Nhiều nước châu Á "nói không" với vàng mã

GD&TĐ -Việc từ bỏ một tập tục lâu đời đã bén rễ trong người dân khó có thể thực hiện được trong "một sớm, một chiều", song bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và cả đưa ra những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, Chính phủ nhiều nước châu Á đã thành công.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Những năm gần đây, nhiều người dân Trung Quốc đã từ bỏ đốt vàng mã bởi họ coi đó là tập tục lạc hậu, lãng phí, ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường. 

Chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc những năm gần đây đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh; cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã và các đồ tế lễ mang tính mê tín; khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh như sử dụng hoa tươi, tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên các trang web; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm...

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và ban hành những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích người dân từ bỏ tập tục lâu đời này và hướng tới một cuộc sống văn minh nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Linh Quang Tự là ngôi chùa cổ 1.200 năm ở Bắc Kinh. Đây là một trong hai nơi trên thế giới lưu giữ xá lợi răng Đức Phật. Trong vòng nửa tháng đầu năm, mỗi ngày nơi đây có hàng trăm nghìn người đến lễ chùa. Tuy nhiên, người dân đến chùa không đốt vàng mã, không dâng lễ mà chỉ thắp hương với tấm lòng thành cầu cho xã hội và gia đình những điều tốt đẹp.

Thông thường sau khi hành lễ, người dân sẽ cột những dải băng màu đỏ ghi các ước nguyện, lời thỉnh cầu hay đánh một hồi trống để gửi gắm những mong ước cho một năm mới.

Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, Chính phủ Singapore đã ban hành những quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt liên quan đến việc đốt tiền giấy và vàng mã của người dân. Theo đó, tập tục này bị loại bỏ hoàn toàn tại các ngôi chùa thờ Phật. Tại các ngôi miếu thờ tự thần linh, người đi lễ có thể cúng và đốt vàng mã, nhưng phải đốt ở bên ngoài và đúng nơi quy định. Tại các khu dân cư, người dân có thể thờ cúng tổ tiên và đốt vàng mã, nhưng tất cả cũng phải đốt tập trung tại những khu vực đã xây dựng sẵn, đủ điều kiện phòng chống hỏa hoạn. Người dân Singapore thường chỉ đốt tiền giấy và vàng mã vào dịp lễ Vu Lan (15/7 âm lịch).

Trong những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, rất nhiều người dân Singapore từ khắp mọi nơi đã tụ hội về ngôi chùa Quan Âm tại khu Bugis để lễ Phật cầu may. Tuy nhiên, không có hiện tượng đốt vàng mã hoặc trưng bày những mâm lễ vật cầu kỳ và lãng phí. Mỗi người dân thường chỉ mua một thẻ hương cùng hoa được bày bán ngay tại cổng chùa để mang vào hành lễ, cầu mong cho tâm nguyện của mình trở thành hiện thực. Các hàng quán bày bán đồ lễ tại cổng chùa cũng chỉ có hương, hoa và nến, không có các đồ vàng mã. Một chủ cửa hàng tại đây cho biết hoạt động đốt vàng mã tại chùa đã bị cấm từ lâu, người đi lễ chùa chỉ thắp nhang và dâng hoa để tỏ lòng thành kính đức Phật và cầu nguyện. 

Tại chùa Buddha Tooth, ngôi chùa lớn nhất tại Singapore nằm trong khu phố Chinatown sầm uất, người đi lễ cũng chỉ dâng hương, hoa và nến.  Ông Peter Low, một người dân tại khu phố này, cho biết do một lần xảy ra hỏa hoạn khoảng 15 năm trước đây, Chính phủ Singapore đã ban hành quy định cấm đốt pháo nổ và hạn chế đốt vàng mã để phòng chống hỏa hoạn, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy những năm trước đây, trung bình mỗi năm Singapore nhập khẩu hơn 20 triệu đô la Singapore (tương đương khoảng 16 triệu USD) giấy vàng mã. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số này đã giảm xuống do các quy định hạn chế việc đốt vàng mã. 

Tại Malaysia, tín đồ Phật giáo chỉ chiếm 30% dân số nhưng lượng vàng mã được tiêu thụ tại quốc gia này không nhỏ. Tuy nhiên, năm 2013, Tổng hội Phật giáo Malaysia đã ban hành một thông báo khuyến khích người dân nên giảm bớt lượng vàng mã đốt hàng năm để bảo vệ môi trường. Cụ thể, các dịp lễ trong tháng Bảy Âm lịch như cúng cô hồn, xá tội vong nhân… đều không đốt vàng mã. Hầu hết người dân đều ủng hộ và thực hiện theo hướng dẫn của Tổng hội.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.