Các văn bản nhật dụng cập nhật, gắn kết với đời sống, đưa học sinh trở lại với những vấn đề vừa quen thuộc, vừa gần gũi hàng ngày. Nội dung các văn bản nhật dụng gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như: thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma tuý...
Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả các kiểu văn bản. Với mục tiêu nhằm giảm bớt tính hàn lâm, tạo cơ hội rõ rệt hơn cho việc dạy văn học gắn kết với đời sống, nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân nên các văn bản nhật dụng không phải là những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả tiêu biểu. Tuy vậy vẩn đề nội dung tư tưởng của nó lại rất sâu sắc và giàu ý nghĩa nhân văn.
Vậy dạy các văn bản nhật dụng như thế nào để HS yêu thích văn học để rồi hàng ngày, khi tiếp cận với cuộc sống xung quanh các em sống nhân hậu, nhân ái và có trách nhiệm cao hơn, đó là điều mỗi nhà giáo chúng ta luôn suy nghĩ, trăn trở và đúc rút ra sáng kiến: Dạy văn bản nhật dụng trong chương trình Ngữ văn THCS.
1. Một số kiến thức về văn bản nhật dụng: Bao gồm nhận diện các đặc điểm nổi bật về hình thức, nội dung. Hệ thống tên, đề tài nhật dụng của văn bản theo từng khối, lớp trong chương trình Ngữ văn THCS..
2. Phương hướng dạy học văn bản nhật dụng: Cần chú ý:
Xác định mục tiêu bài học đúng, phù hợp..
Chuẩn bị dạy học: Chuẩn bị kiến thức và phương tiện dạy học.
Phương pháp dạy học:
- Phù hợp với phương thức biểu đạt của mỗi văn bản.
- Đáp ứng dạy học tích hợp.
- Đáp ứng dạy học tích cực.
3. Vận dụng dạy học văn bản nhật dụng (Thiết kế bài giảng: Văn bản: "Thông tin về ngày Trái đất năm 2000", (Tiết 39 - Ngữ văn 8)
Mong muốn sáng kiến này sẽ là một nhành hoa nhỏ đồng hành cùng ngàn hoa tươi sắc trong các trường THCS, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 29 –NQTW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Môn Ngữ văn trong chương trình THCS được xây dựng theo quan điểm tích hợp giữa ba phân môn: Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn, gồm các kiểu văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, hành chính, nghị luận. Văn bản nhật dụng đã thể hiện sự hiện diện của các kiểu văn bản trên.
Các văn bản nhật dụng vừa mang tính đổi mới so với chương trình cũ, vừa cuốn hút học sinh yêu môn Ngữ văn và thích viết văn hơn.
Mang nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại, các văn bản nhật dụng thường hướng người đọc vào những vấn đề thời sự gần gũi hàng ngày mà mỗi cá nhân và cộng đồng đều quan tâm như môi trường, dân số, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, các tệ nạn xã hội như ma túy, thuốc lá, lao động, trẻ em, vấn đề hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Vì lẽ đó nên trong các văn bản nhật dụng tính chất: "Văn, sử, triết bất phân" thể hiện rất rõ. Sự khác biệt của nó so với các kiểu văn bản khác khó có thể chỉ ra rành rọt, có chăng là ở những đề tài có tính chất rất thời sự và cập nhật với cuộc sống hiện đại của nó.
Một sự hiện diện khoảng 10%, các văn bản nhật dụng đã làm cho chương trình Ngữ văn THCS phần nào giảm bớt tính hàn lâm, tạo cơ hội rõ rệt hơn cho việc dạy văn học gắn kết với đời sống - một trong những mục tiêu đổi mới của việc dạy Ngữ văn trong nhà trường.
Văn bản nhật dụng được đưa vào chương trình Ngữ văn THCS trong khi trước đó lí luận dạy học văn chưa từng đặt vấn đề về phương pháp dạy học văn bản nhật dụng. Đây là một khó khăn cho giáo viên.
Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của các tác giả SGK Ngữ văn trong các cuốn SGV Ngữ văn 6 hoặc Ngữ văn 9 về đặc điểm nội dung và hình thức của văn bản nhật dụng chính là những chỉ dẫn quan trọng giúp giáo viên và học sinh nhận diện văn bản nhật dụng và định hướng cách dạy - học văn bản nhật dụng.
Thực tiễn việc dạy học văn bản nhật dụng ở một số trường THCS hiện nay đã bộc lộ những bất cập cả trong kiến thức và phương pháp, nhất là phương pháp dạy học.
Có giáo viên còn mơ hồ về hình thức kiểu loại văn bản nhật dụng, xác định mục tiêu bài học chưa chính xác, sử dụng các phương tiện dạy học, xây dựng hệ thống câu hỏi trong hoạt động đọc hiểu văn bản chưa hợp lí, chưa tạo sự hứng thú và chưa đạt hiệu quả dạy học tích cực cho các bài học văn bản nhật dụng.
Có một số học sinh lớp 9 mặc dù đã được học các văn bản nhật dụng nhưng khi viết một văn bản thuyết minh hoặc nghị luận về một vấn đề có tính chất thời sự ở địa phương, ở cuộc sống xung quanh thì lúng túng, thiếu tự tin.
Thực trạng trên khiến tôi thấy sự cần thiết phải tiếp cận với một tầm sâu hơn, có hệ thống hơn các văn bản nhật dụng cả về kiến thức và phương pháp dạy học, từ đó góp phần tạo thành cơ sở mang tính khoa học và khả thi đáp ứng yêu cầu dạy học có hiệu quả phần văn bản nhật dụng trong SGK Ngữ văn THCS.
Xuất phát từ những lí do trên, nên khi giảng dạy thực hiện chương trình Ngữ văn THCS, bằng kinh nghiệm của bản thân kết hợp với việc dự giờ, khảo sát kết quả học tập trong học sinh của đồng nghiệp, và việc tự học tập nghiên cứu một số tài liệu tham khảo, tôi đã rút ra sáng kiến. Cụ thể là:
1.Một số kiến thức về văn bản nhật dụng (bao gồm nhận diện các đặc điểm nổi bật về hình thức và nội dung của văn bản nhật dụng).
2. Phương hướng dạy học văn bản nhật dụng (Đề xuất một số biện pháp dạy học, các cách tổ chức dạy học và những phương tiện dạy học tương ứng với dạy văn bản nhật dụng).
3. Vận dụng dạy học văn bản nhật dụng (Thiết kế bài giảng: Văn bản: "Thông tin về ngày Trái đất năm 2000", (Tiết 39 - Ngữ văn 8)
Hy vọng sáng kiến nhỏ này sẽ giúp bạn đọc tham khảo việc dạy học mảng văn bản nhật dụng trên cả hai mặt: lí thuyết và vận dụng thực tế.
Từ đó cùng với những tìm tòi sáng tạo của bản thân, bạn sẽ có thêm sáng kiến để dạy tốt phần văn bản nhật dụng góp phần thực thi đổi mới chương trình Ngữ văn THCS về căn bản, toàn diện góp phần đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường và định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Chúc các bạn thành công!