Giúp trẻ thoát khỏi những bất thường về tâm lý

GD&TĐ - Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về tâm lý, cha mẹ cần xem xét các triệu chứng. Trầm cảm ở trẻ em có thể khác với người lớn. Biết rõ các dấu hiệu tâm lý lạ ở trẻ có thể giúp phụ huynh hỗ trợ con kịp thời.

Trẻ trầm cảm có thể mất hứng thú với mọi thứ.
Trẻ trầm cảm có thể mất hứng thú với mọi thứ.

Các triệu chứng cần chú ý

Ông Daniel B. Block - bác sĩ tâm thần hiện điều hành một cơ sở y tế ở Pennsylvania (Mỹ) cho biết, tâm trạng thất thường và ủ rũ là hai dấu hiệu chính ở người trầm cảm trưởng thành. Trong khi đó, ở trẻ em, dấu hiệu thường gặp là cáu kỉnh và thường phàn nàn về thể chất.

Các triệu chứng khác của trầm cảm ở thời thơ ấu bao gồm: Khó tập trung và đưa ra quyết định, nhút nhát, bám vào cha mẹ, cảm thấy tuyệt vọng, than phiền thường xuyên, khó ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn và suy nghĩ hoặc có hành động tự làm hại bản thân.

Trẻ em có thể trở nên buồn bã về nhiều vấn đề, như mất mối quan hệ, việc học ở trường, thất bại, bỏ lỡ điều gì đó, chuyển nhà, mất thú cưng hoặc người thân yêu. Khi đó, cha mẹ cần xác định nguyên nhân khiến trẻ buồn và hỗ trợ con. Nếu tâm trạng trẻ cải thiện sau vài ngày, có thể là những biểu hiện đó không liên quan đến trầm cảm.

Trong khi đó, trẻ trầm cảm có thể buồn về cuộc sống và tương lai. Hoặc, trẻ không xác định được lý do buồn. Khi trẻ buồn bã lâu hơn hai tuần, phụ huynh cần nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Trẻ em bị trầm cảm có thể xa rời bạn bè, gia đình và những người khác mà chúng từng thân thiết. Các em có xu hướng thu mình và tránh tương tác. Trẻ cũng có thể ngừng tham gia các hoạt động trong lớp, xã hội và ngoại khóa.

Một đứa trẻ trầm cảm sẽ khó tìm thấy niềm vui hoặc hứng thú trong bất cứ việc gì. Trẻ có thể thờ ơ với hầu hết mọi thứ. Ngoài ra, trẻ có dấu hiệu bất thường về tâm lý có khả năng học hành sa sút. Nghỉ học, khó tập trung hoặc không làm được bài là tất cả những lý do khiến điểm số giảm sút. Điều này được thể hiện rõ ràng hơn ở một đứa trẻ từng có thành tích học tập tốt. Mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là sau những ngày bận rộn, làm việc căng thẳng, thức khuya, bị ốm hay tập thể dục. Tuy nhiên, trẻ bị trầm cảm dường như luôn thiếu năng lượng và động lực.

“Cảm giác tội lỗi quá mức và không ngừng thường xuất hiện ở trẻ em bị rối loạn trầm cảm. Một đứa trẻ trầm cảm có thể tự trách mình về bất cứ điều gì sai, ngay cả khi nó không xảy ra. Cảm giác tội lỗi cũng có thể góp phần vào việc gây buồn bã, vô dụng và vô vọng. Nếu cảm giác tội lỗi của trẻ có vẻ trở nên tồi tệ hơn, kéo dài trên hai tuần và có các dấu hiệu trầm cảm khác, hãy tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần”, ông B. Block khuyến cáo.

Trẻ bị rối loạn trầm cảm cũng có thể cảm thấy bản thân vô dụng. Trẻ thường nghĩ rằng chúng yếu kém hoặc thiếu sót. Những đứa trẻ cảm thấy mình vô dụng có thể tin rằng, mọi việc mình làm đều sai. Khi đó, trẻ sẽ không nỗ lực hết mình cho bài vở ở trường, tham gia vào các mối quan hệ, hoặc thậm chí mất kết nối với những người khác. Bởi, trẻ tin rằng, nỗ lực của chúng sẽ không thành công hoặc gây ra vấn đề nào đó.

“Với một số trẻ em và thanh thiếu niên trầm cảm, cảm xúc có thể khiến họ tức giận đối với những người hoặc thứ mà họ tin là nguồn gốc gây ra nỗi đau. Điều này có thể dẫn đến phản ứng bốc đồng và hung hăng”, chuyên gia này cho biết.

Cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ nếu trẻ buồn bã trên 2 tuần.

Cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ nếu trẻ buồn bã trên 2 tuần.

Nguyên nhân

Theo bác sĩ B. Block, trầm cảm ở trẻ em là một tình trạng phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số yếu tố khác nhau có thể góp phần vào việc gây trầm cảm ở trẻ em. Trầm cảm ảnh hưởng đến nhiều trẻ em. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ báo cáo, có 3,2% trẻ em từ 3 - 17 tuổi được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.

Sự mất cân bằng trong một số chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine có thể đóng vai trò trong việc gây ra trầm cảm. Ngoài ra, cuộc sống gia đình không ổn định có thể là một yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Hoặc, trẻ có thể bị xã hội cô lập hay bắt nạt ở trường. Trẻ cũng có nguy cơ trầm cảm nếu người thân trong gia đình và họ hàng từng mắc bệnh này.

“Một nghiên cứu kéo dài 30 năm cho thấy, những người nguy cơ trầm cảm cao nhất là khi có hai thế hệ thành viên trước đó trong gia đình bị trầm cảm”, ông B. Block dẫn chứng.

Bên cạnh đó, các bệnh mãn tính, như tiểu đường loại 1, có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm ở thời thơ ấu. Các sự kiện trong cuộc sống như chuyển nhà và cha mẹ ly hôn có thể là nguyên nhân góp phần gây trầm cảm ở trẻ.

Làm thế nào để giúp đỡ?

Nếu nghĩ rằng con mình có thể bị trầm cảm, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa. Khi đó, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, loại trừ bệnh lý tiềm ẩn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Bác sĩ B. Block đã gợi ý một số điều phụ huynh có thể làm để giúp trẻ đối phó với trầm cảm:

Theo dõi tâm trạng của con: Cha mẹ cần chú ý đến các triệu chứng như buồn bã, cáu kỉnh, mất hứng thú, thay đổi cảm giác thèm ăn, thay đổi thói quen ngủ, mệt mỏi, cảm thấy vô dụng và nghĩ đến cái chết.

Tạo sự tin tưởng: Hãy cho trẻ biết rằng, trầm cảm không có gì là xấu hổ. Trầm cảm là một căn bệnh giống như bệnh cúm. Do đó, việc điều trị đúng cách có thể giúp trẻ khỏi bệnh.

Khuyến khích trẻ nói chuyện: Cha mẹ cần cho con quyền có những cảm xúc này. Trẻ em có thể dễ dàng nghĩ rằng mình không ổn khi cảm thấy chán nản. Đồng thời, trẻ bắt đầu che giấu cảm xúc hơn là giải quyết một cách lành mạnh.

Dạy con yêu cầu sự giúp đỡ: Trẻ em cần biết rằng, con sẽ được giúp khi cần. Phụ huynh hãy cung cấp cho trẻ danh sách những người mà con có thể nói chuyện, như bạn, một giáo viên hoặc cố vấn.

Theo Very Well Mind

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ