San sẻ yêu thương với người khó khăn
Thấu hiểu sự vất vả của những người lao động nghèo mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, lượm ve chai, chạy xe ôm hay khuân vác thuê…, một nhóm thiện nguyện tại TP Cà Mau nảy ra ý tưởng thành lập tiệm mì 1.000 đồng (hoặc miễn phí) để san sẻ phần nào gánh nặng với những người khó khăn.
Anh Trương Minh Đương (37 tuổi, ngụ TP Cà Mau), thành viên nhóm thiện nguyện cho biết, tiệm mì hoạt động từ ngày 14/2/2025.
Nguồn thực phẩm chủ yếu do nhóm vận động từ các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện và đóng góp của các thành viên trong nhóm. Nhóm vận động theo từng đợt, khi sử dụng hết sản phẩm sẽ tiếp tục đăng bài trên mạng xã hội để vận động.
"Mọi sự hỗ trợ dù ít hay nhiều nhóm đều tiếp nhận và trân quý. Có những học sinh, sinh viên đem đến tiệm 1 thùng mì, một hộp trứng cùng chung tay ủng hộ người nghèo. Mình rất vui khi tinh thần thiện nguyện của nhóm được lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ", anh Đương phấn khởi chia sẻ.


Tiệm mì 1.000 đồng hoạt động từ 16-20h từ thứ 2 đến thứ 6 (thời gian đầu hoạt động kể cả thứ 7 và chủ nhật).
Cách thức hoạt động của tiệm mì đơn giản và tiện lợi: nhân viên chuẩn bị sẵn các nguyên liệu như mì gói, trứng luộc, xúc xích, rau giá, chanh, ớt cùng tô nhựa… Khi đến tiệm, thực khách sẽ tự phục vụ, tùy theo sở thích mà lựa chọn loại mì và các "topping" đi kèm, sau đó tự đun nước sôi, chế vào tô và dùng ngay tại chỗ.
Riêng đối với những người cao tuổi, khuyết tật, những người lần đầu mới đến tiệm, nhân viên sẽ hướng dẫn, hỗ trợ khách trong việc nấu mì.


“Nhóm thiện nguyện của mình có khoảng 10 người, ai rảnh giờ nào thì qua tiệm hỗ trợ giờ đó. Trứng thì mình luộc, lột vỏ đem ra số lượng vừa phải, nhân viên thấy gần hết sẽ tiếp tục đem ra tránh để lâu không đảm bảo an toàn. Mình cũng khuyến khích người đến tiệm ăn lấy khẩu phẩn thực phẩm vừa đủ ăn, tránh lãng phí”, anh Đương cho biết.
“Mình thu 1.000 đồng chỉ mang tính tượng trưng để người nghèo đến ăn không cảm thấy ngại. Có những người không thật sự khó khăn cũng đến ăn để sẻ chia, số tiền họ bỏ ra nhiều khi còn hơn giá trị bát mì nhiều lần. Nhóm sẽ cố gắng duy trì tiệm mì, đồng hành cùng người khó khăn trên địa bàn lâu nhất có thể”, anh Trương Minh Đương chia sẻ.
“Bát mì hạnh phúc” của người nghèo
Theo ghi nhận của phóng viên, lượng khách đến quán vào mỗi buổi chiều không tấp nập nhưng lúc nào cũng có khách.
Ông Châu Phú Vinh (82 tuổi, huyện Trần Văn Thời) làm nghề lượm ve chai trên địa bàn TP Cà Mau cho biết: Đây là lần đầu tiên đến tiệm, được thưởng thức một bát mì ngon và không mất tiền.
“Mỗi ngày lượm ve chai tôi chỉ kiếm được khoảng 40 -50 nghìn đồng nên ăn uống tiết kiệm lắm, nhiều khi thèm nhưng không dám ăn bát phở, tô bún. Đang đói mà được bát mì đầy đủ trứng, xúc xích, rau giá như thế, người nghèo như chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Từ nay tôi xin đăng ký làm khách hàng thân thiết của quán”, ông Vinh vui vẻ chia sẻ.


Đang thưởng thức mì cùng con, chị Lê Kim Quyên (39 tuổi, ngụ TP Cà Mau) làm nghề bán vé số dạo chia sẻ, thấy tiệm mì 1.000 đồng mở ra, chị rất vui vì giúp được người nghèo giảm chi phí ăn uống.
“Tôi đến đây ăn được 2 lần rồi, đi bán vé số lúc đói mình ghé tiệm ăn để có sức đi bán tiếp. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn thì ăn được bát mì như thế là đã đầy đủ, hạnh phúc lắm rồi”, chị Quyên nói.

Không chỉ có những người khó khăn mà những người người có mức sống trung bình hoặc khá cũng đến tiệm mì 1.000 đồng để thưởng thức mì. Họ đến đây ăn để thấu hiểu và sẻ chia với hoàn cảnh của những người khó khăn trong xã hội.