Giúp học sinh tháo gỡ nút thắt trong nhận thức, cảm xúc, hành vi

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng tư vấn tâm lý và mô hình công tác xã hội trường học đã mang lại kết quả tích cực trong giáo dục toàn diện cho học sinh tại các địa phương, trong đó có giáo dục về đạo đức, lối sống.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Hoạt động tham vấn tâm lý không thể thiếu

Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục vào Đào tạo Đắk Lắk, xã hội phát triển và hội nhập, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông ngày càng trở nên cấp thiết. Đó là những đòi hỏi tất yếu nhằm giải tỏa những bức xúc, vướng mắc trong học tập, sinh hoạt, hướng nghiệp... để các em có được sự thăng bằng về mặt tâm lý, sự hiểu biết và định hướng phát triển nhân cách đúng đắn. Nhu cầu cần tư vấn của học sinh ngày càng trở nên cấp bách trước thực trạng hiện nay nhiều học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý, cần hỗ trợ và giúp đỡ.

Từ năm 2017 đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiến hành thành lập phòng tư vấn, các tổ tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do công tác quản lý và bất cập về đội ngũ tham gia hoạt động tư vấn tâm lý chưa qua trường lớp đào tạo hoặc chưa được bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn. Việc quản lý các hoạt động tư vấn tâm lý ở trường THPT còn mang tính hình thức, đối phó và thụ động.

Hoạt động tham vấn tâm lý là một bộ phận của quá trình giáo dục trong nhà trường, có vai trò quan trọng trong việc tạo nên những con người đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. Tuy nhiên làm thế nào để hoạt động tham vấn tâm lý mang lại hiệu quả cao nhất, phát huy được hết tác dụng và đáp ứng nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới là điều cần quan tâm. - Ông Đỗ Tường Hiệp

Đa số học sinh khi gặp khó khăn đều tự mình giải quyết hoặc chỉ tham khảo ý kiến qua các hình thức khác thay vì đến phòng tư vấn tâm lý của nhà trường. Trước thực trạng trên, việc thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường để giúp học sinh tháo gỡ những nút thắt trong nhận thức, cảm xúc và hành vi là một việc làm có ý nghĩa thiết thực và rất cần thiết ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị, trường học thành lập Trung tâm tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống khỏe mạnh, các mối quan hệ với bạn bè, người thân. Đồng thời; hỗ trợ phụ huynh quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, phát triển mối quan hệ với nhà trường một cách tích cực, phát hiện những khó khăn của trẻ và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục; tư vấn giúp các bậc cha mẹ hiểu và có những giải pháp phù hợp với những vấn đề tâm lý của con mình.

Trung tâm tư vấn tâm lý học đường cũng hỗ trợ giáo viên khác trong việc giao tiếp và tiếp cận với học sinh, kịp thời phát hiện những nhu cầu và những vấn đề cần sự can thiệp của nhân viên tư vấn.

“Từ năm học 2015 - 2016 đến nay có rất nhiều lượt học sinh gửi yêu cầu, thắc mắc và tìm đến Trung tâm tư vấn tâm lý và tổ phòng, chống bạo lực học đường để yêu cầu giải đáp.

Về cơ bản, các thành viên trong Tổ tư vấn đã giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, băn khoăn các em cần hỗ trợ. Số còn lại các thành viên trong tổ tích cực tìm tòi, liên hệ và gửi thắc mắc, câu hỏi của học sinh tới các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp; sau đó gặp gỡ để giúp các em tháo gỡ khó khăn tối ưu nhất” - ông Đỗ Tường Hiệp cho hay.

Từ thực tế tại cơ sở, cô Nguyễn Thị Xuân Hương, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Đắk Lắk nhận định công tác tư vấn học đường đã có tác động tích cực đến học sinh nhà trường. “Phần lớn học sinh có khả năng suy nghĩ phản biện, một phần nhờ làm tốt công tác tư vấn học đường” - cô Hương cho hay.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Phát huy hiệu quả mô hình công tác xã hội học đường

Thời gian qua, mô hình công tác xã hội trong trường học đã mang lại kết quả tích cực trong giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh tại An Giang, đặc biệt là công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường theo nội dung chỉ đạo tại Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cho biết: Từ năm học 2014-2015 đến nay, Sở đã phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện mô hình công tác xã hội học đường. Đến nay, hai ngành đã duy trì, phát triển và hỗ trợ kinh phí cho 17 trường thực hiện mô hình (5/11 huyện), bước đầu tập trung hỗ trợ cho các đơn vị ở vùng khó khăn, biên giới; vận động, khuyến khích các đơn vị thuận lợi thực hiện xã hội hóa cho công tác xã hội học đường.

Các đơn vị trường học thực hiện mô hình được quan tâm, tạo điều kiện, trợ giúp nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống trong học tập, vui chơi cho học sinh, giúp các em rèn luyện năng lực tự giải quyết các mối quan hệ xã hội tốt hơn.

Nhà trường phát hiện và đưa ra những phương án can thiệp, trị liệu kịp thời các vấn đề liên quan đến học sinh, giúp học sinh bị tổn thương hòa nhập tốt sau những biến cố không mong muốn đã xảy ra. Các trường học phối hợp và kết nối khá tốt với các tổ chức, dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương; liên kết chặt chẽ với gia đình và cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Thực hiện mô hình công tác xã hội học đường, theo đại diện sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, nhiều đơn vị trường học đã có cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực học đường.

Đơn cử, Trường THPT An Phú, An Giang đã xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống bạo lực học đường năm học 2021 - 2022 một cách bài bản với các đầu việc cụ thể, rõ ràng và phân công trách nhiệm từ ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên, học sinh, đoàn thanh niên, bảo vệ nhà trường, phụ huynh học sinh.

Những nội dung đáng chú ý của kế hoạch này, theo thầy Đỗ Quốc Toàn Toàn, Phó hiệu trưởng nhà trường, là việc thường xuyên duy trì hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh; thành lập Tổ tư vấn tâm lý là bộ phận thường trực tham mưu với Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch và đưa ra phương pháp thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Lập hồ sơ theo dõi những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh cá biệt, học sinh có vấn đề cần giúp đỡ về tâm lý

Tổ chức ký cam kết giữa giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh và học sinh về việc “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, không vi phạm đạo đức nhà giáo” với các quy định xử lý cụ thể. Quán triệt trong giáo viên, cán bộ, nhân viên việc thực hiện đạo đức nhà giáo. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng bạo lực, bạo hành học sinh, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ