Giúp HS tự tin vươn lên từ đổi mới khen thưởng

GD&TĐ - Chỉ sau một học kỳ thực hiện cách đánh giá mới đối với học sinh tiểu học (thông tư 30), cô Đào Hải Khuyến - Hiệu trưởng trường tiểu học Nham Sơn (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) - cho biết: Đây thực sự là “liều thuốc” tuyệt vời chữa bệnh thành tích.

Giúp HS tự tin vươn lên từ đổi mới khen thưởng

Cô Đào Hải Khuyến chia sẻ niềm vui có được sau một thời gian chưa dài thực hiện Thông tư 30: Hết học kỳ I, tập thể các lớp đã tham gia bình bầu cá nhân được khen thưởng. Học sinh được khen thưởng từ những cố gắng, tiến bộ dù nhỏ của bản thân, không chỉ khen kết quả học tập giỏi hay khá như các năm trước.

Nhiều em được lớp, cô, nhà trường bình chọn và được khen như: Có tiến bộ trong học tập môn…; Hát hay và tích cực trong học môn Âm nhạc; Có tiến bộ tốt trong trong tập đọc; Đạt thành tích dẫn đầu môn điền kinh…

Về phẩm chất, các em được khen: Có ý thức giúp đỡ bạn trong học tập; Chăm chỉ học tập và lao động; Nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ với bạn; Có ý thức giữ gìn, bảo vệ của công; Nhiệt tình trong tổ chức hoạt động thư viện thân thiện; Việc làm tốt nhặt được của rơi trả lại người mất…

Về năng lực, các em được khen: Có năng lực điều hành nhóm học tập; Có năng lực tự quản các hoạt động của lớp; Mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp; Sáng tạo trong điều hành hoạt động tập tập thể…

Những thành tích ấy, xưa kia các em chưa hề được bình khen, giúp các em tự tin vươn lên, không mặc cảm mình kém cỏi, thua bạn. Có em được khen ở nhiều lĩnh vực rất phấn khởi và hứng thú phấn đấu.

Sự thay đổi về công tác khen thưởng đã thực sự kích "cầu" học sinh mạnh mẽ, giúp các em mạnh dạn thể hiện năng lực sở trường trên mọi mặt.

Có thể nói, các cuộc họp và sinh hoạt lớp bình bầu như vậy đã làm dấy lên phong trào thi đua giữa các học sinh trong lớp, giữa các lớp với nhau một cách thực sự. Các em đều muốn mình sẽ đạt được bình bầu khen của bạn bè, thầy cô. 

Giáo viên ngẫu nhiên không thể báo cáo với nhà trường thành tích sai sự thật của lớp mình hay tự mình chọn học sinh để khen như xưa. Đó là một lối thoát tự nhiên của bệnh thành tích.

Khi giáo viên hiểu rõ mục đích của Thông tư thì tâm lý họ sẽ sẵn sàng thực hiện.

Cô Đào Hải Khuyến

Không còn hiện tượng giáo viên làm việc riêng trong lớp

Cô Đào Hải Khuyến cho biết, thời gian đầu thực hiện Thông tư 30, nhà trường, giáo viên cũng gặp khó khăn.

Khó khăn vì giáo viên chưa thông suốt tư tưởng, chưa biết cách ghi lời nhận xét, chưa quen với cách đánh giá mới; học sinh chưa được tham gia đánh giá bạn nhiều; giáo viên nhận xét vào vở nhưng học sinh lớp 1chưa biết đọc, chưa hiểu cô phê hay khen; một số phụ huynh chưa hiểu về quy định mới, cũng gây áp lực cho giáo viên…

Để vượt qua những khó khăn này, ngay sau khi tiếp nhận Thông tư 30, việc đầu tiên, Ban giám hiệu đã cùng nghiên cứu kỹ từng mục của Thông tư 30; nắm chắc sự đổi mới trong quy định đánh giá học sinh.

Nhà trường cũng in tới mỗi giáo viên tập quy định đánh giá học sinh tiểu học kèm theo Thông tư 30; quán triệt giáo viên phải nghiên cứu kỹ nội dung quy định mới. Đồng thời, tổ chức 1 buổi hội thảo về cách đánh giá mới.

Đặc biệt, trường nhấn mạnh đến từng giáo viên cần thay đổi tư duy: Học sinh tới trường không chỉ là đi học kiến thức mà cả rèn luyện các kỹ năng sống song song với học tập.

Cùng với những chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể về cách ghi lời nhận xét, trường yêu cầu giáo viên kết hợp quy định đánh giá mới và đổi mới phương pháp dạy học hàng ngày để học sinh tiến bộ hơn.

Khi các em được nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến, thể hiện năng lực hay kỹ năng, giáo viên cũng quan sát được nhiều hơn và có lời nhận xét đúng, phù hợp khích lệ được học sinh.

Các tiết dự giờ sinh hoạt chuyên môn được tập trung đánh giá học sinh thể hiện như thế nào, các em có các kỹ năng nào tự phục vụ, tự quản, khả năng giao tiếp hợp tác và giải quyết vấn đề như thế nào, không chú trọng việc giáo viên trên bục giảng như xưa, các tiết dạy chuyên đề được quay vidio lại sau đó rút kinh nghiệm.

Nhà trường cũng đã tổ chức phiên họp đại diện cha mẹ học sinh để tuyên truyền giải thích về quy định đánh giá mới. Khuyến khích phụ huynh tham gia nhận xét, đánh giá con em để các em thật sự tiến bộ.

“Đến hết kỳ I năm học 2014 - 2015, việc thực hiện Thông tư 30 tại Trường tiểu học Nham Sơn đã ổn định. Giáo viên thuần thục với khả năng thường xuyên quan sát để thực hiện nhận xét học sinh; học sinh tham gia nhận xét đánh giá bạn rất hiệu quả.

Các giờ dạy không còn hiện tượng giáo viên làm việc riêng trên lớp vì phải tập trung tổ chức giờ học theo phương pháp mới, vừa bao quát để quan sát học sinh. Sự kết hợp giữa đổi mới phương pháp dạy và đổi mới đánh giá học sinh, do đó là hết sức phù hợp.

Đặc biệt, nhiều phụ huynh phấn khởi khi con em mình về nhà có nhiều tiến bộ: Biết tự phục vụ mình không làm phiền bố mẹ, biết thể hiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tham gia công việc gia đình, vệ sinh các nhân... Các em mạnh dạn, tự tin hơn, dám tranh luận bảo vệ cái đúng” - cô Đào Hải Khuyến vui mừng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình tượng rắn năm Ất Tỵ 2025 được họa sĩ vẽ theo biểu tượng vô cực.

Tranh 12 con giáp rộn ràng trên giấy dó

GD&TĐ - Bộ tranh 12 con giáp trên giấy dó truyền thống được họa sĩ thực hiện trong 12 năm, tạo thành một chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển.