao. Bên cạnh đó, phụ huynh còn cần giáo dục trẻ về mặt thể chất. Bởi, khi có thể chất tốt, trẻ sẽ thực hiện các nhiệm vụ học tập tốt, mang lại niềm vui cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, việc giáo dục cho trẻ về các kỹ năng sống sẽ giúp con có thể giao lưu, kết bạn, trò chuyện tự tin. Đồng thời, biết cách giải quyết khó khăn, tự chăm sóc bản thân. Trong khi đó, giáo dục cho trẻ đạo đức sẽ giúp con biết yêu thương, tôn trọng người khác. Trẻ cũng sẽ biết ứng xử lịch sự, quan tâm và chia sẻ với mọi người. Khi đó, trẻ sẽ được mọi người yêu quý, cũng như cảm thấy bản thân mình có ích và giá trị.

“Ngoài ra, chúng ta còn phải hướng dẫn và giáo dục trẻ về phương diện thẩm mỹ, lao động, giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc cho trẻ… Nhờ vậy, giúp trẻ có những góc nhìn đa chiều và đa thích nghi trong nhiều môi trường khác nhau”, ThS Đinh Văn Thịnh chia sẻ.

Nhiều trẻ ghét học vì thường xuyên bị ép. Ảnh minh hoạ.

Nhiều trẻ ghét học vì thường xuyên bị ép. Ảnh minh hoạ.

Để trẻ ham học hỏi

Theo bà Phan Hồ Điệp – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phụ huynh có thể biến trẻ thành người ghét học bởi những hành động như: Luôn miệng nhắc con: “Học bài đi”! Thường xuyên kêu với người ngoài: “Con tôi không chịu học!”; Chất vấn đến cùng khi con nói dối; Tin rằng thành tích của con có thể tăng trong vòng một tháng nếu ép con học. Hoặc, trẻ cũng sẽ ghét học nếu cha mẹ bắt con học như hình phạt.

Chuyên gia này cho rằng, môi trường gia đình là vô cùng quan trọng trong việc tạo ra niềm vui học tập, kích thích nhu cầu hiểu biết, nuôi ước mơ cho trẻ.

Bên cạnh gia đình, còn có nhà trường và cộng đồng. Tất cả cộng hưởng để trẻ có thể vui vẻ, giàu năng lượng. Vì vậy, các phụ huynh được khuyên nên cố gắng dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ bằng sự quan tâm, ân cần. Nhờ đó, giúp trẻ luôn cảm thấy đủ đầy và ấm áp.

Nữ giảng viên gợi ý, với những trẻ mầm non, cha mẹ có thể giúp con trở thành người ham học nhờ phát triển khả năng nhận biết. Trong đó, bao gồm nhận biết về sự vật xung quanh, nhớ tên gọi của các sự vật, nhớ màu sắc, số lượng, diễn tả lại, nhận xét đúng sai. Đồng thời, phụ huynh nên giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức.

Cha mẹ có thể sử dụng các từ: Giải thích/ mô tả/dự đoán/phát hiện/xác định. Ngoài ra, cần giúp trẻ phát triển khả năng ứng dụng, phân tích. Cha mẹ cần sử dụng các từ, cụm từ như: Nói cho mẹ/ Chỉ cho mẹ/Chứng tỏ cho mẹ/So sánh cho mẹ/Để làm gì/Chi tiết nào... Cuối cùng là giúp trẻ phát triển khả năng suy đoán thông qua việc sử dụng các cụm từ: Điều gì sẽ xảy ra/ Con nghĩ sao nếu...

Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, trong giờ trẻ học, cha mẹ không nên xem tivi, điện thoại hoặc chơi đùa với em nhỏ. Bởi khi đó, trẻ sẽ có suy nghĩ “Tại sao chỉ con phải học, còn mọi người được chơi?. Hoặc, hành động của cha mẹ sẽ khiến trẻ “thèm” chơi cũng như phân tâm. Thay vào đó, khi trẻ học, cha me có thể làm việc hoặc đọc sách và cũng ngồi nghiêm túc, say sưa. Hành động đó sẽ khiến trẻ có sự tĩnh lặng để tập trung và cảm thấy hào hứng cùng thi đua.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể thường xuyên thảo luận các vấn đề liên quan đến kiến thức học của trẻ. Thay bằng việc “biết tuốt”, cha mẹ có thể đặt các câu hỏi để nhờ con hướng dẫn, giải đáp. Khi đó, trẻ sẽ trở thành thầy cô giáo của cha mẹ và hào hứng để hướng dẫn. Từ đó, giúp con hứng thú nghe giảng để nhớ, để hiểu và có thể hướng dẫn cha mẹ. “Quan trọng nhất trong mỗi con trẻ để phát triển là tư duy nhận thức về ý thức - trách nhiệm - độc lập - cầu tiến”, chuyên gia cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ