Tuy nhiên, sự phát triển nghề CTXH vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, đặc biệt vai trò, nhiệm vụ của người làm CTXH chưa được xác định cụ thể trong luật.
Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh
Không chỉ là lĩnh vực nghề nghiệp khá mới mẻ tại Việt Nam, CTXH còn là nghề hết sức đặc biệt, mang tính thực hành cao. Do đó, việc đào tạo sinh viên có kỹ năng nghề là việc làm hết sức quan trọng trong chương trình đào tạo sinh viên ngành CTXH.
Đề án Phát triển nghề CTXH đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ghi rõ “Để phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp cần tập trung vào một số việc trọng tâm: Xây dựng khuôn khổ pháp luật phát triển nghề CTXH; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm CTXH ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, đặc biệt các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH tại cộng đồng; Phát triển nguồn nhân lực làm CTXH để có đủ năng lực tiếp cận, hội nhập với quốc tế…” .
Theo TS Phạm Ngọc Lợi - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Cán bộ TPHCM, cả nước có gần 60 trường ĐH-CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo chuyên ngành CTXH.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với trường đại học tổ chức, đào tạo gần 500 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp. Đồng thời, cả nước có trên 425 cơ sở cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, gần 100 cơ sở cung cấp dịch vụ tại bệnh viện.
Tuy nhiên, TS Phạm Ngọc Lợi cũng cho rằng sự phát triển nghề CTXH vẫn còn tồn tại một số khó khăn, như khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, vai trò, nhiệm vụ của người làm CTXH chưa được xác định cụ thể trong các quy định của pháp luật.
Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng và chưa bảo đảm về chất lượng. Đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, công tác đào tạo sinh viên ngành CTXH trong các trường ĐH-CĐ còn thiếu, chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành thực tế; nhận thức về vai trò và vị trí của nghề CTXH còn những hạn chế nhất định.
Nhu cầu nhiều, dịch vụ cung cấp thiếu
Theo số liệu khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH mà TS Nguyễn Mạnh Bình đưa ra tại Hội thảo khoa học “Phát triển nghề CTXH ở TPHCM trong bối cảnh hiện nay”, số lượng người có nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 25% dân số.
“Nhu cầu về CTXH rất lớn, nhưng mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ này lại thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH hình thành ở ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ. Số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế.
Đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo chuyên nghiệp; đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ…” - TS Nguyễn Mạnh Bình nhận định.
Trong khi đó, ThS Lê Minh Hiển (Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) nêu quan điểm: Ngành CTXH rất cần trong các bệnh viện. Có nhiều đầu việc sinh viên ngành CTXH có thể làm được tại cơ sở y tế.
Còn theo TS Hoàng Tuấn Ngọc (Tổ Công tác xã hội thuộc Khoa Tâm lý học ,Trường ĐH Sư phạm TPHCM), nhu cầu về CTXH trong trường học rất lớn, góp phần bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và công bằng trong giáo dục.
Cụ thể, qua khảo sát 392 học sinh THCS có nhu cầu nhận được các chương trình liên quan đến CTXH học đường, TS Hoàng Tuấn Ngọc nhận định những vấn đề tiêu cực của xã hội tác động và tạo nên những căng thẳng tâm lý cũng như ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của học sinh.
Phần lớn học sinh khi đối diện với những căng thẳng tâm lý sẽ trăn trở một mình hoặc chia sẻ với bạn bè để tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.
Trong trường học, khi các thầy cô giáo đối diện với học trò có vấn đề phần lớn sẽ được giải quyết theo quy định của nhà trường hoặc những lời giáo huấn, thuyết phục, hình phạt mà không có hướng giải quyết một cách bao quát để phát hiện phòng ngừa vấn để tiêu cực phát sinh.
Bàn về cơ hội việc làm của ngành CTXH, TS Đỗ Thanh Vân (Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM) nhận định: Nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng với sự phát triển, bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại.
Đội ngũ người làm CTXH ở TPHCM đã hình thành nhưng thiếu sự liên kết, chia sẻ nghề nghiệp. Ngoài ra, trình độ chuyên môn của các nhân viên xã hội chuyên nghiệp chưa tiệm cận tốt với nhau; đồng thời cần khắc phục tình trạng xem CTXH là công tác từ thiện.
Từ đó, người làm CTXH sẽ nghiêm túc hơn với nghề nghiệp của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động hiện nay.