Giúp trẻ học cách sống "biết trước, biết sau"

GD&TĐ - Một bộ phận người trẻ coi việc sống sung sướng là hiển nhiên, bỏ qua những hi sinh, vất vả của đấng sinh thành. Nuôi dạy được những đứa con sống hiếu thuận, biết ơn là mong ước và động lực của mọi bậc cha mẹ.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Chuyên gia giáo dục – TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có cuộc trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại xung quanh vấn đề này. 

- Bà đánh giá thế nào về vai trò của việc dạy trẻ biết ơn?

TS Vũ Thu Hương: Tôi xin dẫn ra câu chuyện về một cô phục vụ bàn trẻ tên Liz, ở bang New Jersey – Mỹ, vì muốn tỏ lòng biết ơn hành động cứu người dũng cảm của 2 anh lính cứu hỏa nên đã trả tiền bữa ăn sáng cho các anh.

Thời gian sau đó, khi hai anh lính biết tin bố đẻ của Liz bị bệnh liệt tứ chi, đang rất cần tiền để mua chiếc xe ô tô dành cho người đi xe lăn. Hai anh lính đã gửi lời kêu gọi giúp đỡ lên các phương tiện thông tin đại chúng và hàng chục nhà từ thiện đã quyên tiền vào tài khoản của Liz. Chỉ trong vòng vài ngày, tổng số tiền sau cùng lên tới 69 nghìn USD, vượt xa con số 17 nghìn USD như ước muốn ban đầu. Điều này đã giúp Liz và bố cô vượt qua giai đoạn khó khăn, bế tắc nhất của cuộc sống.

Những câu chuyện có thật lan toả từ lòng biết ơn như vậy không hiếm và luôn khiến chúng ta cảm động. Với tôi, dạy con sống biết ơn là việc bắt buộc phải làm. Biết ơn ở đây không phải chỉ có biết ơn cha mẹ, thầy cô giáo hay những người đã đem lại điều tốt đẹp cho mình. Chúng ta cần biết ơn nhiều hơn nữa, kể cả kẻ thù và sự thất bại.

Khi có lòng biết ơn, trẻ sẽ biết điểm dừng khi định yêu cầu, đòi hỏi. Các con biết nghĩ về điểm tốt của mọi người. Cùng đó, mong muốn trả ơn, muốn làm điều tốt đẹp cho người có ơn với mình. Những đứa trẻ có lòng biết ơn luôn nghĩ đến người khác, không ích kỉ, hẹp hòi.

- Không ít cha mẹ hiện ngộ nhận việc “kể công” sẽ dạy được cho trẻ lòng biết ơn. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Đây là sai lầm khá phổ biến của các bậc cha mẹ. Những câu nói kiểu: “Bố mẹ đi làm vất vả kiếm tiền để các con ăn học nên các con phải…”; “Các con chỉ có ăn với học, không phải lo lắng gì trong khi bố mẹ đi làm chịu bao nhiêu áp lực…”; “Ngày xưa bố mẹ vừa đi học, vừa đi làm đâu có sung sướng như mấy đứa bây giờ đâu...” chỉ khiến trẻ cảm thấy áp lực và ức chế chứ không hề dạy cho trẻ lòng biết ơn về những hi sinh của đấng sinh thành.

Những câu kể lể công lao lặp đi lặp lại nhiều sẽ gây phản tác dụng, biến những đứa trẻ vốn vô tư, hồn nhiên trở nên chai lì cảm xúc. Nghe nhiều những lời “kể công”, trẻ dễ có tâm trạng tủi thân, cảm thấy cô đơn lạc lõng, xem mình là gánh nặng của gia đình. Có em tìm đến bạn bè cùng hoàn cảnh để chơi, than vãn về những nỗi buồn, thậm chí sa ngã vào các tệ nạn xã hội hay làm những điều dại dột.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

- Để nuôi dạy nên những đứa trẻ sống biết ơn, cha mẹ cần làm gì, thưa bà?

Theo tôi, việc dạy con biết ơn cần phải được tiến hành từ khi trẻ còn rất nhỏ, bằng các hành động rất nhỏ, mỗi ngày.

Các cha mẹ hãy thường xuyên cảm ơn tất cả những ai đã giúp mình dù chỉ một việc rất đơn giản. Những lời cảm ơn đó sẽ tới tai của các em bé. Học bằng bắt chước là cách học chiếm tỉ lệ cao nhất đối với các em nhỏ đặc biệt là các em trong lứa tuổi mầm non. Vì thế, chúng ta hãy yên tâm rằng, một người làm cha, làm mẹ thường xuyên cảm ơn người khác sẽ có những đứa con cũng rất lễ độ với những lời cảm ơn và thái độ lịch sự.

Cha mẹ hãy phân chia công việc nhà và đồ ăn, thức uống thật công bằng. Bố mẹ cũng cần có phần rõ ràng như của con. Điều đó sẽ giúp con hiểu rằng người khác cũng cần được đảm bảo quyền lợi. Khi đó con sẽ biết quan tâm đến cha mẹ và biết ơn cha mẹ.

Cùng đó, hạn chế việc đáp ứng đòi hỏi của con. Nếu đòi gì cũng có thì chẳng bao giờ con biết ơn sự chăm sóc và giúp đỡ của cha mẹ. Điều đó còn sẽ khiến con hư vì nghĩ là con phải được đáp ứng mọi thứ không điều kiện. Vì thế, hãy hạn chế và chỉ nên đáp ứng khi điều đó là nhu cầu thiết thực, không đáp ứng nếu như đó chỉ là mong muốn nhất thời.

Hãy thường xuyên kể những câu chuyện cụ thể và gần gũi về lòng biết ơn cho con nghe. Suy nghĩ thật kĩ về những gì người khác đã làm cho mình và kể cho con nghe. Khi con thấy cha mẹ nói về những hành động giúp đỡ của người khác mà cha mẹ nhận được với tấm lòng biết ơn thật sự, con cũng sẽ hiểu. Chính thái độ biết ơn của người lớn có giá trị vô cùng lớn để dạy con trẻ.

Ví dụ: Hình ảnh cha mẹ đến thăm thầy cô giáo cũ với sự háo hức, hoài niệm cũng sẽ khiến con có cảm xúc tốt đẹp và ấp ủ mong muốn được trực tiếp đến và nói lời cảm ơn với thầy cô giáo của chính mình

Hãy cùng con cảm ơn những người đã làm ra của cải vật chất. Hãy cảm ơn những chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống vì ngày hôm nay bằng những việc làm cụ thể như thực hành tiết kiệm, tham gia tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Mỗi khi con có những suy nghĩ tiêu cực với người mà con mang ơn, cha mẹ nên nói chuyện và khẳng định rõ ràng về việc con cần phải giữ cảm xúc biết ơn đó và nên bao dung hơn cho họ. Bởi vì, trong cuộc sống, ai cũng có lúc sai lầm. Tha thứ cho những người đã giúp đỡ mình sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hãy dạy trẻ hiểu và biết ơn những khó khăn trong cuộc sống vì khi vượt qua sẽ giúp các con trưởng thành hơn. Bất kể hoàn cảnh nào, chướng ngại cũng là thứ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.
Từ trái tim đến trái tim, để con có nhiều hơn các cảm xúc tốt đẹp, cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc dạy con lòng biết ơn. Từ đó, con trẻ sẽ có những suy nghĩ nhân hậu và vị tha hơn rất nhiều và… thế giới sẽ đẹp hơn nếu bất kể ai trong chúng ta cũng có tấm lòng biết ơn sâu sắc với cuộc sống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.