Đánh giá học sinh tiểu học: Vui với nhận xét của giáo viên

GD&TĐ - Thông tư số: 30/2014/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh (HS) tiểu học chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2014, sau một tuần triển khai áp dụng vào thực tiễn đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các em học sinh cũng như các thầy cô giáo.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh - Nghệ An) hào hứng với phương pháp đánh giá mới
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh - Nghệ An) hào hứng với phương pháp đánh giá mới

Học sinh hào hứng, phụ huynh hài lòng

Việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học nhằm giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng các ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi em để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

Nếu như những năm trước, với mỗi bài kiểm tra, em Nguyễn Thị Thanh Trà và các bạn trong lớp 3C - Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh - Nghệ An) luôn cảm thấy lo lắng và áp lực bởi nếu như được điểm cao thì không sao, nhưng điểm kém thì các em cảm thấy xấu hổ, thậm chí còn không muốn đến lớp.

Thế nhưng kể từ khi nhà trường triển khai áp dụng phương pháp đánh giá học sinh theo phương pháp mới, các em cũng hứng thú hơn với mỗi buổi học. 

Em Trà tâm sự: “Em thích được cô giáo nhận xét như bây giờ hơn là chấm điểm như những năm trước. Trước đây, em rất sợ mỗi khi bị điểm kém và câu hỏi: "Hôm nay con được mấy điểm" của bố, mẹ. Bây giờ điều đó đã không còn xảy ra đối với chúng em nữa nên em rất vui”.

Là một phụ huynh hiện có hai con đang học tiểu học, chị Phan Thị Thoa – Phường Lê Lợi (TP Vinh - Nghệ An) - chia sẻ: "Đúng là việc đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học như hiện nay không chỉ giảm áp lực cho các em mà  phụ huynh chúng tôi cũng không bị căng thẳng về điểm số. 

Tôi khá hài lòng với các đánh giá nhận xét của các giáo viên như hiện tại. Thông qua nhận xét của giáo viên, chúng tôi vẫn kiểm soát được quá trình học của con em mình và biết được học lực của các con đề từ đó phối hợp với giáo viên có phương pháp điều chỉnh học tập hợp lý".

Nhận xét thay cho điểm số

Nhận xét của giáo viên sẽ khích lệ học sinh cố gắng hơn trong học tập. (Ảnh chụp lời nhận xét của giáo viên Trường tiểu học Làng Sen (Nam Đàn - Nghệ An)
 Nhận xét của giáo viên sẽ khích lệ học sinh cố gắng hơn trong học tập. (Ảnh chụp lời nhận xét của giáo viên Trường tiểu học Làng Sen (Nam Đàn - Nghệ An)

Tại huyện Kỳ Sơn – một huyện xa nhất của tỉnh Nghệ An, 100% các trường tiểu học trên địa bàn đã bắt đầu áp dụng phương phương pháp đánh giá mới này. 

Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện - cho hay: Đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học lần này đã tạo được hiệu ứng tích cực trong và ngoài ngành Giáo dục. Giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, còn học sinh thì hứng thú hơn sau mỗi giờ lên lớp.

Đặc biệt, với đặc thù là một huyện vùng núi cao, hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số, việc thay đổi đánh giá lần này được xem như một giải pháp nhằm thu hút và giữ chân các em đến trường đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn. Bởi với những em học lực yếu mà bị điểm kém thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng các em chán học, không muốn đến lớp, đến trường. 

Đây chính là lý do mà tỷ lệ chuyên cần ở các vùng có học sinh dân tộc thường đạt thấp hơn rất nhiều so với vùng thuận lợi.

Đặc biệt, giáo viên ở các trường tiểu học đã chủ động tiếp thu những thay đổi, từ đó có nhiều sáng tạo trong cách đánh giá học sinh để bắt nhịp với yêu cầu  đổi mới của Ngành.

Cô Nguyễn Thị Anh Thơ – giáo viên Trường tiểu học Làng Sen (Nam Đàn – Nghệ An) - chia sẻ: Trước khi Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, giáo viên chúng tôi đã chủ động nghiên cứu và học hỏi về cách đánh giá mới. 

Cách đánh giá của tôi hiện nay là đưa ra những nhận xét để học sinh biết được mình còn yếu ở đâu và mạnh ở điểm nào để từ đó cố gắng hơn nữa trong học tập. 

Ví dụ: Em làm chưa đúng rồi, cần cố gắng hơn! Hoặc nếu em sửa lại lỗi này thì bài của em sẽ hoàn chỉnh. Em làm tốt lắm, cần tiếp tục phát huy; hôm nay em chưa chú ý lắm nên làm bài còn chưa tốt; Em làm bài tốt hơn hôm qua, rất đáng khen, cần tiếp tục phát huy em nhé! v.v...

Còn cô Nguyễn Thị Nga Huyền – giáo viên chủ nhiệm lớp 4C Trường tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh, Nghệ An) - cho biết: "Với phương pháp mới, giáo viên có thể quan tâm HS sâu sát hơn, không bỏ sót em nào, như vậy mới có thể đánh giá chính xác năng lực học tập của HS. 

Về phía HS, sẽ phát huy được tính chủ động, tích cực, khuyến khích HS ham học. 

Bản thân tôi chú trọng đến nhận xét bằng lời để nhằm khích lệ các em trong học tập. Ngoài ra, tôi cũng nhận xét vào vở bài tập của các em để phụ huynh có thể theo dõi quá trình học tập của con em mình trên lớp".

Để bắt nhịp với những đổi mới của ngành Giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã cử các cán bộ cốt cán đi dự tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Đội ngũ này đã và đang truyền đạt lại cho giáo viên, cán bộ quản lý của trường tiểu học trên địa bàn.

Ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) – cho biết: Dự kiến trong tháng 10, ngành hoàn thành tập huấn đánh giá theo Thông tư 30. 

Quan điểm chỉ đạo của Sở là: Giáo viên nhận xét sự tiến bộ của từng HS, không so sánh em này với em khác, như vậy các em cảm thấy được tôn trọng và tích cực học tập hơn. Việc nhận xét bằng lời, trong đó có động viên, khuyến khích, những HS có học lực còn hạn chế sẽ không cảm thấy mình bị lạc lõng mà sẽ cố gắng hơn trong học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ